"Sẽ nhớ mãi lần xin... ôm hôn Đại tướng" 10/7/2013 8:12:13 AM
Là một phóng viên ảnh kỳ cựu của Báo Quân đội nhân dân, Đại tá, nhà báo Trần Hồng có quãng thời gian dài tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh nhớ nhiều kỷ niệm với Đại tướng, nhớ nhất lần đã xin... ôm hôn Tướng Giáp trước mặt tổng thống Venezuela.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh, Nhà báo Trần Hồng quê ở huyện Đức Thọ, sinh ra và lớn lên ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Ông từng là chiến sỹ Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn. Tốt nghiệp khóa 1 - chuyên ngành nhiếp ảnh, khoa Báo chí trường Tuyên giáo Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) ra trường năm 1973 và từ đó ông trở thành phóng viên ảnh của báo Quân đội nhân dân.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm cơ quan Thông tấn xã Việt

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm cơ quan Thông tấn xã Việt Nam (Ảnh Trần Hồng, 2006)

Quãng đời làm báo gần 40 năm biết bao gian khổ, bao kỷ niệm vui buồn, song với ông, chiến tranh và những nhân chứng đã đi qua cuộc chiến như là những vết xước hằn sâu thật khó quên. Những chiến dịch lớn ông đã từng tham gia với tư cách là phóng viên của quân đội trong cuộc chiến tranh chống Mỹ và ở trên đất bạn Campuchia đã mang lại cho ông những thành công trong nghề nghiệp. Nụ cười vô tư của những người lính trẻ măng trong chiến trận; nỗi đau mất mát của những “hòn vọng phu sống” trên khắp miền đất nước sau cuộc chiến đã làm nên một tên tuổi Trần Hồng trong làng nhiếp ảnh Việt Nam.

Là một quân nhân, Trần Hồng cũng như hàng chục người lính khác đã có sẵn trong mình lòng tôn kính sâu sắc với vị Đại tướng Tổng tư lệnh huyền thoại. Lại là một phóng viên ảnh kỳ cựu của Báo Quân đội, ông càng có điều kiện, bỏ công sức suy tư, đón đợi, nắm bắt để thu bằng được vào ống kính của mình chân dung vị tướng tài ba, nhân hậu trong khoảnh khắc bình dị, đời thường.

Kinh nghiệm, niềm si mê tận cùng về thể loại ảnh chân dung, ông rất muốn có trong tay những bức ảnh của riêng mình về Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, có thể phần nào đó nói lên được cái bản chất bên trong của một vị tướng nhân - trí - dũng, một trong những con người đã được nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu đánh giá là “Học trò gần gũi, xuất sắc và trung thành của Bác Hồ”. Ông tâm sự: Không hiểu sao, mỗi lần gần Đại tướng, ngắm ông qua ống kính máy ảnh, ông cứ liên tưởng tới Bác Hồ. Có lẽ vì Đại tướng luôn nghĩ về Bác, thường nói về Bác, và trong mỗi cử chỉ, phong cách ứng xử lẫn chiều sâu trí tuệ của ông có cái gì đó rất gần, rất giống với Bác.

Gần 30 năm được tiếp cận với Đại tướng, Trần Hồng có may mắn và vinh dự được Đại tướng dành cho ưu ái đặc biệt là có thể chụp ảnh ông tại tư gia bất cứ lúc nào. Với hơn 2.000 bức ảnh màu và đen trắng được ông rút ra từ hàng ngàn cuốn phim đã cho ông có trong tay một gia tài đồ sộ, vô giá về chân dung Đại tướng.

Cách đây 7 năm, vào những ngày cuối tháng Tám mùa lịch sử, tôi may mắn được làm khách mời của một cuộc trưng bày ảnh “xưa nay hiếm” ở nước ta, tại Nhà văn hóa Trung tâm, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình. Cả phòng ảnh sang trọng, rộng rãi gồm 95 bức của nhà báo, Báo Quân đội Nhân dân Trần Hồng chỉ giới thiệu về một con người, đó là chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng tư lệnh văn võ song toàn, người anh cả của quân đội ta, nhân dịp ông bước vào tuổi đại thọ 95.

Trần Hồng chia sẻ: "Là một phóng viên của báo Quân đội Nhân dân, mình có tư cách và độ tin cậy để tiếp cận Đại tướng so với nhiều đồng nghiệp khác, kế nữa là tôi rất say mê chụp ảnh chân dung. Sau chân dung của các bà mẹ, tôi  muốn có những bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có thể phần nào đó nói lên được con người bên trong của một vị tướng trí – dũng song toàn, một Tổng tư lệnh “Đã đi qua hai cuộc chiến tranh/ tình thương lớn Anh chỉ dành cho lính”" ( thơ Đỗ Quý Doãn).

Với Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng, Đại tướng là một con người mà ở bất kỳ góc độ nào cũng luôn tỏa sáng, và vì thế mà anh phải bằng mọi cách để tiếp cận ông cho bằng được.

Tuy vậy, ban đầu không dễ. Một lần anh trò chuyện, ngỏ ý với anh Nguyễn Văn Huyên thư ký lâu năm của Đại tướng. Anh cho biết, khó đáp ứng bởi quá nhiều người muốn diện kiến Đại tướng. Nếu là nhà báo thì cũng phải đăng ký chờ văn phòng xếp lịch. Anh nghĩ, đợi xếp lịch thì đến bao giờ? Rất may, vừa lúc đó thì Đại tướng đi ngang qua. Ông hỏi han ân cần, và khi biết anh là phóng viên báo Quân đội Nhân dân , muốn chụp được ảnh ông trong sinh hoạt đời thường, ông nói với anh Huyên: “Để cho đồng chí phóng viên này có thể vào bất cứ lúc nào”. Anh Huyên lật tấm danh thiếp, viết cho anh mấy chữ vào phía sau: “Tất cả các đồng chí trong văn phòng tạo mọi điều kiện tốt nhất để đồng chí Trần Hồng vào gặp anh Văn”.

Có “bảo bối” trong tay, anh mừng vô kể. Và cũng vì thế mà anh đưa được vào ống kính của mình những khoảnh khắc vui buồn, suy tư… của Đại tướng, nghĩa là từ nhiều cung bậc tình cảm khác nhau, kể cả khi ông khóc. Trong 1.500 ảnh màu và đen trắng, anh tâm đắc nhất là bức ảnh chụp ông đứng bên tượng Bác Hồ đặt ở trong phòng làm việc.

Vốn người già thường dễ xúc động, với một con người giàu tình cảm như Đại tướng điều đó rất dễ xảy ra. Nhất là khi ông gặp lại những kỷ niệm thiêng liêng, những đồng đội cũ một thời gắn bó máu thịt. Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, đồng chí Phạm Quang Nghị lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin dẫn đoàn văn nghệ sỹ Tây Bắc đến chúc mừng Đại tướng. Một nghệ sỹ trong đoàn thổi tặng ông bản nhạc bằng chiếc lá sấu vừa bứt ngoài vườn. Đại tướng rất vui bảo: “Cháu hướng dẫn ông thổi kèn lá với nào!” Tất nhiên do tuổi cao, hơi sức bị yếu nên thổi không thành tiếng làm Đại tướng buồn, rút khăn chấm mắt. Bà Hà, vợ ông bảo: tiếng kèn lá làm ông nhớ da diết Tây Bắc, nhớ về quãng đời trẻ trung, sôi nổi của mình. Anh lập tức nâng máy… Ảnh thứ ba, anh chụp Đại tướng bên cạnh những người bạn chiến đấu, những cựu chiến binh đến thăm ông tại nhà riêng. Trong số đó có nhà văn Sơn Tùng, tác giả của cuốn sách “Búp sen xanh”,người có công nghiên cứu sâu sắc, có nhiều tư liệu quý về Bác Hồ. Một câu nói vui đầy đồng cảm của anh Sơn Tùng chạm đến tâm thức rất riêng, làm ông xúc động đến rơi lệ. Vì thế bức “ Gặp lại bạn bè cũ” này ra đời và để lại dấu ấn khó quên trong người xem.

Có trong tay rất nhiều ảnh, Trần Hồng vẫn chưa hề tặng Đại tướng bức nào, ngoài bức chụp ông chọn mua sách ở một hiệu sách gần cột cờ Hà Nội. Bởi anh thấy ông có nhiều kỷ vật do bạn bè và những người yêu quý ông gửi tặng còn quý hơn ảnh của mình. Vả lại anh nghĩ, nếu ông xem những bức ảnh anh chụp gần đây so sánh với những bức chụp cách đây 10-15 năm trông trẻ đẹp, oai phong lẫm liệt “rất Đại tướng”, ông sẽ buồn.

Và đến năm 2011, Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng lại được cấp ủy và chính quyền Hà Tĩnh tạo mọi điều kiện cho anh mở phòng triển lãm ảnh với chủ đề Đại tướng Võ Nguyên Giáp -những khoảnh khắc bình dị .


Triển lãm ảnh “

Triển lãm ảnh “Đại tướng Võ Nguyên Giáp -những khoảnh khắc bình dị” tại Hà Tĩnh năm 2011

Trong số 100 bức lần này ông cho trưng bày tại Hà Tĩnh, hầu hết được ghi lại từ những khoảnh khắc rất cảm động về Đại tướng với những tướng lĩnh, sỹ quan, binh sỹ hoặc với bà con các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc nơi căn cứ của cuộc kháng chiến chống thực dân pháp và Quảng Bình nơi ông sinh ra. Tất cả đều toát lên một tư tưởng chủ đạo: vị tướng của nhân dân.

Nhớ lại năm 2006, theo nguyện vọng của Đại tướng, Nhà báo Trần Hồng và các con trai, con rể của ông chuyển tất cả 95 bức ảnh vừa triển lãm ở Đồng Hới về nhà riêng cho Đại tướng xem. Đại tướng mải mê xem quên cả giờ ăn tối. Bà Hà, vợ Người phải giục mấy lần. Đại tướng bảo: “Mình rất thích bức ảnh đứng bên tượng Bác Hồ”. Bất chợt Đại tướng hỏi tác giả: “Sao em thích chụp ảnh anh nhiều thế?”. Trần Hồng thấy Đại tướng đang trong trạng thái vui vẻ liền mạnh dạn hỏi lại: “Thế sao anh lại cho phép em chụp ảnh anh nhiều thế?”

- Cậu này ma lanh thật. Bắt tay cái! - Đại tướng cười to và giơ tay về phía Trần Hồng.

 

Tấm ảnh của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng vinh dự  được Đại tượng đề tặng lại tác giả

Tấm ảnh của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng vinh dự  được Đại tượng đề tặng lại tác giả

Đại tướng vốn là một nhà báo lâu năm và uyên bác nên rất thông cảm với việc làm nghề. Đã có những khoảnh khắc rất riêng, diễn ra trong phòng làm việc của Đại tướng. Trần Hồng giơ máy lên nhưng mấy lần đèn flash không sáng. Thấy nhà báo tỏ ra lo lắng, xin lỗi liên tục, ông xua tay, động viên: “Không sao. Lỗi là ở cái máy ảnh chứ đâu phải ở cậu!”.

Có một kỷ niệm mà tác giả Trần Hồng không bao giờ quên, thậm chí không giấu được vẻ xúc động mỗi khi nhắc lại, đó là năm 2006, sau khi cả nhà ra sân tiễn Ngài Tổng thống Vêzuêla H.Chavet lên xe, thấy Đại tướng rất vui, Trần Hồng mạnh bạo đề nghị:

- Thưa! Cho em hôn anh một cái.

Đại tướng nạt yêu:

- Cái cậu này buồn cười thật. Tình cảm mà còn phải xin xỏ!

Nghe vậy, Trần Hồng nhảy bổ vào hôn Đại tướng liền mấy cái. Ông cứ xuýt xoa hoài: “Tiếc quá, lúc ấy chẳng có ai chụp hộ mình bức ảnh!”.



Theo Khắc Hiển

Dân trí

Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 228
   Truy cập trong ngày : 4653
   Tổng số truy cập : 29178388
Logo thương hiệu Việt