Nhằm đánh giá ý nghĩa Hội thề Lũng Nhai trong cuộc khởi nghĩa Lam
Sơn, ngày 20/7/2013, tại huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), Hội Khoa học
lịch sử Việt Nam, Viện Sử học, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh
Hóa và UBND huyện Thường Xuân đã tổ chức Hội thảo về Hội thề Lũng Nhai.
Hội thảo khoa học về Hội thề Lũng Nhai trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Cuộc Hội thảo với sự tham gia của nhiều Giáo sư, Tiến sỹ, nhà sử học,
nhà nghiên cứu lịch sử hàng đầu Việt Nam. Nhiều đóng góp, tham luận đã
được đưa ra tại hội thảo nhằm đánh giá ý nghĩa quan trọng của Hội thề
Lũng Nhai trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Theo tài liệu lịch sử, Hội thề Lũng Nhai do anh hùng dân tộc Lê Lợi
khởi xướng và 18 người cùng chí hướng họp bàn tại một khu rừng ở phía
Tây tỉnh Thanh Hóa. Nhiều ý kiến đóng góp tại hội thảo đều cho rằng, vị
trí diễn ra Hội thề Lũng Nhai thuộc vùng núi Pù Mé, xã Ngọc Phụng, huyện
Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Một số ý kiến khác của các nhà khoa học cho rằng địa điểm diễn ra hội
thề lịch sử vào tháng 3 năm 1416 này phải thuộc một quả đồi ở làng
Miềng, xã Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.
Hiện vật được phát hiện tại xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân.
Cho đến nay, các nhà khoa học, nghiên cứu chưa phát hiện được bất kỳ
một tư liệu cổ nào ghi chép cụ thể vị trí diễn ra Hội thề Lũng Nhai.
Theo các tài liệu lịch sử cổ ghi chép lại, tại Hội thề Lũng Nhai, các
vị anh hùng đã tế cáo trời đất, kết nghĩa anh em, nguyện hợp sức đồng
lòng chuẩn bị phát động khởi nghĩa chống lại ách đô hộ nhà Minh. Đây là
sự kiện lịch sử có ý nghĩa trong cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn. Đó chính là
tiền đề để phát triển cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vĩ đại, đánh
đuổi quân Minh, dành lại nền độc lập cho dân tộc.
Theo PGS, TS Lê Đình Sỹ - nguyên Phó Viện trưởng Viện lịch sử Quân Sự
Việt Nam việc xác định chính xác vị trí diễn ra Hội thề Lũng Nhai là
một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết của ngành sử học.
Khu mổ cổ tại xã Ngọc Phụng đang được nhận định là của nghĩa quân Lam Sơn.
Trong thời gian qua, tại xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, đã phát
hiện nhiều hiện vật cổ bằng đồng, sắt, đá… tại đồi Bái Chanh và dưới
chân núi Bù Me được cho là có liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Một
hiện vật là tượng voi đá cũng được phát hiện ở thôn Quyết Tiến, xã Ngọc
Phụng năm 2008. Ngoài ra còn có nhiều hiện vật khác cũng được phát hiện
trong khu vực này.
Với những ý nghĩa của Hội thề Lũng Nhai trong cuộc khởi nghĩa Lam
Sơn, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử là một
việc làm cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng.
Theo Duy Tuyên
Dân trí