Ngày 8/7, cơ quan Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Nghệ An
cho biết, cơ quan này vừa phát hiện một bản sắc phong lụa cổ quý hiếm và
độc đáo nhất từ trước tới nay. Được biết, sắc phong lụa cổ quý hiếm này
được tìm thất tại nhà thờ họ Nguyễn Trọng (ở xóm 3, xã Nghi Hợp, Nghi
Lộc, Nghệ An).
Qua quan sát, bản sắc phong cổ này được làm từ chất liệu vải lụa có
màu vàng nhạt, in hoa văn cúc dây. Trên bản sắc phong cổ này có 295 chữ
Hán được viết theo kiểu chữ thảo, có chiều dài 4,3m, rộng 0,42m, được
cuộn tròn, đựng trong một hòm gỗ sơn màu đỏ, hình chữ nhật. Hiện tại,
sắc phong này đã được con cháu dòng họ Nguyễn Trọng lưu giữ và bảo vệ
cẩn thận tại nhà thờ trong suốt 385 năm qua.
Theo cơ quan chức năng cho biết, bản sắc phong này được viết vào đời
vua Lê Thần Tông, hiệu Vĩnh Tộ năm thứ 11, ngày 11 tháng 4 nhuận, tức
năm 1829. Nội dung bản chế ca ngợi công đức và tiến phong tước “Nguyên
soái, tổng quốc thanh đô vương, Thượng trụ quốc Trinh quận công thiết
tổ” cho ông Nguyễn Trọng Thưởng - một vị tướng thời Lê.
Được biết, trong gia phả dòng họ Nguyễn Trọng có viết, Ông Nguyễn
Trọng Thưởng vốn xuất thân từ một gia đình có truyền thống võ học, thuộc
đời thứ 5 dòng dõi của Cương Quốc Công Nguyễn Xí. Cha là Hoằng Quận
Công Nguyễn Kế Hưng - một công thần triều Lê. Tuổi nhỏ vốn thông thạo võ
nghệ. Lớn lên, ông thi đậu Tạo sỹ võ và được triều đình cử làm Đô đốc
Bình An vương, chỉ huy quân đội triều đình Bắc Hà.
Năm 1623, Trịnh Xuân giết cha là Trịnh Tùng, giành ngôi chúa, Mạc
Kính Khoan biết tin liền đem quân đánh phá kinh thành Thăng Long. Vua Lê
Thần tông cùng gia quyến phải bỏ thành lui về cố cung Thanh Hóa. Trước
tình hình đó Nguyễn Trọng Thưởng đã tập trung binh lính, các bá quan văn
võ trong triều để bảo vệ kinh thành và đánh dẹp được quân nhà Mạc, buộc
quân nhà Mạc phải rút lui lên Cao Bằng.
Có công lớn trong việc bảo vệ vua Lê, năm 1628, Nguyễn Trọng Thưởng
cùng với em ruột là Nguyễn Kế Đại và con trai của mình là Trịnh xá Hầu
Nguyễn Trọng Chất, phó Đô sứ Nguyễn Trọng Hiền, Thượng trụ quốc Nguyễn
Trọng Lương, tổ chức lực lượng chống lại quân của chúa Nguyễn đàng
trong, tại khu vực Sông Gianh, Quảng Bình. Trong trận đánh này, Nguyễn
Trọng Thưởng đã chiến đấu anh dũng và tử trận.
Để tưởng nhớ công lao của Nguyễn Trọng Thưởng, triều đình nhà Lê đã
cho tổ chức quốc tang và đem thi hài của ông về an táng tại quê nhà.
Ngày 11 tháng 4 nhuận năm 1629, vua Lê Thần Tông đã ban chế ca ngợi
công đức của Nguyễn Trọng Thưởng đối với đất nước và phong sắc cho ông
tước: “Nguyên soái tổng quốc thanh đô vương, Thượng trụ quốc Trinh quận
công” và đích thân vua Lê Thần Tông cùng với một số quan văn, võ trong
triều đình về Thượng Xá để ban sắc và phong ông thêm chức Thái Bảo, cấp
cho gia đình 300 mẫu lộc điền, cùng với đôi câu đối: “Sinh tắc tam quân tướng; Tử vi vạn cổ thần” có nghĩa là: “ Sông làm tướng mạnh giữa ba quân, chết làm thần thường trong vạn thuở” và giao cho nhân dân lập đền thờ phụng.
Ngoài bản sắc phong lụa quý hiếm trên, hiện nay tại nhà thờ họ Nguyễn
Trọng còn có 2 bản sắc phong quý hiếm khác. Một sắc phong có niên hiệu
Vĩnh Tộ thứ 3 (1621) phong cho Nguyễn Trọng Thưởng và một sắc phong có
niên Đức Long nguyên niên (1929), phong cho cha của ông là Hoằng quận
công Nguyễn Kế Hưng cùng với nhiều hiện vật quý như: câu đối, đại tự,
long ngai, bài vị,….
Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Ban quản lý Di tích và Danh thắng Nghệ
An cho biết: Nghệ An là một tỉnh có rất nhiều sắc phong hiện đang được
lưu giữ ở các đền miếu và nhà thờ họ, nhưng đây là lần đầu tiên phát
hiện ra bản bản sắc phong bằng gấm lụa đặc biệt quý hiếm và độc đáo như
thế này. Cần phải có phương án bảo vệ các sắc phong, để lưu giữ cho muôn
đời sau.
Dưới đây là một số hình ảnh về sắc phong cổ có niên đại gần 400 năm do PV Dân trí ghi lại:
Nhà thờ họ Nguyễn Trọng nơi phát hiện ra sắc phong lụa quý hiếm.
Sắc phong bằng gấm lụa có chiều dài 4,3m, rộng 0,42m có niên đại 385 năm.
Sắc phong được viết theo dạng chữ thảo khá đẹp và rõ nét.
Ngoài sắc phong lụa, tại nhà thờ họ Nguyễn Trọng còn lưu giữ 2 sắc phong năm Vĩnh Tộ thứ 3 và Đức Long nguyên niên.
Bức Đại tự cổ lưu tại nhà thờ họ Nguyễn Trọng.
Theo Mạnh Hà - Nguyễn Duy
Dân trí