Hình bìa sử dụng bức ảnh chân dung do Tsarnaev tự chụp, có lẽ để
tránh khiến người đọc nhầm tưởng đây là một “thần tượng âm nhạc mới
nổi”, tờ báo chèn thêm dòng chữ in đậm “The Bomber” (Kẻ đánh bom) bên
cạnh bức chân dung.
Tuy là một tờ tạp chí chuyên về âm nhạc nhưng ấn phẩm lần này của
Rolling Stone hứa hẹn sẽ giải thích cho độc giả hiểu “tại sao một thanh
niên được bạn bè yêu mến, một sinh viên có học lực khá như Tsarnaev lại
có thể trở thành một tín đồ Hồi giáo cực đoan, một kẻ đánh bom giết
người”.
Câu chuyện mà Rolling Stone đề cập thực tế đã được các tờ báo tìm
hiểu và đăng tải nhiều bài viết trong suốt thời gian hai tháng trở lại
đây.
Ngoài ra, bức hình xuất hiện trên trang bìa cũng đã được các tờ báo
khác sử dụng kể từ tháng 4 vừa qua, sau khi phát hiện nghi phạm Tsarnaev
có tham gia vào vụ đánh bom tại cuộc thi chạy marathon diễn ra ở thành
phố Boston, Mỹ. Bức hình này thậm chí đã xuất hiện trên trang bìa của tờ
The New York Times hồi tháng 5.
Tuy vậy, việc nó xuất hiện trên bìa của tờ Rolling Stone, một tờ tạp
chí luôn dành trang bìa cho chân dung của những ngôi sao ca nhạc hoặc
diễn viên điện ảnh nổi tiếng đã khiến người đọc cảm thấy bất bình. Nhiều
bình luận chỉ trích đã xuất hiện trên các trang mạng xã hội xung quanh
câu chuyện này.
Nhiều người cho rằng cách làm của Rolling Stone khiến họ cảm giác như
nhân vật Tsarnaev đang được thần tượng hóa và trở thành một biểu tượng
hấp dẫn. Tổng biên tập của tờ Think Progress - ông Judd Legum đã bình
luận thẳng thắn trên trang cá nhân của mình rằng: “Bìa báo mới của
Rolling Stone đã biến kẻ đánh bom Boston trở thành nam ca sĩ Jim
Morrison”.
Sau đó, ông này còn ghép ảnh bìa của Tsarnaev với ảnh bìa được thực
hiện hồi năm 1991 khắc họa chân dung nam ca sĩ Jim Morrison. Quả thực
hai bức ảnh có nhiều điểm tương đồng, điều này cho thấy một kẻ đánh bom,
một kẻ tội phạm giết người hóa ra lại có thể được xuất hiện đường hoàng
trên bìa báo giống như một thần tượng âm nhạc.
Đại diện của tờ Washington Post lại tỏ ra rất hứng thú với cách làm
này của Rolling Stone: “Đây là một cách làm báo rất hay. Bức ảnh này
chẳng khác gì những bức ảnh mà tờ The New York Times hay The Post đã sử
dụng nhưng nó lại cho thấy một khía cạnh sâu sắc hơn của nhân vật. Thực
ra, Tsarnaev cũng có một cuộc sống bình thường với bạn bè, sở thích, thú
vui… Khắc họa chân dung một kẻ đánh bom một cách bình dị, thậm chí đầy
nhân tính thế này khiến nhân vật càng trở nên đáng sợ hơn”.
Đây cũng không phải lần đầu Rolling Stone bị chỉ trích bởi nhân vật
xuất hiện trên ảnh bìa. Trước đây, tờ báo này đã từng bị “ném đá” vì để
nhân vật Charles Manson lên trang nhất. Charles Manson là một tay nhạc
công bệnh hoạn, luôn tin vào sự tồn tại của ngày tận thế, hắn thậm chí
đã cùng đồng bọn lên nhiều kế hoạch giết người.
Một nhân vật khét tiếng điên rồ và tàn bạo như Charles Manson cũng có
thể xuất hiện trên trang bìa của Rolling Stone với tạo hình có phần
giống với John Lennon (The Beatles là ban nhạc mà Manson rất thần tượng)
từng khiến người đọc phản ứng mạnh. Bên cạnh đó, hình ảnh của Charles
Manson còn được tạo hình rất nghệ thuật, tựa như một nhân vật huyền
thoại.
Đây là bìa báo tai tiếng nhất của Rolling Stone hồi thập niên 1970.
Được biết, ngay sau khi bìa báo mới của Rolling Stone được công bố,
nhiều chuỗi cửa hàng phân phối ấn phẩm báo chí đã đồng loạt khẳng định
họ từ chối bán số ra lần này của Rolling Stone.
Pi Uy
Theo Huffington Post