Nghệ nhân Hà Thị Cầu không đợi được đến lúc được vinh danh.
Như thế, đồng nghĩa với việc xét tặng danh hiệu
Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) - một việc mà không
chỉ nghệ nhân, mà nhân dân cả nước đều mong mỏi, chờ đợi từ hàng chục
năm nay - cũng sẽ bị trì hoãn chưa biết đến bao giờ.
Tưởng chừng như đã...
Thông
tin trên quả thật gây thất vọng cho không ít người quan tâm, yêu mến
văn hóa truyền thống. Còn nhớ trong hội thảo lấy ý kiến cho bản dự thảo
lần 3 được tổ chức vào hồi tháng 4.2013, phần lớn các đại biểu đều cho
rằng, việc xét tặng danh hiệu cho nghệ nhân là không thể chậm trễ hơn
được nữa và việc xét tặng cũng đừng quá cứng nhắc và hành chính hóa...
Bởi từ lúc các cơ quan quản lý đặt vấn đề cần phong tặng danh hiệu cho
nghệ nhân, đến lúc này thì đã là gần 10 năm. Trong 10 năm ấy, có tới gần
một nửa số nghệ nhân dân gian đã về cõi vĩnh hằng, mang theo cả một kho
báu văn hóa phi vật thể của quốc gia.
Cũng tại hội nghị ấy, Thứ
trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên có hứa là dự thảo Nghị định quy định
đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT
sẽ được hoàn thiện trong quý II và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Và nếu điều đó được thực hiện,theo đúng trình tự thì cũng phải đến cuối
năm 2014, may ra đợt xét tặng đầu tiên mới được tiến hành. Được như thế
cũng đã là mừng lắm rồi, bởi phần lớn các nghệ nhân dân gian hiện đều ở
tuổi “gần đất xa giời”, việc truy tặng sẽ không còn ý nghĩa gì với
người đã khuất, có chăng chỉ là để an ủi người còn sống mà thôi.
Nay,
dự thảo nghị định do Bộ VHTTDL soạn thảo đã được trình Chính phủ; nhưng
đến giờ lại có thông tin là Chính phủ sẽ không xem xét, phê duyệt trước
khi Quốc hội thông qua Luật Thi đua - Khen thưởng (sửa đổi)!
Lẽ nào!
Lẽ
nào, chỉ đến bây giờ Chính phủ mới thấy rõ sự phi lý của việc sẽ có 2
nghị định về việc phong tặng NNND, NNƯT - điều đã được báo giới cảnh báo
từ trước. Về việc có 2 nghị định, xin được giải thích thế này: Trước
2009, việc phong tặng nghệ nhân được thực hiện theo Luật Thi đua - Khen
thưởng và quy định rõ là chỉ xét tặng nghệ nhân trong lĩnh vực thủ công
truyền thống, đồng thời việc phong tặng được Chính phủ giao cho Bộ Công
Thương làm, chứ không phải là Bộ VHTTDL.
Năm 2009, Quốc hội đã
sửa Luật Di sản văn hóa, đồng thời sửa Luật Thi đua - Khen thưởng. Điều 3
của Luật Thi đua - Khen thưởng (sửa đổi năm 2009) đã nói rõ danh hiệu
NNND, NNƯT để dành cho người có công, có tài trong việc bảo vệ và phát
huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể (tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân
gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ
hội truyền thống, tri thức dân gian và nghề thủ công truyền thống). Thế
nhưng, đến thời điểm đó, Bộ Công Thương coi việc phong tặng danh hiệu
cho nghệ nhân nghề thủ công truyền thống là của mình.
Thế mới có
chuyện Chính phủ “nhân nhượng”, giao cho Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với
Bộ Công Thương cùng soạn thảo nghị định (năm 2012). Thế mới có chuyện
“việc ai nấy làm”. Và cuối cùng thì mới có chuyện “không thể để việc ai
nấy làm” như hiện nay, phải đợi sửa đổi luật rồi hạ hồi phân giải.
Đã
là luật thì phải tuân thủ thôi. Nhưng có điều, sự tắc trách của những
người thực hiện luật pháp- trong trường hợp này- ít nhiều sẽ để lại hậu
quả đáng tiếc, không dễ gì tìm được sự cảm thông từ xã hội trước một
việc tưởng chừng như rất hiển nhiên - tôn vinh những “quốc gia chi bảo”.
Vậy mà việc đơn giản ấy lại gây biết bao tranh cãi và quan trọng hơn,
đó cũng là hành động làm tổn thương tinh thần với các nghệ nhân.
Theo Trương Hoàng
Báo Lao động