Không ai được thắng 12/17/2012 2:18:11 PM
Chẳng có kiểu tranh luận nào lạ như kiểu tranh luận giữa hai vợ chồng. Khi ấy, người trong cuộc quá nặng về tình cảm nên lý lẽ chẳng còn mang ý nghĩa nhiều, người thắng không “vinh”, người thua cũng không phục. Chính chỗ không phục ấy đã phát sinh nhiều hệ lụy.

1.


1. “Cho con học trường công là hợp lý em à. Bao nhiêu gia đình cho con học trường công, sao em cứ phải khư khư cho con vào học trường tư?” - anh Công dè dặt trao đổi với vợ về việc chọn trường mầm non cho con. Vợ anh vẫn “rắn” như thường lệ: “Tiền nào của nấy, mình đóng nhiều tiền vô trường tư thì tất nhiên trường tư phải chăm sóc con mình tốt hơn chứ!”.

“Em không hiểu bản chất vấn đề. Em biết vì sao trường công có học phí thấp không? Vì họ đã được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, lại không mất tiền thuê mặt bằng, trong khi trường tư phải bỏ vốn ra để duy trì hoạt động…”. “Thôi thôi, mệt với cái lý lẽ bảo thủ của anh quá, những gia đình có điều kiện đều gửi con vào trường tư, trường quốc tế, chỉ có gàn như anh mới bắt con vào trường công. Anh nói một câu đi, cuối cùng là quyết định thế nào?”. “Thôi thì tùy em”.

Vậy là cũng như thường lệ, cuộc tranh luận kết thúc với phần thua thuộc về người chồng. Chính anh cũng biết trước “cãi thì cãi cho đỡ tức vậy thôi, chứ khó lay chuyển quan điểm của vợ”. Trước đây, hầu như những lần hai vợ chồng phải bàn bạc để đưa ra quyết định cho những vấn đề lớn, vợ anh đều khéo léo để chồng đưa ra quyết định cuối cùng… theo ý vợ! Sống với nhau hơn 10 năm, anh thừa hiểu tính vợ là “luôn thể hiện mình đúng”, nên có bàn bạc, tranh luận gì thì cuối cùng cũng phải giành phần thắng về phía mình cho bằng được. Anh không sợ vợ, anh chỉ sợ mất hòa khí gia đình nhưng vợ anh không hiểu, cứ “thừa thắng xông lên”, được đàng chân lân đàng đầu. Nhiều lúc anh thấy nản, không muốn tranh luận với vợ nữa. Nguy hiểm ở chỗ, một cảm xúc tiêu cực xâm lấn dần: cảm xúc thấy ghét vợ mỗi lần vợ gân cổ lên cãi chày cãi cối.

2. Cũng không ít trường hợp, người chồng luôn giữ “thế thượng phong” trong mối quan hệ vợ chồng. Chị Ngọc (nhân viên kế toán một công ty may mặc ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) đang phải sống trong cảnh bức bối. Nhà chật, hai vợ chồng cùng hai đứa con sinh hoạt vừa vặn trong không gian 32m2. Nhưng mới đây, chồng tuyên bố sẽ cho em gái ở quê lên ở nhờ để đi học.

Tất nhiên, chị Ngọc cật lực phản đối. Chị còn bảo “nếu cần, em sẵn sàng chi tiền để em gái anh trọ học ở ngoài, chứ nhà chật như vậy, có người ngoài vào ở, bất tiện lắm”. Chồng chị nói cứng: “Đó là em gái tôi, chẳng phải người ngoài, tôi có trách nhiệm chăm lo cho nó. Nó cần được ở gần anh trai để yên tâm học hành”. Chị Ngọc thi gan: “Được, anh cứ cho em anh vào ở đi, tôi dọn ra ngoài ở cho anh vừa lòng”. Tưởng chồng sợ, không ngờ anh buông thõng một câu lạnh lùng: “Lặn đi cho nước nó trong!”.

“Trời không sợ đất, đất phải sợ trời”, cuối cùng, chị đành chiều theo chồng. Đã vậy, mấy ngày sau, chị còn vô tình nghe chồng hả hê với người em trai đến chơi: “Chú thấy không? Ở cái nhà này, anh nẹt một tiếng là mẹ con nhà nó phải nghe theo hết. Chú cũng vậy, đừng nhún nhường với thím ấy quá, đàn ông trong nhà mà không cầm được “sợi dây cương” là hỏng hết”.

Chị buồn, định bụng bỏ về ngoại vài ngày cho chồng “biết tay”, nhưng vừa về ngoại được vài tiếng đồng hồ, chồng chị đã đưa ra “tối hậu thư”: “Một là cô về nhà ngay, hai là ra tòa gặp để giải quyết đơn ly hôn”. Chị lại vừa khóc vừa vội trở về nhà trong tâm thế của một kẻ thất bại thảm hại. Đúng là chồng chị đang ở thế “kèo trên”. Từ lúc mới cưới nhau, chị chấp nhận thất bại trong những lần tranh cãi vì chồng quá bảo thủ. Rõ ràng, chồng chị “mạnh” hơn hẳn về mặt quyền lực, và những lần tranh cãi sau, mặc nhiên “chân lý thuộc về kẻ mạnh”. Chồng chị vẫn tự đắc với thế “trị được vợ”, còn người vợ như người “sống mòn” với một cuộc hôn nhân “mắc cạn”.

3. Bây giờ, mỗi lần đụng chuyện, phải tranh cãi, là anh Công (nhân vật ở đầu bài) nuôi sẵn tâm lý “mình sẽ thua trong ấm ức”. Có lần anh hỏi vợ: “Em hãy nói một cách khách quan, anh có phải là người thiếu hiểu biết? Có phải là người không biết suy tính trước sau? Không đến nỗi, đúng không? Thế tại sao hầu như chưa một lần nào anh giành phần thắng trong tranh luận? Em không để ý đến cảm giác của người khác à?”. Hỏi cụ thể là vậy, nhưng vợ anh chỉ trả lời theo kiểu “cùn”: “Thì anh vô lý, làm sao em theo anh được? Hãy chứng tỏ anh có lý đi!”. Anh thừa hiểu, khi anh cố gắng rằng anh có lý thế này, có lý thế nọ, vô tình lại tiếp tục sa đà vào một cuộc tranh luận mà anh biết chắc phần thua thuộc về mình.

Thực tế, chuyện ai thắng, ai thua cũng không quá quan trọng, mà quan trọng là để lại cảm giác ấm ức cho người thua do “có thua mà chưa phục”. Khi con tim sôi lên vì ấm ức, chắc chắn chẳng còn khoảng trống cho tình cảm ngọt ngào. Sau những trận tranh cãi ấy, làm sao kẻ “bại trận” như anh có thể cảm thấy vợ mình đáng yêu? Cảm giác ấy lặp lại, kéo dài, sẽ ăn mòn tình cảm của hai vợ chồng đã dày công xây đắp.

Hay như cách thắng bằng thế triệt buộc của chồng chị Ngọc, cũng báo hiệu đổ vỡ của một cuộc hôn nhân. Một trong những yếu tố cơ bản nhất trong xây dựng tình cảm vợ chồng, là sự tôn trọng nhau. Vậy mà chồng chị Ngọc luôn “rắn” để ép vợ nghe theo, đánh mất sự tôn trọng đối với bạn đời. Chị Ngọc thường phải chịu cảnh bị dồn vô thế sợ đổ vỡ mà nghe lời chồng, chứ chẳng phải vì thấy quan điểm của chồng là đúng.

Trong mối quan hệ vợ chồng, việc tranh luận sẽ “lành” nếu hướng vào kết quả “tranh luận để hiểu nhau hơn trên cơ sở tôn trọng ý kiến của nhau, sau đó cân nhắc và thống nhất quan điểm”. Còn nếu đưa lý ra để tranh giành phần thắng, chẳng những không được kết quả “win-win” (nguyên tắc cả hai cùng thắng), mà thực tế còn để lại kết quả “cả hai cùng thua”. Người thắng tưởng thắng, nhưng bị mất mát tình cảm, mất điểm trong mắt bạn đời - cái thua ấy lớn hơn nhiều so với “chiến thắng” mà người ấy giành được. Có thể thấy rõ, thường trong các phiên tòa xử ly hôn, vợ cũng như chồng đều thấy mình có lý, và đổ lỗi cho bên kia. Rồi khi tòa đưa ra phán quyết ly hôn, ai có lý cũng chẳng còn quan trọng nữa, bởi dù có lý cũng chẳng giữ được cuộc hôn nhân.





Theo Trần Triều
PNO

Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 118
   Truy cập trong ngày : 1628
   Tổng số truy cập : 28066428
Logo thương hiệu Việt