Khi thành phố Detroit tuyên bố phá sản, ngay lập tức Viện
Nghệ thuật Detroit rơi vào tầm ngắm của những cuộc tranh cãi: Liệu biểu
tượng văn hóa của thành phố có rơi vào nguy cơ bị “xẻ thịt”? Nhiều người
trong giới nghệ thuật lo sợ rằng những tác phẩm kinh điển của những
danh họa vĩ đại như Picasso hay Warhol sẽ bị chính quyền Detroit đem ra
bán tống bán tháo.
Viện Nghệ thuật Detroit
Hành động với tầm nhìn ngắn hạn này có thể giúp thỏa ngay cơn khát
tiền mặt của thành phố Detroit nhưng chắc chắn sẽ phá nát những di sản
văn hóa nghệ thuật vô giá mà Detroit đã dày công sưu tầm trong suốt hơn
một thế kỷ qua.
Tuy vậy, nhiều người lại cho rằng giá trị “viển vông” của những bức
tranh không cấp thiết bằng chất lượng cuộc sống đang ngày càng đi xuống
của người dân Detroit. Chỉ cần bán đi vài bức tranh quý là vấn đề tiền
hưu của người già ở Detroit đã có thể được giải quyết.
Tuy vậy, những biện pháp sáng tạo hơn hoàn toàn có thể được thực hiện
nhằm bảo vệ những tác phẩm nghệ thuật khỏi bị phân tán đi khắp nơi mà
vẫn có thể mang về lợi nhuận giúp Detroit chi trả khoản nợ 18 tỉ đô la.
Viện Nghệ thuật Detroit được thành lập từ thập niên 1920 khi thành
phố đang ở thời kỳ phát triển cực thịnh. Lúc này, thành phố có nhiều
nguồn tiền dư giả nên đã đầu tư vào lĩnh vực nghệ thuật. Ngân sách của
Detroit khi đó đã được đem ra để mua về những tác phẩm của các danh họa
nổi tiếng nhất thế giới.
Hơn
100 bức tranh của danh họa người Tây Ban Nha - Pablo Picasso và danh
họa người Pháp - Henri Matisse hiện đang được trưng bày trong Viện Nghệ
thuật Detroit.
Vì vậy, giờ đây, thành phố có quyền định đoạt số phận của các tác
phẩm nghệ thuật này. Một số bức tranh có giá trị “khủng” lên tới hàng
trăm triệu đô la. Đây hoàn toàn có thể trở thành những quân át chủ bài
giúp Detroit phần nào thoát khỏi tình huống khó khăn hiện tại.
Dù thành phố Detroit chưa chính thức khẳng định liệu họ có bán bất cứ
tác phẩm nào không nhưng những người trong giới nghệ thuật đã sớm đoán
ra ý định của chính quyền thành phố khi từ đầu hè, Viện Nghệ thuật đã bị
yêu cầu kê khai tất cả những tác phẩm mà họ có.
Bức “Người phụ nữ đeo chiếc lưới tóc” vẽ năm 1949 của Picasso
Viện Nghệ thuật Detroit tính đến nay đã được 128 năm tuổi, sở hữu vô
số những báu vật văn hóa - nghệ thuật của nhân loại. Tổng trị giá khối
hiện vật mà nơi này nắm giữ có giá vào khoảng 3 tỉ đô la, bằng 1/6 khoản
nợ mà Detroit đang gánh.
Viện Nghệ thuật Detroit là một tòa nhà xây bằng cẩm thạch trắng, nằm ở
khu vực trung tâm thành phố. Giờ đây, nó trở thành đối tượng dễ bị hy
sinh nhất. Tuy vậy, việc bán đi các tác phẩm nghệ thuật cũng không phải
một giải pháp thông minh trong mắt các nhà kinh tế.
Bức “Tắm biển” của Picasso được vẽ năm 1939.
Nếu chính quyền thành phố thực sự muốn thu về lợi nhuận tối đa từ
những gì mình đang có, việc bán đi kho báu sinh lời chỉ để lấy về 3 tỉ
đô la là quá ngớ ngẩn. Đây chính là nguồn tài sản vô giá sinh lợi lâu
dài cho thành phố Detroit, nó có thể không đem về tỉ đô ngay lập tức
nhưng xét về lâu dài, con số lợi nhuận mà những tác phẩm này đem về sẽ
còn nhiều hơn thế.
Ngoài ra, việc bán đồng loạt các tác phẩm lớn có thể khiến giá trị
của chúng bị sụt giảm. Nhìn lại năm 2012, bang Michigan đã thu được hơn 2
tỉ đô la từ ngành du lịch, chủ yếu là vì nơi đây có Viện Nghệ thuật
Detroit.
Một bức tự họa của Van Gogh
Nhiều phòng triển lãm nghệ thuật đã và đang được các doanh nghiệp xây
dựng lên tại các thành phố của tiểu bang Michigan nhằm tiếp tục thu hút
đối tượng khách du lịch văn hóa. Bán đi những tác phẩm quý của Viện
Nghệ thuật lúc này chẳng khác nào bán cần câu để được vài con cá.
Bên cạnh việc bán đứt các tác phẩm này, Viện Nghệ thuật hoàn toàn có
thể bán một phần quyền sở hữu cho các viện bảo tàng khác. Đó là kế hoạch
“chia nhau lợi nhuận” mà rất nhiều viện bảo tàng hứng thú. Những bức
tranh có thể sẽ được chuyển tới trưng bày ở viện bảo tàng khác một
khoảng thời gian nhất định nhưng sau đó nó vẫn quay về với Viện Nghệ
thuật Detroit.
Bên cạnh đó, những nhân vật Mạnh Thường Quân vẫn thường xuất hiện
trong giới nghệ thuật Mỹ cũng đang được kỳ vọng sẽ ra tay. Không ít
người đang hy vọng một viện bảo tàng, một nhà sưu tập hoặc một doanh
nhân giàu có, từ tâm sẽ đứng ra mua tác phẩm và sau đó gửi tặng lại viện
bảo tàng. Dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, điều này rất khó
xảy ra nhưng quả thực đây là một kịch bản có hậu nhất mà người ta đang
chờ đợi.
Pi Uy
Theo Huffington Post