Trung Quốc lọt top “thị trường hàng giả khét tiếng” thế giới 2/21/2014 9:01:29 AM
Mỹ vừa công bố một danh sách những “thị trường hàng giả khét tiếng” nhất thế giới, trong đó Trung Quốc là cái tên dẫn đầu về những chợ thực tế bán hàng giả, còn các website ở châu Âu, Nam Mỹ và Canada thuộc top những chợ hàng giả trực tuyến.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa

Tin từ trang SBS của Australia dẫn lời đại diện thương mại Mỹ (USTR) Michael Froman cho biết, danh sách “thị trường hàng giả khét tiếng” (Notorious Markets List for 2013) liệt kê những thị trường bị cho là gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và việc làm của Mỹ thông qua xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Vị USTR này giải thích, từ “khét tiếng” được dùng để mô tả các thị trường hàng giả trong danh sách là bởi, đây là các ví dụ điển hình cho nạn giả mạo nhãn hiệu thương mại và xâm phạm bản quyền trên quy mô toàn cầu. Ngoài ra, quy mô cũng như mức độ phổ biến của các thị trường này có thể gây phương hại lớn về kinh tế đối với nước Mỹ.

Ông Froman nói, danh sách trên được soạn thảo nhằm mục đích giúp Mỹ và các quốc gia khác đặt ra ưu tiên trong vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. “Những thị trường mà chúng tôi đã nhận diện gây ra sự bất công cho người lao động Mỹ, làm suy giảm giá trị và khả năng tiêu thụ các sản phẩm của họ, và còn đe dọa việc làm của họ”, ông Froman phát biểu.

Vị USTR cũng nói rằng, người tiêu dùng có thể chịu ảnh hưởng xấu nếu tiêu thụ các loại hàng giả như thuốc, các sản phẩm chăm sóc cá nhân và phụ tùng ôtô.

Các chợ thực tế ở Trung Quốc bị bản báo cáo “điểm danh” vì bán hàng giả, nhái bao gồm Silk Market ở Bắc Kinh và Trung tâm bán buôn hàng dệt may ở Quảng Châu. Đại diện thương mại Froman xem đây là những khu chợ đóng góp chủ chốt cho hoạt động buôn bán hàng giả, nhái ở Trung Quốc và trên toàn cầu.

Báo cáo cũng cho biết, PC Malls, một chuỗi gồm 22 cửa hiệu máy tính cá nhân ở Trung Quốc, là một nguồn cung cấp lớn các loại phim, game và phần mềm vi phạm bản quyền.

Nhiều khu chợ ở Thái Lan đã bị đưa vào bản danh sách, bao gồm các trung tâm mua sắm MBK và Pantip Plaza ở Bangkok. Theo báo cáo, những nỗ lực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở những khu chợ này “gần như là vô hiệu”.

Có 6 khu chợ ở Ấn Độ bị bản báo cáo nhắc đến, bao gồm chợ Nehru Place ở New Delhi, nơi được xem là “ví dụ điển hình” của những địa chỉ có khối lượng lớn phần mềm vi phạm bản quyền và hàng giả được giao dịch.

Bên cạnh đó, bản báo cáo còn liệt kê chợ Seventh Kilometre ở Odessa, Ukraine, chợ La Salada ở Beunos Aires, Argentina. Tại đây, hàng giả được bán công khai - báo cáo cho biết. Chợ La Salada “nổi tiếng về mức độ sẵn có của hàng giả, hàng vi phạm bản quyền, đến nỗi có những tuyến xe bus chuyên đưa người mua hàng từ Paraguay và Uruguay tới chợ này”.

Các chợ trực tuyến bị đưa vào bản “danh sách đen” bao gồm The Pirate Bay của Thụy Điển. Trang này giúp người sử dụng tải về các nội dung có bản quyền mà không cần cấp phép. Tương tự, ở Canada có trang KickassTorrents, ở Hà Lan có Torrentz.eu.

Phương Anh
Theo SBS
Hiện tại chưa có phản hồi nào
Hiển thị 0 trong Hiện tại chưa có phản hồi nào phản hồi  
Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 85
   Truy cập trong ngày : 3243
   Tổng số truy cập : 29133927
Logo thương hiệu Việt