Người Pháp trong hàng ngũ Việt Minh viết sách về Tướng Giáp 10/10/2013 8:00:44 AM
Cuốn "Võ Nguyên Giáp" (nguyên bản tiếng Pháp là "Giap") là một phần trong luận án tiến sĩ của Georges Boudarel, một người Pháp nhưng lại đứng trong hàng ngũ của đạo quân do Tướng Giáp làm Tổng tư lệnh.

Ngoài những chi tiết nói về chiến tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cuốn sách còn có những chi tiết thú vị giúp người đọc biết về năm sinh của Đại tướng, những đoạn nói rõ âm mưu hiểm độc của thực dân Pháp có ý định mua chuộc cậu học sinh trung học Võ Nguyên Giáp, nhưng Võ Nguyên Giáp đã trở thành học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có những hiểu lầm về vị Đại tướng huyền thoại đã được tác giả làm rõ và tìm ra sự thật bằng những tài liệu phong phú và xác thực.


Bìa cuốn sách Võ Nguyễn Giáp

Bìa cuốn sách "Võ Nguyễn Giáp"


“Đến nay, đã có nhiều cuốn sách của người nước ngoài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những nhân vật nổi bật hàng đầu của lịch sử hiện đại Việt Nam mà tên tuổi gắn liền với cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc, hai cuộc kháng chiến chống lại hai đế quốc lớn bảo vệ nền độc lập dân tộc và thống nhất quốc gia cũng như các cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đó cũng là tên tuổi gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Nhưng tác giả của cuốn sách này lại là một người đặc biệt,” Nhà sử học Dương Trung Quốc từng nhận xét.


Georges Boudarel sinh ra và lớn lên ở Saint-Estienne, Loire (Pháp) nhưng lại đứng trong hàng ngũ của những người chiến đấu chống lại nước Pháp thực dân, cụ thể hơn là đứng trong quân ngũ của đạo quân do Tướng Giáp làm Tổng tư lệnh. Ông đến Việt Nam với tư cách là một cử nhân triết học để dạy môn lịch sử trong một trường trung học ở Sài Gòn.


Nhà nghiên cứu Pháp Georges Boudarel (21/12/1926 – 26/12/2004)

Nhà nghiên cứu Pháp Georges Boudarel (21/12/1926 – 26/12/2004)


Khi cuộc chiến tranh Việt - Pháp bùng nổ (tháng 12 năm 1946), G. Boudarel, một thành viên đã tham gia nhóm Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác, đã lựa chọn con đường vào chiến khu của những người Việt Nam kháng chiến để chống lại những tàn dư của chủ nghĩa thực dân. Ông tham gia cuộc kháng chiến không bằng vũ khí sát thương mà bằng sự thức tỉnh đạo quân viễn chinh hãy chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa mà họ đang tham dự. Ông tham gia vào công tác binh vận bằng ngòi bút và những kiến thức về triết học và lịch sử của mình.


Năm 1964, ông trở về Pháp, bảo vệ luận án tiến sĩ sử học về đề tài Việt Nam, sau đó làm giáo sư trường Đại học Paris VII, giảng dạy về lịch sử hiện đại Việt Nam. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu và bài báo viết về Việt Nam có giá trị, là dịch giả đã giới thiệu nhiều tác phẩm Việt Nam ra tiếng Pháp, như "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố, "Dế mèn phiêu lưu ký" của Tô Hoài, "Đại thắng mùa xuân" của Văn Tiến Dũng...


Cuốn "Võ Nguyên Giáp”, được viết năm 1977, là một phần trong luận án tiến sĩ của ông. Ông sử dụng tiếng Việt thành thạo, tham khảo nhiều tư liệu chính thống của Việt Nam, kết hợp với nhiều nguồn sách báo nước ngoài nên trong cuốn sách của ông có nhiều tài liệu và nhiều quan điểm, đánh giá mới mẻ.


“Trong quan niệm của G. Boudarel, Võ Nguyên Giáp là sự kế thừa có chọn lựa những tư tưởng quân sự của các nhà cách mạng hiện đại như Lênin và Mao Trạch Đông cũng như các nhà chiến lược quân sự kinh điển như Clausewitz và Tôn Tử mặc dù khi trai trẻ, nhà giáo dạy lịch sử trẻ tuổi lại rất say mê Napoléon. Nhưng trên hết, Võ Nguyên Giáp là sự vận dụng trung thành với tư tưởng của Hồ Chí Minh cũng là của Đảng về Chiến tranh nhân dân Việt Nam mà cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất là một thành công. Do đó, khi G. Boudarel viết cuốn GIÁP như tiểu sử của một nhà quân sự lớn, bên cạnh những phân tích khoa học, tác giả còn gửi gắm vào đó nhiều tâm đắc đối với lịch sử Việt Nam hiện đại mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những hiện thân tiêu biểu, cái lịch sử mà chính tác giả cuốn sách từng là “người trong cuộc”,” ông Dương Trung Quốc nhận định.








Theo Thảo Nguyên


Dân trí

Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 524
   Truy cập trong ngày : 3021
   Tổng số truy cập : 29176756
Logo thương hiệu Việt