Hành trình VACOD

 

HÀNH TRÌNH TỪ VBC ĐẾN VACOD

CÂU LẠC BỘ DOANH NGHIỆP VIỆT NAM (VBC)

18 NĂM HOẠT ĐỘNG, TIẾP BƯỚC VÀ PHÁT TRIỂN

 

Ths. Nguyễn Thị Thu Thủy – Chủ tịch VBC

 

Hà Nội, tháng 12 năm 2010

 

Đã 18 năm qua, kể từ năm 1992 khi Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam (VBC) được thành lập thuộc sự quản lý của Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). Những thành viên sáng lập VBC sớm nhận thức được tiềm năng, vị thế của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam được khẳng định trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. VBC bám sát hơn các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nội dung và hình thức hoạt động của VBC xoay quanh các vấn đề: Là nơi gặp gỡ của giới kinh doanh, các nhà khoa học kinh tế, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước để trao đổi kinh nghiệm về quản lý, kinh doanh, bàn bạc về hợp tác, liên doanh, liên kết kinh tế; Cung cấp thông tin kinh tế cho giới kinh doanh; Hội thảo, bồi dưỡng chuyên đề hoặc thông tin về các lĩnh vực liên quan đến sản xuất, kinh doanh; Thực hiện các dịch vụ tư vấn, môi giới, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại…; Tổ chức các dịch vụ như tham quan, vui chơi giải trí… phục vụ sinh hoạt câu lạc bộ.

Từ đó đến nay VBC là một trong những tổ chức xã hội nghề nghiệp tiên phong thầm lặng. Lúc đầu, với sự ra mắt VBC tại Cung Hữu nghị Việt Xô với đông đảo doanh nghiệp trong và ngoài nước ở các thành phần kinh tế, mà chủ yếu lúc đó là các Doanh nghiệp Nhà nước làm nòng cốt, đến năm 1996 – 1998 thì lực lượng Doanh nghiệp tư nhân và đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp tư nhân phía Nam mới gia nhập nhiều hơn và gia tăng số hội viên theo từng năm tháng.

Với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ nhân viên VBC cùng sự đồng lòng, nhiệt thành hưởng ứng từ các doanh nghiệp ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam, nhất là lòng tâm huyết vì sự thành công của các doanh nghiệp hội viên trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Ban lãnh đạo chuyên trách, VBC đã dần trưởng thành và phát huy vai trò của mình như một tổ chức hiệp hội chuyên nghiệp.


         Vị giám đốc đầu tiên là TS. Vũ Huy Từ - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Giám đốc Học viện hành chính Quốc gia, đến TSKH. Nguyễn Văn Bẩy – người có công lớn khai sinh ra tổ chức – một dấu ấn quan trọng tạo nên tầm vóc VBC có nét hoạt động riêng và mang tính đột phá so với các tổ chức hiệp hội khác thời đó và bây giờ là vai trò của người em út trong Ban lãnh đạo Ths. Nguyễn Thị Thu Thủy  tiếp nối, kế nhiệm

Lúc đầu Câu lạc bộ doanh nghiệp hoạt động chưa mạnh, tiềm lực kinh tế rất hạn chế,  là một loại hình tổ chức mới mẻ tại Việt Nam, VBC nên chọn phương án nào để ngày càng có hiệu quả là một vấn đề trăn trở và khó khăn của Ban lãnh đạo, song khó khăn đó được từng bước khắc phục bằng các lớp học thường xuyên, đều đặn và nội dung đào tạo rất phù hợp với thời kỳ nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi lúc bấy giờ,VBC đã tổ chức các khóa học ngắn hạn về: Kinh tế thị trường, quản lý kinh doanh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quản lý nhà nước đối với đô thị, ODA, lý luận và thực tiễn về đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI… đội ngũ giảng viên chỉ số ít là ở các trường đại học, các Viện, còn chủ yếu là những chuyên gia đang trực tiếp lãnh đạo, quản lý ở các Bộ, các Vụ, các bộ phận chuyên trách từng lĩnh vực trong cơ quan Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội. Kết hợp với các khóa học, VBC đã cùng với doanh nghiệp hội viên như Việt Nam tourist, Hà Nội tourist… tổ chức tham quan khảo sát học tập kinh nghiệm tại nước ngoài cho các doanh nghiệp hội viên ở Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ và đã thu được kết quả tốt đẹp. Nguồn tài chính tăng thêm và uy tín cũng ngày một tăng lên từ đó. Thêm nữa, VBC còn thiết lập thành công một số đợt đưa học sinh đi dự học tại Úc, Mỹ, tổng hợp biên tập và cung cấp Bản tin kinh tế tổng hợp Việt Nam hàng tháng cho các doanh nghiệp Nhật như Mitsui, Nissho Iwai, Logitem…

Các khóa đào tạo sau đó kết hợp tham quan khảo sát thực tế tại nước ngoài đã thu hút hơn 2 vạn học viên không chỉ ở các sở, ban ngành, UBND, HĐND các tỉnh trong toàn quốc đi học bằng tiền ngân sách, mà các doanh nghiệp đăng ký đi học cũng ngày càng tăng thêm. Thương hiệu VBC đã trải dọc từ miền Bắc qua miền Trung rồi vào miền Nam thân yêu.

Thời gian trôi đi lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân ở các tỉnh thành, trung ương và vùng miền địa phương tăng lên rất nhanh, VBC lại đón nhận những cơ hội phát triển cho doanh nghiệp phục vụ hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp hội viên của mình, đồng hành và chia sẻ với các hội viên cùng chứng kiến những bước thăng trầm của doanh nghiệp, cùng chia vui với những thành quả của các doanh nghiệp, doanh nhân

Năm 2003, TSKH. Nguyễn Văn Bẩy – người thủ lĩnh lúc đó đã cùng các phó chủ tịch của mình như: Nguyễn Thị Thu Thủy, Khuất Khánh Vì, trưởng văn phòng phía Nam Nguyễn Thanh Phúc lại được sự nhiệt tâm tham gia của những người bạn lớn của VBC như cố nhà báo Trường Phước, nhà sử học Dương Trung Quốc, TS. Nguyễn Sĩ Dũng – lúc đó là Giám đốc Trung tâm Thông tin Quốc hội, đã nghiên cứu, đi ngược dòng thời gian sưu tầm tư liệu lịch sử để xác lập ngày Doanh nhân Việt Nam cùng những cánh tay của đông đảo đại biểu, doanh nhân giơ lên tán thành tại Hội trường hội nghị “Tinh thần Điện Biên Phủ với chấn hưng đất nước ngày nay” ngày 28/4/2004 với sự chứng kiến và thống nhất của các tướng lĩnh Điện Biên Phủ năm xưa và đại diện đoàn Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bà Hà Thị Liên, các giới truyền thông báo chí, đài Truyền hình với hơn 500 đại biểu đã đồng tình chọn mốc 13/10 – ngày Bác Hồ gửi thư cho giới Công thương Việt Nam làm ngày truyền thống Doanh nhân. Cùng thời gian này, tại 30 Hoàng Diệu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trao gửi Bức thư lịch sử “Thân gửi đội ngũ Doanh nhân Việt Nam” cho Ban lãnh đạo và Đoàn Doanh nhân VBC. Và đến ngày 20 tháng 9 năm 2004, Chính phủ đã chính thức ban hành quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm là ngày Doanh nhân Việt Nam.

Thật quá đỗi vui mừng, đội ngũ Doanh nhân Việt Nam – lực lượng xung kích thời bình trên mặt trận kinh tế, từ nay đã có ngày truyền thống riêng của mình, Doanh nhân Việt Nam đã có thời khắc sang trang mới, được tôn vinh xứng đáng với sự đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp phát triển của đất nước chúng ta.

Cùng vui với doanh nhân, cùng thấu hiểu những vất vả của Doanh nghiệp, Doanh nhân Việt Nam, bắt đầu tư năm 2004, vào dịp ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 hàng năm VBC lại tổ chức sự kiện thường niên“Giao lưu Doanh nhân 3 miền Bắc – Trung – Nam”, một lần nữa VBC lại được các doanh nghiệp, doanh nhân, các chuyên gia đầu ngành, hội đồng cố vấn cùng vào cuộc, hưởng ứng, tham gia rất nhiệt tình. Việc liên kết, phối kết hợp với các tổ chức Hiệp hội cũng rất quan trọng đối với VBC trong thời gian qua. VBC đã phối hợp với UBND, Hội Doanh nghiệp trẻ các thành phố và doanh nghiệp hội viên sở tại tổ chức rất thành công chương trình giao lưu doanh nhân 3 miền tại Hà Nội, Hà Tây, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột và Nha Trang. Nhân dịp kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ, VBC đã cùng Hiệp Hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội (HBA) phối hợp tổ chức trang trọng với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam với 15 năm bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ”. Ngài Đại sứ Mỹ và các tham tán thương mại Mỹ đã đến dự và có bài phát biểu hết sức đặc sắc.

Bộ sách “Doanh nhân Xưa & Nay” 3 tập đã liên tiếp được VBC xuất bản năm 2003, 2004 và 2006 với hàng nghìn trang sách tâm huyết đã gây được tiếng vang và là những tư liệu tốt cho những công lao cho đóng góp, những khó khăn vất vả để đi tới thành công của các gương mặt doanh nhân Việt Nam tiêu biểu. Các ấn phẩm “Doanh nhân Việt Nam về với cội nguồn dân tộc”; “Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt Nam – 15 năm đồng hành và phát triển” cũng lần lượt ra đời.

Mười tám năm  qua không phải quá dài, nhưng đã đủ khẳng định những bước đi vững chắc, những đột phá tạo nên những thành công của một tổ chức – một tổ chức tuy nhỏ về mô hình nhưng đã làm những điều không nhỏ cho xã hội, với những đợt vận động quyên góp từ các doanh nghiệp cho công tác từ thiện, ủng hộ đồng bào lũ lụt, những quyên góp tài trợ cho hoàn cảnh thương tâm của thời chiến tranh để lại với những di chứng của chất độc màu da cam, đóng góp tu sửa tôn tạo Khu Di tích Đền Hùng… VBC đã đi và chia sẻ với các vùng miền như vậy.

VBC – một tổ chức xã hội nghề nghiệp, một tổ chức phi Chính phủ, một tổ chức hoạt động với cái tâm đối với doanh nghiệp, với những lo toan vất vả cho công việc, cuộc sống của Ban lãnh đạo cùng hơn 80 cán bộ nhân viên trong suốt các thời kỳ đến nay đã khẳng định tầm vóc, uy tín ở các vùng miền trong cả nước.

Với những cống hiến thầm lặng cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam suốt nhiều năm qua, cho dù không một tấm huy chương, không một bằng khen của Nhà nước, Chính phủ, nhưng những con người tâm huyết ở tổ chức này vẫn làm việc cống hiến cho những thành quả khiêm tốn của mình cùng sự động viên, khích lệ của những người bạn tri kỷ: những doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

 Ban lãnh đạo Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam (VBC) cùng toàn thể cán bộ nhân viên luôn tin tưởng vào sự phát triển vượt bậc của các doanh nghiệp Việt. Cho dù sau đây, VBC có khoác cho mình tấm áo mới, với tên gọi mới: “Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam” (VACOD) nhưng mãi mãi cái hồn, cái cốt lõi vẫn là một “Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam” luôn đồng hành, gần gũi, thân thuộc, chia sẻ với các doanh nghiệp Việt Nam.

Sự thay đổi của VBC, đồng nghĩa với một sự chuyển mình và hy vọng sẽ lên một tầm cao mới, chuyên nghiệp hơn, để có thêm cơ hội làm được nhiều điều, phục vụ được nhiều việc có ích hơn cho cộng đồng doanh nghiệp và cuộc sống của những tấm lòng luôn khát khao cống hiến cho sự nghiệp chung của doanh nghiệp, của đất nước sẽ không bao giờ là vô nghĩa.

Hy vọng rằng mùa hoa đỏ của VBC sẽ tiếp tục đón những hào quang tỏa sáng nơi chân trời mới cho những thế hệ VBC tiếp bước phát triển cùng VACOD.





Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 77
   Truy cập trong ngày : 2552
   Tổng số truy cập : 28010589
Logo thương hiệu Việt
Thị trường nội bộ VACOD