Cuộc hội ngộ thượng đỉnh thường niên này thu hút khoảng 2.500 đại biểu đại diện cho các quốc gia, trong đó có nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ của 44 nước.
Chủ đề của hội nghị được đưa ra dựa trên những thay đổi sâu sắc về chính trị, kinh tế, xã hội và đặc biệt công nghệ đang làm thay đổi cuộc sống của người dân trên toàn thế giới.
Với chủ đề trên, hội nghị sẽ tập trung vào những trọng điểm như: tăng trưởng toàn diện khi mô hình tăng trưởng cũ đã không còn thích ứng, làm sao có thể tìm kiếm những mô hình mới, những lĩnh vực, những ngành có khả năng tạo ra sự tăng trưởng công bằng và bền vững mà vẫn đảm bảo duy trì sức mạnh và sự năng động trong nền kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, hội nghị cũng bàn về những đề tài nóng khác như: tái định hình ASEAN và các tác động đối với tăng trưởng tại Đông Á; Biến đổi khí hậu và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên; thương mại toàn cầu và các mục tiêu phát triển sau năm 2015; tương lai của y tế và chăm sóc sức khỏe; tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ; triển vọng của các nền kinh tế mới nổi; tương lai của Bắc Phi và Vùng Trung Đông.
Hội nghị năm nay sẽ tập trung vào thực tế tiến trình hồi phục kinh tế toàn cầu vẫn diễn ra tương đối chậm chạp cho dù khủng hoảng có thể coi là tạm thời chấm dứt.
Trong quá khứ, hầu hết các nền kinh tế đều có xu hướng phát triển bùng nổ sau khi thoát khỏi suy thoái, nhưng hiện nay, tăng trưởng kinh tế vẫn khá yếu bất chấp chính sách lãi suất thấp và các chương trình kích thích được nhiều nước áp dụng.
Một trong những điểm mới trong chương trình nghị sự của năm nay là tình trạng bất bình đẳng đang lan rộng trên thế giới.
Hàng năm, Diễn đàn kinh tế thế giới đều tiến hành khảo sát 700 thành viên của họ về những mối de dọa đối với sự phát triển của thế giới trong thập kỷ tới.
Năm nay, kết quả tổng hợp cho thấy hố ngăn cách nới rộng giữa giàu và nghèo được nhìn nhận là nguy cơ lớn nhất và đó là nguyên nhân khiến cho chủ đề này được các nhà lãnh đạo quan tâm tại Davos.
Chỉ kéo dài khoảng hơn bốn ngày, Davos 2014 có đến gần 250 phiên họp, chưa kể các cuộc gặp bên lề không chính thức, các cuộc tiếp xúc bí mật. Khoảng 60 phiên họp sẽ truyền trực tiếp tới khán giả toàn cầu nhờ vào hệ thống “Digital Davos,” số còn lại được tường thuật qua Twitter.
Cảnh sát của hai bang đã được điều động gần như toàn bộ trước và trong những ngày diễn ra sự kiện.
Cách đây hai tuần, đã có khoảng 600 quân nhân được phái đến hỗ trợ thiết lập sở chỉ huy. Tổng cộng, có khoảng 3000 quân nhân huy động trực tiếp cho diễn đàn này và khoảng 2000 người khác sẽ được yêu cầu hỗ trợ.
Nhân dịp này, Thụy Sĩ giới hạn không phận trong khu vực từ ngày 20-26/1 để có thể bảo đảm tuyệt đối an toàn cho quan khách.