Quỹ Đầu tư vào doanh nghiệp: 1 vốn 4 lời 8/22/2014 2:26:28 PM
(DĐDN) - Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều nhà đầu tư kể cả trong và nước đều thận trọng với các kênh đầu tư, thế nhưng thị trường vẫn ghi nhận có những quỹ thu về lợi nhuận kếch xù nhờ đầu tư vào các DN tiềm năng. Vậy họ là ai và những cách thức kinh doanh gì giúp thu được nhiều khoản lợi nhuận kếnh xù như vậy?

Sau đợt phát hành cho nhà đầu tư chiến lược, cổ phiếu PVD đã bước vào một xu hướng tăng mạnh.

Hiện các Quỹ đầu tư hoạt động tại thị trường VN dưới hai hình thức: quỹ đại chúng (hay còn gọi là quỹ mở) và quỹ thành viên (quỹ đóng - không bị giới hạn về lĩnh vực đầu tư nhưng bị giới hạn về thời gian hoạt động).

Con gà đẻ trứng vàng

Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM vừa công bố, 3 Quỹ đầu tư vừa bỏ túi 1.200 tỷ đồng sau 1 năm đầu tư vào các  Cty PVD. Đó là Quỹ Mutual Fund Elite, VOF, PENM. Cuối tháng 7/2013, PVD tiến hành chào bán riêng lẻ 38 triệu cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược. Trong đó, phát hành 20,15 triệu cổ phiếu cho PVN để đảm bảo tỷ lệ sở hữu trên 50%. Đồng thời phát hành 17,8 triệu cổ phiếu cho 3 quỹ đầu tư nước ngoài.

Ba quỹ đầu tư đã tham gia là Mutual Fund Elite thuộc PYM Fund Management mua 10 triệu cổ phiếu; Private Equity New Markets II do BankInvest quản lý mua 4,85 triệu cổ phiếu và VOF thuộc VinaCapital mua 3 triệu cổ phiếu.

Sau đợt phát hành cho nhà đầu tư chiến lược, cổ phiếu PVD đã bước vào một xu hướng tăng mạnh. Hiện tại, cổ phiếu PVD đã cán mức 101.000 đồng/cp.

Như vậy, khoản đầu tư này đã tăng giá tới 144%, giúp các quỹ đầu tư có một khoản lãi trên sổ sách lên tới gần 1.200 tỷ đồng. Trong đó, Mutual Fund Elite “bỏ túi” 655 tỷ đồng; PENM lãi 318 tỷ đồng và VOF lãi 196 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các quỹ này còn nhận được khoản cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10% vào tháng 12/2013.

Hiện tại, PVN đang nắm giữ tổng cộng 138,8 triệu cổ phiếu, tương đương 50,4% cổ phần của PVD. Nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nắm giữ hơn 40% cổ phần của PVD. Ngoài 3 quỹ trên còn có một số cổ đông nước ngoài lớn khác là các quỹ Franklin Templeton, Deutsche Bank, Market Vectors Vietnam ETF, Dragon Capital và quỹ VNI thuộc Vinacapital.

Thương vụ Mekong Capital thoái vốn thành công ở Thế giới Di động (MWG) cũng là ví dụ rất điển hình. Với lợi nhuận gấp 11 lần so với khoản đầu tư, MWG đúng là khoản sinh lời thành công nhất của Mekong Capital cho đến thời điểm hiện nay. Thậm chí, giới đầu tư còn đồn đoán Mekong Capital còn có thể ăn "cú đúp" khi MWG niêm yết trên sàn.

Đầu tháng 3 vừa qua Mekong Enterprise Fund II (MEFII), một trong ba Quỹ đầu tư thuộc Mekong Capital quản lý số vốn 50 triệu USD đã thoái một phần vốn khỏi MWG với lợi nhuận gấp 11 lần so với khoản đầu tư mà họ bỏ vào đây từ năm 2007 (bao gồm cả cổ tức). Theo giới đầu tư, đây là vụ thoái vốn mang về lợi nhuận "khủng nhất" trong số các thương vụ của Mekong Capital đầu tư. Có thể kể đến như vụ Mekong Capital thoái vốn khỏi AA Corporation vào tháng 10/2011 sau khi đầu tư 1,67 triệu USD. Tuy nhiên, lợi nhuận khi đó chỉ gấp hai lần khoản đầu tư ban đầu, với tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) là 30%. Hoặc như khoản MEFII thoát khỏi Cty Hàng tiêu dùng Quốc tế (ICP) năm 2011 khi bán cổ phần cho Marico Ltd., Ấn Độ cũng chỉ thu về lợi nhuận gấp hai lần.

Lần gần đây nhất, Quỹ này tiếp tục bán 5,6 triệu cổ phiếu của MWG. Ở mức giá chào bán 85.000 đồng/cổ phiếu, quỹ tiếp tục thu về giá trị tăng 21,8 lần đã được điều chỉnh tại thời điểm đầu tư ban đầu. Tính đến thời điểm này, quỹ còn nắm giữ 14,3% cổ phần tại MWG.

Theo ông Nguyễn Hùng Linh - Chuyên gia kiểm toán phân tích, sở dĩ MWG đã chọn MEFII- Mekong Capital là nhà đầu tư chiến lược là có lý do riêng. Bởi ngay năm đầu tiên sau hợp tác, với sự hỗ trợ Mekong Capital đã có lượng tiền lớn bơm vào MWG làm cho số lượng cửa hàng  bán lẻ tăng nhanh. Đến năm 2011, hệ thống bán lẻ điện thoại này đạt con số 209 cửa hàng và bán được gần 1,8 triệu chiếc điện thoại.

Cách nào lọt vào tầm ngắm của quỹ ?

Nhiều DN xem việc gọi vốn từ quỹ đầu tư nước ngoài như một giải pháp để có được chi phí vốn thấp, góp phần mở rộng thị trường, đưa thương hiệu, cổ phiếu của DN “vươn lên tầm cao mới”.

Với góc nhìn chiến lược, các nhà phân tích chỉ ra rằng, các quỹ đầu tư không cho không DN điều gì. Hoạt động của cả hai luôn dựa trên tiêu chí đôi bên cùng có lợi. DN cần vốn để phát triển, quỹ đầu tư cần nơi đầu tư để đồng tiền sinh lời.

Khi đầu tư vào DN, quỹ thường nhắm đến tương lai của DN chứ không phải ở tình hình hiện tại. Thực tế cho thấy, khi góp vốn vào một DN, quỹ đầu tư hẳn nhiên đặt kỳ vọng vào hiệu quả kinh doanh với khoản đầu tư của họ. Do vậy, một số quỹ sẽ hỗ trợ DN thông qua nhiều hình thức, như cung cấp dịch vụ chuyên gia tư vấn, quản trị DN, chia sẻ về kinh nghiệm quản lý, điều hành, mở rộng thị trường và các quan hệ kinh doanh, giải quyết hàng tồn kho, giúp lập báo cáo tài chính cho DN…

Đến lúc DN làm ăn có lãi,  dòng tiền tốt hơn, giá cổ phiếu cũng tăng theo thì quỹ đầu tư sẽ thoái vốn để hiện thực hóa số lãi từ nguồn vốn đầu tư ban đầu.

Theo các chuyên gia tài chính, nhà đầu tư tài chính thường chỉ bỏ vốn vào các DN, và trong một số trường hợp, tùy vào tỷ lệ sở hữu, họ có thể cử đại diện vào hội đồng quản trị ở Cty nhưng không tham gia sâu vào các hoạt động của DN. Một trong những dạng nhà đầu tư tài chính phổ biến hiện nay là các quỹ đầu tư tư nhân (private equity funds). Các quỹ này thường cố gắng nâng cao hiệu quả hoạt động và hệ thống báo cáo tài chính với mục đích tối đa hóa giá trị Cty.

Nhà đầu tư chiến lược, trái lại, khi đã bỏ lượng vốn nhất định để sở hữu một tỷ lệ đáng kể trong Cty, sẽ cố gắng cải thiện năng lực và vị thế cạnh tranh của Cty. Vì thế, những nhà đầu tư tổ chức có thể đóng góp thêm cho Cty bằng công nghệ hiện đại, quyền sở hữu trí tuệ, kỹ năng quản lý, tiếp thị, khả năng tiếp cận với những thị trường mới, khách hàng mới...

Và chuyện hợp tan giữa quỹ và DN, là điều hết sức bình thường. Khi đầu tư vào một DN nào đó, nhà đầu tư hay quỹ đầu tư đều nghĩ đến vấn đề thoái vốn. Các quỹ thường thích đầu tư vào những Cty đã IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) hoặc chuẩn bị IPO vì những DN này giúp họ thoái vốn dễ dàng hơn.

Nếu chuyên nghiệp thì chính DN sẽ chủ động đưa ra những kịch bản khác nhau cho mình khi quỹ thoái vốn, đừng bao giờ nghĩ quỹ sẽ ăn đời ở kiếp với DN bởi khi quyết định đầu tư, quỹ cũng đã tính đến các phương án để đồng vốn của họ sinh lời, chứ không chỉ là đợi lấy cổ tức hàng năm, một DN chia sẻ.

Ông Louis Nguyễn - Tổng giám đốc Công ty Saigon Asset Management (SAM), cho rằng thực tế khi quỹ bỏ vốn đầu tư vào DN giống như đeo hai tròng, vừa phải có trách nhiệm với DN vừa chịu áp lực với các nhà đầu tư góp vốn vào quỹ. Theo ông Nguyễn, khi đầu tư vào các DN niêm yết, quỹ đầu tư thường xem xét chỉ số P/E (chỉ số giá trên lợi nhuận thu được từ cổ phiếu) đắt hay rẻ. Khi quỹ cảm thấy giá trị của Cty bắt đầu đắt, họ sẽ rút vốn. Ngoài ra, việc thoái vốn còn do quỹ cần tái cấu trúc danh mục đầu tư, hoặc cần tập trung đầu tư vào một ngành, một lĩnh vực cụ thể, hoặc khi quỹ nhận thấy tình trạng bão hòa trong ngành nghề của DN… Do vậy, khi đạt được kỳ vọng, chuyện thoái vốn của quỹ là đương nhiên. Đối với quỹ đầu tư, việc lựa chọn danh mục đầu tư, huy động vốn đầu tư cho danh mục là rất quan trọng. Việc rút vốn (hay chuyển nhượng phần vốn) trong danh mục đầu tư cũng được quỹ hoạch định từ trước.

Vì vậy, ông Tuyên cho rằng khi gọi vốn từ quỹ, DN cần tìm hiểu về nguồn gốc nguồn vốn của quỹ, chiến lược đầu tư như thế nào... Nếu nguồn vốn của quỹ huy động được trong 5-7 năm thì DN tự hiểu đến gần thời điểm đó thì quỹ sẽ thoái vốn. Trong khi thực tế nhiều DN hiểu về nguồn vốn của quỹ một cách rất mơ hồ, hay không hiểu nguồn vốn đó từ đâu ra.


VinaCapital, quỹ đầu tư “kết duyên” với nhiều tập đoàn, TCty tại VN, mới đây đã có các báo cáo đánh giá về cơ hội đầu tư vào cổ phần hóa sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 15/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN. VinaCapital cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài chờ đón cơ hội mới từ việc cổ phần hóa DNN, bởi cổ phiếu của nhiều DN lớn trên sàn như Vinamilk và FPT đã hết “room” cho họ.

Và trong bản danh sách mà VinaCapital thường nhắc đến khi giới thiệu về cơ hội đầu tư vào tiến trình cổ phần hoá DNNN tại VN, đã xuất hiện nhiều cái tên như: Vietnam Airlines, Vinatex, MobiFone, TCty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Cty TNHH một thành viên Lọc hoá dầu Bình Sơn, Cty TNHH một thành viên Phân bón dầu khí Cà Mau, Tcty Đường sắt Việt Nam...

Hiện MobiFone đang được các “ông lớn” viễn thông “dạm hỏi” để trở thành đối tác chiến lược như MobiFone Orange France Telecom (OFT), Orascom Telecom Holding (Ai Cập) và Etisalat (Ả Rập Saudi)... Sabeco cũng là cái tên được nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Sab Miller, Kirin Brewery Company Ltd, Asia Pacific Breweries Ltd và Asahi Breweries Limited đặc biệt quan tâm.


Phương Hà

Hiện tại chưa có phản hồi nào
Hiển thị 0 trong Hiện tại chưa có phản hồi nào phản hồi  
Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 189
   Truy cập trong ngày : 2114
   Tổng số truy cập : 28066914
Logo thương hiệu Việt