Những đạo diễn xuất sắc nhất mọi thời đại 8/29/2013 8:11:01 AM
Họ là những vị đạo diễn tài năng, có cống hiến lớn cho nền điện ảnh thế giới. Tên tuổi của họ đã trở thành huyền thoại với lịch sử điện ảnh.
Đạo diễn Andrei Tarkovsky


5 vị đạo diễn phim xuất sắc nhất mọi thời đại


Andrei Tarkovsky (1932-1986), nhà đạo diễn điện ảnh, nhà biên kịch Nga, là một trong những nhân vật kiệt xuất nhất của nền điện ảnh thế giới mà tên tuổi đã vượt qua "bức màn thép" của Liên bang Xô-viết để đến với thế giới ngay trong những năm tháng trì trệ nhất của "triều đại Brezhnev". Sự nghiệp điện ảnh của ông bắt đầu năm 1962, khi ông cho ra đời bộ phim "Thời thơ ấu của Ivan", một tác phẩm lập tức đem lại vinh quang cho Tarkovsky trên trường quốc tế: ông được giải Sư tử vàng (dành cho đạo diễn xuất sắc nhất) của Liên hoan phim Venice (Ý).
 
Năm 1966, khi quay "Andrei Rublev", lần đầu tiên Tarkovsky gặp phải những cản trở và bị gây khó dễ từ phía chính quyền, mãi đến năm 1970, phim mới được ra mắt. Trong hai năm sau, các kịch bản của Tarkovsky lần lượt bị từ chối và chỉ đến năm 1972, ông mới được trở lại làm phim: tác phẩm "Solaris" của ông lại đạt thành công vang dội ở nước ngoài, khiến Tarkovsky được Giải đặc biệt của Ban giám khảo Liên hoan phim Cannes. Sau bộ phim "Tấm gương" (1974) cũng rất thành công, Tarkovsky thực hiện được ước mơ của các thế hệ đạo diễn: ông được dàn dựng vở "Hamlet" tại Nhà hát Lenkom (Moscow).
 
Năm 1979, Tarkovsky viết xong kịch bản phim "Hoài niệm", được ông coi là "chứng tỏ một tình yêu nước sâu sắc". Phim quay tại Ý và đoạt Giải thưởng lớn tại Cannes. Năm 1984, sau nhiều ngày tháng lưỡng lự và ngần ngừ, Tarkovsky tuyên bố không quay về Nga: ông lựa chọn sự lưu vong văn hóa để có điều kiện làm việc và sáng tạo. Bộ phim cuối cùng của ông, "Lòng hy sinh" (1986) được hoàn thành tại Thụy Điển lại mang đến cho Tarkovsky Giải đặc biệt của Ban giám khảo Liên hoan phim Cannes.
 
Andrei Tarkovsky qua đời ở Pháp đúng vào thời gian công cuộc "cải tổ" bắt đầu ở Liên Xô. Trong thời kỳ sau đó, Tarkovsky được phục hồi ở quê hương, phim của ông được chiếu thường xuyên và khán giả hâm mộ điện ảnh đích thực tại Nga đã có dịp làm quen với những tuyệt tác mang đậm tính văn chương và triết học của ông.

Đạo diễn Stanley Kubrick

 

5 vị đạo diễn phim xuất sắc nhất mọi thời đại

 

Stanley Kubrick (1928-1999) là một đạo diễn, nhà sản xuất phim và nhà biên kịch người Mỹ nổi tiếng. Ông được coi là một trong những đạo diễn vĩ đại nhất của thế kỉ 20. Sự nghiệp làm phim của ông bắt đầu từ năm 1951 khi một người bạn của ông đã thuyết phục ông thực hiện những phim tài liệu ngắn cho chương trình phim thời sự “March of Time”.

Tìm được niềm đam mê thực sự, Kubrick bỏ công việc ở tạp chí Look và bắt tay vào làm những bộ phim tiếp theo. Bộ phim truyện  đầu tiên của Kubrick là “Fear and Desire” (1953), bộ phim được giới phê bình đánh giá tốt nhưng thất bại về mặt doanh thu. Tác phẩm “The Killing” được ông thực hiện năm 1956 tuy tiếp tục không thành công về mặt thương mại nhưng đồi lại nó đã thu hút được sự chú ý của một trong các hãng phim lớn nhất Hollywood là Metro-Goldwyn-Mayer, hãng này đã đề nghị được cung cấp các truyện gốc đã mua bản quyền để Kubrick thực hiện bộ phim tiếp theo.

Tác phẩm tiếp theo do Kubrick đạo diễn là một bộ phim phản chiến có bối cảnh Thế chiến thứ nhất, bộ phim “Paths of Glory” (1957). Đây là bộ phim thành công về mặt thương mại đầu tiên của Stanley và đưa ông vào hàng ngũ các đạo diễn trẻ đang lên ở Hollywood. Năm 1960, cùng với thành công của bộ phim “Spactacus”, Stanley Kubrick thực sự trở thành một đạo diễn hàng đầu của điện ảnh Mỹ.

Sau khi chuyển sang Anh sinh sống vào năm 1962, ông cũng bắt tay vào làm bộ phim với tiêu đề “Lolita”, với giới hạn "chỉ cho người lớn", bộ phim đã thành công về mặt thương mại và được đề cử Giải Oscar cho kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. Thành công nối tiếp đến với ông khi bộ phim “Dr. Strangelove” (1964) được đề cử 4 giải Oscar (bao gồm cả giải Đạo diễn và giải Phim hay nhất). Năm 1999, sau khi bộ phim Eyes Wide Shut (do cặp vợ chồng nổi tiếng Hollywood Tom Cruise và Nicole Kidman đóng) hoàn thành cảnh quay cuối cùng cũng là lúc vị đạo diễn nổi tiếng qua đời.

Đạo diễn Billy Wilder

 

5 vị đạo diễn phim xuất sắc nhất mọi thời đại


Billy Wilder (1906-2002) là đạo diễn, biên kịch và nhà sản xuất phim người Mỹ gốc Áo. Ông bắt đầu sự nghiệp điện ảnh ở Hollywood trong vai trò biên kịch và thành công đầu tiên của ông là kịch bản bộ phim “Ninotchka” (1939). Bộ phim sau khi công chiếu đã nhận được nhiều phản ứng tích cực, bản thân Wilder cũng có được đề cử giải Oscar đầu tiên ở hạng mục Kịch bản chuyển thể.

Năm 1942 Billy Wilder đạo diễn bộ phim đầu tay của ông có tựa đề “The Major and the Minor”. Năm 1944 tài năng đạo diễn của Wilder được khẳng định với bộ phim đen xuất sắc “Double Indemnity”, tác phẩm được coi là đỉnh cao của dòng phim đen Hollywood. Hai năm sau “Double Indemnity”, Billy Wilder có được hai giải Oscar đầu tiên ở hạng mục đạo diễn và kịch bản chuyển thể cho bộ phim “The Lost Weekend”. Kể từ giữa thập niên 1950, Billy Wilder bắt đầu hướng tới một thể loại phim khác, đó là phim hài. Ông lập tức giành được nhiều thành công trong thể loại này với những phim hài xuất sắc như “Sabrina” (1954), “The Seven Year Itch” (1955), “Some Like It Hot” (1959) hay “The Apartment” (1960).

Năm 1966, Billy Wilder có đề cử Oscar cuối cùng với “The Fortune Cookie”. Năm 1986 Billy Wilder được Viện phim Mỹ trao Giải Thành tựu trọn đời, hai năm sau ông được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh trao Giải tưởng niệm Irving G. Thalberg. Năm 1993 ông đoạt giải Gấu vàng danh dự của Liên hoan phim Berlin. Năm 1994, ông được Viện Goethe của Đức trao tặng Huy chương Goethe. Billy Wilder qua đời năm 2002 tại Los Angeles, California, ông được chôn cất tại Westwood Village Memorial Park Cemetery bên cạnh nhiều diễn viên yêu thích của ông như Jack Lemmon hay Marilyn Monroe.

Đạo diễn Sergio Leone


5 vị đạo diễn phim xuất sắc nhất mọi thời đại


Sergio Leone, sinh ngày 3/1/1929 tại Rome, Italy. Người ta đánh giá ông như con người sinh ra dành cho điện ảnh. Ông là con của đạo diễn Vicenzo Leone và nữ diễn viên Bice Waleran nên dòng máu điện ảnh đã chảy trong người ông từ rất sớm. Bắt đầu sự nghiệp từ năm 17 tuổi, ông đi theo các đạo diễn lừng danh của Ý và Mỹ làm trợ lý và để học tập. Một trong những bộ phim nổi tiếng mà ông đã từng tham gia làm trợ lý đạo diễn là bộ phim “Ladri di biciclette” của đạo diễn Vittorio De Sica khi ông mới 19 tuổi. Thời kỳ này, ông thường tham gia vào các bộ phim sử thi.

Tới năm 1964, ông chính thức trở thành đạo diễn chính cho bộ phim “A fistful of dollars”. Bộ phim đã đưa tên tuổi của Sergio Leone vượt ra khỏi nước Ý, qua bên kia bờ Đại Tây Dương và làm kinh ngạc những đồng nghiệp ở Hollywood. Năm 1966, Sergio đạo diễn bộ phim “The good, the bad, the ugly” và nó đã nhanh chóng trở thành một tác phẩm kinh điển về thể loại phim cao bồi. Người ta không thể tin được rằng vị đaọ diễn người Ý này lại có thể qua mặt được những chàng cao bồi miền Tây chính hiệu để tạo nên một tác phẩm tuyệt vời đến như thế.

Bộ phim cuối cùng của Sergio là một bộ phim về đề tài Mafia Mỹ - “Once upon a time in America” ra mắt khán giả năm 1984. Bộ phim đã lọt vào top những bộ phim về đề tài Mafia hay nhất. Như vậy suốt cuộc đời mình Sergio chỉ tham gia làm đạo diễn chính của 6 bộ phim, 5 trong 6 bộ phim đó được ghi vào sách giáo khoa điện ảnh, Sergio Leone xứng đáng đứng vào hàng ngũ những đạo diễn huyền thoại của lịch sử điện ảnh thế giới.

Đạo diễn Paul Thomas Anderson


5 vị đạo diễn phim xuất sắc nhất mọi thời đại

 

Thomas Anderson (1970) là một đạo diễn phim người Mỹ, ông cũng kiêm luôn vai trò là nhà biên kịch và sản xuất phim. Ngay từ khi còn trẻ ông đã tỏ rõ niềm đam mê của mình với điện ảnh, cha ông cũng rất ủng hộ ông khi ông quyết định trở thành nhà làm phim. Bộ phim đầu tiên của ông được làm năm 1996 mang tên “Hard Eight” khi ông hợp tác với hãng giải trí Rysher. Năm 1997, ông cho ra mắt bộ phim “Boogie Night”, sau khi công chiếu, phim đã đạt được thành công lớn và nhận được 3 đề cử Oscar. Năm 1999, bô phim “Magnolia” của ông với sự tham gia của tài tử điện ảnh Tom Cruise cũng nhân được 3 đề cử trong lễ trao giải Oscar lần thứ 72.

Thành công của 2 bộ phim trên đã khiến ông được coi như một trong những nhà làm phim vĩ đại nhất và đặc biệt nhất của thế hệ mình. Bộ phim thứ 4 của ông mang tên “Punch-Drunk Love” sản xuất năm 2002 đã mang lại cho ông giải thưởng cao quý tại Liên hoan phim Cannes dành cho đạo diễn xuất sắc nhất cùng với đề cử cho giải Cành cọ vàng. Sau 5 năm vắng bóng, bộ phim “There Will Be Blood” ra mắt năm 2007 đã đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của ông và được giới phê bình bình chọn là một trong những bộ phim vĩ đại nhất trong những năm 2000. Bộ phim được nhận 8 đề cử Oscar và nam diễn viên Daniel Day-Lewis đã giành được tượng vàng dành cho vai nam chính xuất sắc nhất. Sau sự thành công nối tiếp của bộ phim “The Master” sản xuất năm 2012 khi nhận được 3 đề cử Oscar, sắp tới ông sẽ cho ra mắt một tác phẩm khác với tựa đề “Inhrent Vice” dựa trên cuốn tiểu thuyết của nhà văn Thomas Pynchon, bộ phim xứng đáng để mong đợi trong năm 2014.

 




Phan Hạnh

Theo Complex

Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 252
   Truy cập trong ngày : 2585
   Tổng số truy cập : 29133269
Logo thương hiệu Việt