Những cuộc hôn nhân dị tộc nổi tiếng hạnh phúc 7/29/2013 7:43:26 AM
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, vấn đề phân biệt chủng tộc vẫn diễn ra gay gắt trên khắp thế giới, đặc biệt giữa người da trắng và da đen. Tuy nhiên, đã có những người nổi tiếng quyết định đi ngược lại định kiến.

Họ cũng đã trở thành những người mở đường cho các cặp vợ chồng có sự khác biệt về màu da ở thế hệ sau có thể vững tin vào quyết định hôn nhân của mình.


1. Pearl Bailey và Louie Bellson (năm 1952)



Hình ảnh hạnh phúc của cặp đôi Pearl Bailey và Louie Bellson

Hình ảnh hạnh phúc của cặp đôi Pearl Bailey và Louie Bellson



Pearl Mae Bailey là một diễn viên và ca sĩ nổi tiếng, còn Louie Bellson là một tay trống nhạc jazz, nhà soạn nhạc nổi tiếng. Bellson là nhạc sĩ da trắng đầu tiên trong ban nhạc của Ellington, ông gặp gỡ Bailey thông qua một nhạc công chơi kèn Trombone. Chỉ sau bốn ngày tán tỉnh, họ đã quyết định tổ chức đám cưới tại London. Đó là cuộc hôn nhân thứ 3 của Bailey và lần đầu của Belson. Đám cưới giữa những người khác chủng tộc vốn rất hiếm vào thời đó, và sự xuất hiện của Bellson trong ban nhạc của Ellington cũng khiến nhiều người khó chịu. Tuy nhiên, sau đám cưới ông Bellson đã dành phần lớn thời gian làm giám đốc âm nhạc cho vợ mình, đồng thời là người viết các ca khúc và đồng hành cùng ban nhạc của vợ. Cuộc hôn nhân này kéo dài 38 năm, cho tới khi Bailey qua đời năm 1990 ở tuổi 72. Ông Bellson mất năm 2009, thọ 84 tuổi.


2. Samuel Coleridge-Taylor và Jessie Walmisley (1899)



Gia đình hạnh phúc của cặp vợ chồng Samuel Coleridge-Taylor và Jessie Walmisley

Gia đình hạnh phúc của cặp vợ chồng Samuel Coleridge-Taylor và Jessie Walmisley



Samuel Coleridge-Taylor là một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất của Anh trước thế kỉ 20. Ông là con của một người phụ nữ da trắng và một người đàn ông da đen, và lớn lên ở vùng Croydon, ngoại ô London. Ở tuổi 23, ông sáng tác tác phẩm nổi tiếng nhất của mình, bản nhạc mang tên "Đám cưới Hiawatha" và được coi như một trong những sự kiện đáng nhớ nhất của lịch sử âm nhạc Anh. Năm 1899, Samuel đã cưới Jessie Walmisley, một nhạc công piano và là bạn học trung học của ông. Gia đình của Jessie đã phản đối kịch liệt và tìm mọi cách để ngăn cản đám cưới này. Những nhóm thanh niên địa phương cũng tỏ ra không ưa ông vì sự khác biệt về màu da. Tuy nhiên một ngày trước lễ cưới gia đình Jessie đã thay đổi quyết định và đồng ý cho hai người được kết hôn. Và ông đã sống hạnh phúc bên người vợ của mình trong suốt 13 năm cho đến khi Samuel qua đời do bệnh lao phổi và kiệt sức do làm việc quá mức vào ngày 1/9/1912. Hàng trăm người tới đám tang của ông và một buổi biểu diễn được tổ chức để quyên góp tiền cho vợ và 2 đứa con ông là Hiawatha và Gwendoline.


3. Frederick Douglass và Helen Pitts (1884)



Trong bức ảnh, Helen là người đang ngồi. Người đứng phía sau là Eva Pitts, em gái bà.

Trong bức ảnh, Helen là người đang ngồi. Người đứng phía sau là Eva Pitts, em gái bà.



Frederick Douglass là một nhà văn, nhà cải cách xã hội và chính khách Mỹ. Ông sinh ra với thân phận là một người nô lệ vào đầu những thế kỉ 19, là con trai của một nữ nô lệ cùng ông chủ da trắng của bà. Sau khi thoát khỏi người chủ của mình năm 1838, ông cưới một người Mỹ gốc Phi là Anna Murray, và có 5 đứa con. Sau khi Anna qua đời năm 1882, ông gặp Helen Pitts, một người phụ nữ da trắng. Bỏ qua sự phản đối của con cái Douglas và gia đình Pitts, họ cưới nhau. Cuộc hôn nhân này vấp phải sự phản ứng của cả người da trắng và da đen, nhưng cặp đôi vẫn vững vàng. Đám cưới của Douglas là sự khẳng định cho niềm tin của ông vào sự thống nhất của người Mỹ, và mong muốn về một nền văn hóa chung của nước Mỹ. Ông từng vui vẻ nhận xét "Nó chứng tỏ tôi là người công bằng. Người vợ đầu mang màu da của mẹ tôi, và người thứ 2 là màu da của bố". Helen Pitts nói "Tình yêu đến với tôi, và tôi ko sợ cưới người tôi yêu chỉ vì màu da của ông ấy". Cuộc hôn nhân kéo dài 11 năm, cho tới khi Douglas đột ngột qua đời vì đau tim, năm 1895.


4. Richard Loving và Mildred Jeter (1958)



Ảnh chụp của hai vợ chồng nhà Loving

Ảnh chụp của hai vợ chồng nhà Loving



Đây là đám cưới đáng chú ý nhất vì nó đi ngược lại luật pháp các bang ở Mỹ, khi đó vốn cấm việc kết hôn với người khác chủng tộc. Richard và Mildred tới từ bang Virginia và họ gặp nhau khi Richard mới 17 tuổi, còn Mildred mới 11 tuổi. Khi lớn lên, tình bạn của họ chuyển thành tình yêu. Khi Mildred đến 18 tuổi, bà có thai và cặp đôi này quyết định chuyển tới Washington D.C. để cưới nhau. 5 tuần sau đám cưới, họ bị cảnh sát bắt bởi cuộc hôn nhân của họ là phạm pháp. Tới năm 1959, họ bị tuyên án và phải ngồi tù một năm. Án tù này sẽ được bỏ nếu họ đồng ý rời bang Virginia và không được quay lại trong 25 năm. Gia đình Lovings chuyển tới Washington DC, đối mặt với việc phân biệt đối xử và thêm vào đó là sự đau khổ khi không được sống gần gia đình của mình. Bà Mildred đã viết một lá thư tới Chưởng lý Robert F. Kennedy với hy vọng trường hợp của gia đình bà sẽ được xem xét. Sau nhiều sự chậm trễ trong suốt 9 năm, trường hợp của họ được đưa ra trước tòa án tối cao Mỹ. Năm 1967, tòa án tối cao quyết định nhất trí ủng hộ gia đình Loving. Năm 1975, Richard Loving qua đời ở tuổi 41, sau khi chiếc xe của họ bị một tài xế say rượu đâm phải. Mildred mất con mắt bên phải trong tai nạn đó, bà qua đời vì lao phổi năm 2008, ở tuổi 68. Họ có 3 đứa con, 8 đứa cháu và 11 chắt.


5. Joseph Philippe Laroche và Juliette Lafargue (1908)



Ảnh chụp cả gia đình của cặp vợ chồng Joseph Philippe Laroche và Juliette Lafargue

Ảnh chụp cả gia đình của cặp vợ chồng Joseph Philippe Laroche và Juliette Lafargue



Joseph Philippe Lemercier Laroche được sinh ra ở Cap Haitien, Haiti, năm 1886. Ở tuổi 15, ông rời Haiti và tới thành phố Beauvais, Pháp để học trung học. Trong một chuyến đi tới làng Villejuif gần đó, ông gặp vợ tương lai của mình, bà Juliete. Sau khi Joseph nhận bằng tốt nghiệp, họ đã kết hôn. Do sự kì thị chủng tộc mà Joseph không thể kiếm được công việc với mức lương cao ở Pháp. Do cần tiền để trang trải chi phí y tế cho đứa con gái, Joseph dự định quay lại Haiti vào năm 1913 để kiếm công việc với mức lương cao hơn.
 
Tuy nhiên, tháng 3/1912, Juliette phát hiện mình mang thai, do vậy cả gia đình quyết định tới Haiti trước khi đứa con sinh ra. Mẹ của Joseph mua vé cho họ đi trên con tàu La France, nhưng chính sách của hãng tàu với trẻ em khiến họ chuyển cả gia đình sang khoang hạng 2 trên tàu Titanic.
 
Sau khi Titanic đâm phải băng trôi và chìm, Joseph tìm mọi cách đưa vợ và con lên boong tàu ra tới xuồng cứu hộ còn bản thân ông ở lại trên con tàu định mệnh. Joseph Laroche đã ra đi vĩnh viễn khi con tàu chìm và là hành khách gốc da đen duy nhất trên Titanic.
 
 




Phan Hạnh

Theo Listverse
Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 117
   Truy cập trong ngày : 131
   Tổng số truy cập : 29161328
Logo thương hiệu Việt