Biên bản cuộc họp chính sách hồi tháng 1 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho thấy rằng, một số nhà hoạch định chính sách thuộc cơ quan này muốn tiếp tục cắt giảm hơn nữa quy mô chương trình thu mua trái phiếu hàng tháng, vốn được xem là một biện pháp quan trọng thúc đẩy thị trường đi lên sau khủng hoảng.
Cuối năm ngoái, FED đã giảm 10 tỷ USD từ chương trình này và tới tháng đầu năm nay giảm thêm 10 tỷ USD nữa. Theo biên bản cuộc họp trên, trừ phi trong năm 2014 này nền kinh tế Mỹ bất ngờ có một sự biến động rõ ràng, còn không thì chương trình thu mua tài sản này sẽ tiếp tục được cắt giảm đến khi dừng hẳn.
Mặc dù những thông tin về nội dung cuộc họp chính sách hồi tháng 1 đã được công bố về cơ bản, song trong tình hình kinh tế Mỹ từ đầu năm tới nay có nhiều yếu kém, nhiều chuyên gia phân tích và nhà đầu tư vẫn kỳ vọng rằng, FED sẽ cân nhắc tạm ngưng kế hoạch này hoặc chí ít thì khối lượng cắt giảm sẽ được thu hẹp.
Hôm qua, thị trường tiếp tục đón nhận thêm những tin tức bất lợi khác về sự đi xuống của nền kinh tế Mỹ trong đầu năm 2014, bao gồm việc khởi công xây dựng nhà ở trong tháng 1 ghi nhận mức giảm lớn nhất trong gần 3 năm qua. Chỉ số giá sản xuất của nền kinh tế đầu tàu thế giới sau khi điều chỉnh theo mùa tăng 0,2%.
Căn cứ trên số liệu nhà ở, một số chuyên gia phân tích đã hạ thấp dự báo tăng trưởng quý 1. Trong đó, đáng chú ý có ngân hàng Goldman Sachs cắt giảm mức dự báo tăng trưởng quý đầu năm 2014 xuống còn 1,8%. Ngân hàng Barclays cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng quý 1 khoảng 0,3 điểm phần trăm, xuống còn mức 1,9%.
Kết thúc ngày giao dịch 19/2, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 89,84 điểm, tương ứng với mức giảm 0,56%, xuống còn 16.040,56 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 12,01 điểm, tương ứng với mức giảm 0,65%, xuống còn 1.828,75 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 34,83 điểm, tương ứng với mức 0,82%, xuống 4.237,95 điểm.
Với kết quả đi xuống trong vòng 2 phiên, những nỗ lực bứt phá của chỉ số S&P 500 trong tuần qua đã thành công cốc. Hiện chỉ số này vẫn còn nằm cách khá xa ngưỡng cao kỷ lục 1.848,38 điểm được xác lập hôm 15/1.
Trong số các cổ phiếu giảm điểm hôm qua, đáng chú ý nhất có cổ phiếu của hãng Tesla giảm gần 5% trong phiên giao dịch chính thức nhưng tăng hơn 12% sau khi thị trường đóng cửa. Phiên giao dịch liền trước cổ phiếu của công ty sản xuất xe điện nổi tiếng thế giới này đã bay vọt lên mức giá cao kỷ lục, trên 218 USD.
Khối lượng giao dịch toàn thị trường ở mức khá cao, khoảng 6,9 tỷ cổ phiếu, thấp hơn một chút so với mức bình quân 7,06 tỷ cổ phiếu trong các ngày kể từ đầu tháng 2 cho đến nay. Số cổ phiếu giảm điểm vượt trội số mã tăng trên sàn giao dịch New York với tỷ lệ 9/5, còn trên sàn Nasdaq, cứ 5 mã giảm thì có 2 mã tăng.