Điểm rơi của nền giải trí son phấn
Thưa anh, câu chuyện ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng phản ứng với phê bình
của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đang trở thành một ví dụ điển hình trong văn
hóa ứng xử của những người được gọi là ngôi sao trong làng giải trí hiện
nay. Quan điểm của anh về sự kiện này thì sao?
Đây không phải là lần đầu tiên Đàm Vĩnh Hưng phản ứng với ai đó về
chuyện phê bình, cũng như không phải nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là người đầu
tiên nói thật về những bất cập trong làng giải trí VN nhưng câu chuyện
hôm nay là sự bùng nổ ngẫu nhiên, và cũng đúng thời điểm mà giới chuyên
môn cũng như khán giả đã quá mệt mỏi với một nền giải trí son phấn, kèm
nhiều sự giả tạo bao trùm đời sống.
Trên thực tế, nếu phân tích bài trả lời phỏng vấn của nhạc sĩ Nguyễn
Ánh 9, cũng có vài điều chưa phải là hoàn toàn đúng trong nhận định của
ông. Chỉ tiếc là cách phản ứng của Đàm Vĩnh Hưng thì lại hoàn toàn sai
về lý luận cũng như phá vỡ môi trường đạo đức nghệ thuật VN vốn có
truyền thống tôn trọng người lớn tuổi cũng như người đi trước trong nghề
nghiệp.
Những biểu hiện nào của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trong lý lẽ là sai, thưa anh?
Chỉ tập trung phân tích cách phản biện của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng thôi,
thì thấy Hưng đang sử dụng lối tam đoạn luận ngụy biện rất thấp: mượn
khán giả làm rào chắn cho mình trong các cuộc tranh luận. Chẳng hạn như
lối nói “nếu chê Đàm Vĩnh Hưng tức coi thường hàng triệu khán giả đang
nghe nhạc của Đàm Vĩnh Hưng”. Trên thực tế, nếu ca sĩ gọi là có người
nghe đến hàng triệu khán giả trên đất nước này, tính từ giọng ca dễ
thương của bé Xuân Mai đến nhiều người khác, Hưng chỉ là một trong những
số đó chứ không có gì đặc biệt hơn, nhưng không ai trong số đó lại đi
kéo lê khán giả khắp nơi như một công cụ để bảo vệ, che chắn cho mình
như vậy.
Và chẳng hạn như Hưng gọi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là “ngụy quân tử” thì
có lẽ Hưng không hiểu được danh từ này. Ông Nguyễn Ánh 9 thực tế là chưa
bao giờ sống hai mặt chỉ trích Hưng, nhưng muốn sử dụng Hưng. Tôi được
biết là ông luôn đánh giá thấp Hưng và phát biểu công khai từ lâu. Ngay
cả trong câu chuyện ông kể về mẩu đối thoại giữa Hưng và ông về việc
không muốn Hưng hát nhạc của ông, Hưng cũng không thể phủ nhận.
Thời đại của truyền thông giật gân
Nhưng riêng người phê bình, ở đây là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, có nên
cân nhắc hoàn cảnh phát ngôn trước khi đưa ra lời nhận xét, hay chỉ cần
thành thật và trách nhiệm với suy nghĩ của mình là đủ?
Chiếu theo ngôn ngữ được viết lại trong bài phỏng vấn đang gây tranh
luận, tôi cho rằng ai đã từng viết báo cũng có thể nhìn ra đây không
hoàn toàn là một cuộc phỏng vấn. Người viết bài đã ngồi đặt ra những câu
hỏi tương đối và lắng nghe nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 kể chuyện. Văn phong kể
chuyện vẫn chân thực và đôi khi là thứ chỉ để chia sẻ, nhưng khi bị
chuyển thành ngôn ngữ phỏng vấn, trở thành phát ngôn và dễ dàng gây nên
sự kiện.
Tôi tin là có thể về mặt chuyên môn, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 không thích
tiếng hát của Đàm Vĩnh Hưng - đây là chuyện bình thường của nhận xét -
nhưng chính người viết bài cũng không thích Đàm Vĩnh Hưng nên sử dụng
chuyện kể này thành vũ khí tấn công ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Và vào một thời
điểm khá là không may mắn khi ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vốn đã gây quá nhiều
tai tiếng, nay lại phát ngôn đáp trả vội vã, trở thành giọt nước tràn ly
trong dư luận.
Nhưng dù sao đi nữa, đã nói thì nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 phải chịu trách
nhiệm về quan điểm của mình. Chẳng hạn như trong cách ông nhận xét chung
là ca sĩ Thanh Lam hát tệ, thông qua bài Cô Đơn của ông, thì có lẽ không công bằng. Vì không có nghĩa hát không hay bài Cô Đơn mà
Thanh Lam trở thành hát tất cả các bài khác đều tệ. Nhưng ở đây tôi
muốn nhấn mạnh là giữa thời đại truyền thông vội vã và giật gân mà chúng
ta đang sống, câu chuyện kể được chuyển thành phát ngôn là điều mà bất
kỳ ai cũng nên dành thêm thời gian ngẫm nghĩ một chút.
Sự ủng hộ mạnh mẽ bất ngờ từ phía công chúng về lời phê bình nói
chung của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 này đang phản ánh điều gì, thưa anh?
Như tôi đã nói trên, rất nhiều người đã mệt mỏi với nền giải trí Việt
Nam, đặc biệt là âm nhạc. Hãy nhìn xem các gameshow và những lời tung
hô giả trá. Những danh hiệu “ông hoàng”, “bà chúa” được giành nhau, ganh
ghét và vơ vào một cách vô nghĩa. “Diva” hay “hoàng tử” được phong tặng
hay đeo bám đều ngớ ngẩn, thấp kém hơn cả ổ bánh mì 10 ngàn đồng buổi
sáng mà người lao động vất vả mới có được.
Truyền thông lá cải và âm nhạc như một vở kịch dài đáng chán và ấu
trĩ không bao giờ hạ màn. Và rồi phải có một ai đó giật mình hô hoán lên
rằng những thứ này đang chắn lối của một cuộc sống bình thường lành
mạnh. Vào thời điểm này, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 ngẫu nhiên trở thành người
bắt đầu cho một cuộc hô hoán như vậy, mà bất kỳ ai tỉnh táo cũng đều
thấy đó là một điều cần thiết.
Cơn ảo giác về quyền lực
Bức thư khiến dư luận nổi giận vì lời lẽ được cho là bất kính và
ngạo mạn, dường như cho thấy Đàm Vĩnh Hưng đang tin vào quyền lực của
mình trong làng giải trí. Đây là điển hình của một dạng ảo tưởng trong
giới ca sĩ hay sự chi phối của nó, ở mức độ nào đó, là có thật?
Một chút thành đạt sẽ dễ gây ảo tưởng, và một chút ảo tưởng sẽ dễ gây
ảo giác về quyền lực. Không chỉ Đàm Vĩnh Hưng, mà rất nhiều người tham
gia vào làng giải trí Việt Nam đang mắc phải như một thứ bệnh trầm kha,
chỉ có thể được chữa theo thời gian và sự hoàn thiện nhân cách của người
đó. Chỉ đáng buồn là chính bởi rất nhiều phóng viên mới vào nghề thiếu
bản lĩnh, những tờ báo đuối hơi về nghề nghiệp… là thủ phạm nhân giống
và nuôi trồng những loại nấm độc đó trong làng giải trí Việt nhiều năm
nay, đôi khi biến những ảo tưởng thành những giá trị có thật tạm thời.
Mỗi ngày chúng ta đều nhìn thấy các tít lớn giật lên về các phát ngôn
ba trợn của nhiều ngôi sao, diễn viên… như thể họ vừa xài ectasy vừa
nói chuyện, nhưng ngôn ngữ được loan báo trân trọng như lời một nguyên
thủ quốc gia. Ở một khía cạnh nào đó, có thể coi Đàm Vĩnh Hưng là nạn
nhân điển hình trong trường hợp này.
Cũng có ý kiến cho rằng có sự ganh tị nào đó với danh tiếng hay
thành đạt của người khác, nên mới có sự chỉ trích như vậy. Chẳng hạn,
anh có thấy mình như vậy không?
Tôi tin là có rất nhiều kiểu thành đạt và danh tiếng trên đất nước
này. Tôi ngưỡng mộ các giá trị đó. Nhưng phải nói rõ là cũng có rất
nhiều người không cần danh tiếng hay thành đạt mới có thể cất lời phê
bình. Và bên cạnh đó, cũng có rất nhiều kiểu thành đạt và danh tiếng mà
tôi cũng như nhiều người khác luôn thấy vô cùng kinh hãi khi phải dây
vào.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.
Theo Minh Chánh thực hiện
Vietnamnet