Theo đó, giai
đoạn một của dự án sẽ là giai đoạn xây dựng tuyến cáp treo 3 dây
Fansipan độc đáo, với sự tham gia của nhà sản xuất Cáp lừng danh
Doppelmayr của Áo – Đức – Thuỵ Sĩ, nhà sản xuất đã từng cung cấp 3 tuyến
Cáp treo đạt nhiều kỷ lục thế giới cho Bà Nà Hills.
Thông tin tốt lành này
đã vẽ ra một viễn cảnh tương lai tươi sáng cho Lào Cai trong lĩnh vực du
lịch, bởi, chúng ta đều thấy rõ: sản phẩm du lịch của Lào Cai nói chung
và của Sa Pa nói riêng vẫn còn thiếu điểm nhấn, tính hấp dẫn vượt trội còn hạn chế.
Đặc biệt là các tour du
lịch chiêm ngưỡng cảnh quan kỳ thú của dãy Hoàng Liên Sơn hiện còn quá
nghèo nàn, có rất ít du khách được tham dự do địa hình hiểm trở, giao
thông khó khăn. Rõ ràng, có những tiềm năng tốt nhưng trong những năm
qua, chúng ta chưa thực sự đột phá trong tư duy, chưa có tiềm lực và
chưa có giải pháp hữu hiệu để khai thác biến những di sản thiên nhiên và
di sản văn hóa đó thành tài sản, làm giàu đẹp bền vững cho đồng bào các
dân tộc nơi đây.
Theo
tính toán sơ bộ, khi tuyến Cáp treo 3 dây lên đỉnh Fansipan được khánh
thành, chắc chắn, lượng du khách lên với Lào Cai – Sa Pa sẽ tăng từ
20-30% /năm. Dự kiến,đến năm 2017, sẽ có khoảng 2 triệu lượt khách lên
với Sa Pa /năm và đến năm 2020, Sa Pa sẽ đón khoảng 3 triệu lượt khách
/năm. Nguồn lợi thu được từ du lịch sẽ là không nhỏ.
Bên cạnh những đánh giá
lạc quan trước thông tin khởi công dự án xây dựng quần thể du lịch
Fansipan-Sa Pa, còn có những ý kiến lo ngại về tác động của dự án lên
môi trường và cảnh quan của Sa Pa nói chung và Fansipan nói riêng.
Một số nhà tổ chức các
tour du lịch mạo hiểm lo ngại rằng: “Nóc nhà Đông Dương” chỉ có giá trị
và ý nghĩa khi mỗi cá nhân phải chinh phục bằng chính đôi chân mình. Nếu
có cáp treo, sợ rằng sẽ chẳng có ai hứng thú với việc chinh phục
Fansipan nữa”.
Chinh phục Fansipan
luôn là ước mơ của mỗi chúng ta, bởi Fansipan không chỉ là “Nóc nhà Đông
Dương”, mà đó còn là nơi hồn thiêng sông núi hội tụ, nơi chúng ta có
thể ngắm nhìn Tổ quốc từ trên cao với niềm tự hào của người con Đất
Việt. Nếu có đủ sức khoẻ, có kỹ năng của 1 nhà leo núi mà chinh phục
đỉnh Fansipan thì còn gì bằng.
Mơ ước là thế, nhưng
hiện nay, có rất ít người dám chinh phục Fansipan bằng chính đôi chân
của mình, chủ yếu là một số khách du lịch nước ngoài và các bạn trẻ bởi
hành trình chinh phục đỉnh Fansipan huyền thoại vô cùng gian khổ và mạo
hiểm. Ít nhất phải mất 2 ngày để lên tận đỉnh cao 3.143 mét, phải ngủ
đêm lại lưng chừng đỉnh núi, trong điều kiện nguy hiểm, tồi tàn và không
an toàn với rắn rết cũng như các loài côn trùng lạ.
Những người cao tuổi,
người kém sức khoẻ hay phụ nữ, các em thiếu nhi sẽ không thể lên được
đỉnh cao Fansipan để được ngắm nhìn toàn cảnh vùng địa đầu Tổ quốc hùng
vĩ. Và, nếu không có Cáp treo lên đỉnh Fansipan, thì Nóc nhà Đông dương
mãi mãi chỉ là điều được kể trong sách vở đối với đại đa số người Việt
nam yêu Tổ quốc mình.
Trước kia, khi chưa có
cáp treo lên đỉnh Bà Nà, đã có câu ca thế này: “Chưa đi chưa biết Bà Nà,
đi rồi mới biết, ở nhà sướng hơn”. Hành trình lên Bà Nà vất vả đến nỗi
người ta chẳng còn tâm trí đâu mà thưởng thức “đường lên tiên cảnh” nữa.
Đi ô tô, xe máy, leo bộ lên được đỉnh núi rồi, sợ hành trình đi xuống,
có người còn muốn bỏ tiền thuê trực thăng để xuống, vì sợ quá! Khi có
cáp treo rồi, nhiều người già sống cả đời tại Đà Nẵng, Quảng Nam
nô nức rủ nhau đi Bà Nà, để rồi về nói với con cháu: “Bây giờ ông, bà
có chết cũng nhắm mắt được rồi, vì đã được lên tận đỉnh Bà Nà mong
ước!”.
Theo dự kiến, tuyến cáp
treo Fansipan chỉ lên tới đỉnh cao hơn 2000 mét, những ai có đủ sức
khoẻ, vẫn có thể leo cả cây số nữa mới lên đến tận đỉnh cao 3.143 mét.
Và hơn thế nữa, trong quá trình xây dựng Cáp treo 3 dây độc đáo lên với
Fansipan, sẽ có nhiều đoạn đường quá hiểm trở, có nguy cơ sạt lở sẽ được
tôn tạo, sửa chữa, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những ai mơ ước
chinh phục Fansipan bằng chính đôi chân mình.
Theo
lịch sử, vùng núi Hoàng Liên Sơn là nơi mà thiên nhiên, sông núi, tâm
linh hòa quyện tạo nên vùng đất địa linh thiêng liêng. Lào Cai vốn nổi
tiếng với các di tích lịch sử, tâm linh như: Đền Thượng, Đền Bảo Hà, Đền
Bắc Hà… Sau hơn 2.000 năm được du nhập vào Việt Nam, Chân lý và Giáo
pháp cao cả của đạo Phật đã cảm hoá dân Việt hướng theo và tôn thờ Đức
Phật, đã trở thành một nếp văn hoá có vị trí quan trọng trong đời sống
tinh thần của người Việt.
Phật giáo Việt Nam
đã có những đóng góp quan trọng đối với quá trình dựng nước và giữ nước
của dân tộc. Cha ông ta luôn lựa chọn những địa điểm đắc địa, linh
thiêng để xây dựng nơi thờ tự Đức Phật. Điều này thể hiện lòng tôn quý
và gửi gắm ước nguyện được Đức Phật che chở, bảo vệ. Chính vì những lẽ
đó kết hợp cùng với việc khảo sát, tìm hiểu ý kiến của nhân dân, với tư
cách là người khởi xướng, nhà tư vấn và bảo trợ vốn cho dự án, BIDV đã
đề xuất ý tưởng nghiên cứu xây dựng dự án Tâm linh - Phật pháp ngự trên
núi cao với sự thanh tịnh tuyệt đối, thể hiện được tâm nguyện, sức mạnh
và trí tuệ của thế kỷ 21, đồng thời sẽ bồi đắp thêm bản sắc và bản lĩnh
văn hoá của dân tộc Việt Nam, Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới. |
Và
cáp treo Fansipan rồi đây sẽ đáp ứng được tâm nguyện của triệu triệu
người dân Việt Nam, mong muốn có một lần trong đời lên chiêm bái quần
thể tâm linh tại đỉnh thiêng Fansipan – nơi hồn thiêng núi sông hội tụ,
nơi phên dậu nước nhà. Chinh phục Fansipan không chỉ có nghĩa là bạn đã
có mặt trên đỉnh cao 3143 mét, mà quan trọng hơn, là khi đứng trên đỉnh
cao ấy, trong bạn sẽ dâng trào một cảm xúc thiêng liêng, khi trước mắt
bạn là núi non hùng vĩ điệp trùng nơi địa đầu Tổ quốc, đỉnh cao mà bạn
đang có mặt không chỉ khiến bạn tự hào, mà còn gợi nên trong bạn trách
nhiệm với đất nước, trách nhiệm của một công dân sẽ phải làm gì, đóng
góp những gì cho mảnh đất quê hương.
Theo kế hoạch, trên
đỉnh Fansipan sẽ chỉ có 1 khu Tâm linh – Phật pháp nhằm đáp ứng nhu cầu
du lịch tâm linh của đông đảo người dân, các dịch vụ lưu trú sẽ không
được phép trên đỉnh núi cao này và cảnh quan, môi trường nơi đây sẽ được
bảo vệ, tôn tạo một cách tốt nhất.
Có một số ý kiến cho
rằng: nếu xây dựng tại đây một hệ thống Cáp treo, thì môi trường sẽ bị
ảnh hưởng và cảnh quan chung cả khu vực này sẽ bị phá vỡ. Lo ngại này là
điều rất đáng quý, khi chúng ta đã từng phải chứng kiến cảnh thiên
nhiên bị tàn phá do ý thức rất kém của chính con người. Mà nói đâu xa
lạ, đã có nhiều thước phim quay được cảnh những đoàn khách “chinh phục
Fansipan” đang “hăng hái” chặt cây làm lều, đốt lửa trại giữa rừng để
ngủ qua đêm giá rét.
Sau khi họ rời đi, rừng
lại trống thêm một chút, chỉ còn rác rưởi, vỏ chai, vỏ hộp và chất thải
khiến rừng ô uế. Sự tàn phá cảnh quan một cách tự phát của những đoàn
khách lên với Sa Pa hiện nay mới chính là điều đáng lo ngại, nếu chúng ta thực sự xót cho rừng, cho cảnh đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho Fansipan.
Chủ đầu tư của dự án
xây dựng quần thể du lịch Fansipan – Sa Pa là Công ty Cổ phần dịch vụ
Cáp treo Bà Nà – đơn vị đã từng đánh thức Bà Nà với 3 hệ thống Cáp treo,
đem lại hiệu quả kinh tế cao cho du lịch Đà nẵng nói riêng và Việt Nam
nói chung.
Trước đây, khi bắt tay
vào xây dựng tuyến Cáp treo đầu tiên tại Bà Nà, họ cũng đã từng gặp phải
những ý kiến tương tự, rằng: liệu Cáp treo Bà Nà có tàn phá thiên
nhiên, có làm mất đi vẻ hoang sơ của rừng Bà Nà hay không? …
Và thực tế đã cho thấy
rằng, Bà Nà được đánh thức với tiêu chí: Bảo vệ tối đa môi trường và
cảnh quan thiên nhiên, bởi đây chính là điều hấp dẫn du khách lâu dài,
tạo nên điểm du lịch sinh thái bền vững. Sau khi các tuyến Cáp treo được
hoàn thành, nhiều cây mới được trồng, các loại hoa được đưa về thêm ở
Bà Nà, giờ đây, Bà Nà không chỉ có đào chuông, mà sắp tới, hoa anh đào
Nhật bản sẽ nở rực rỡ….
Với những bài học kinh
nghiệm đã có, quần thể du lịch Fansipan cũng sẽ được xây dựng trên tiêu
chí: bảo vệ thiên nhiên một cách tối đa. Hệ thống cáp treo dài nhất thế
giới với chiều dài xấp xỉ 7km và độ cao chênh lệch giữa hai trụ cáp là
1,402m nhưng chỉ có 5 trụ cột bằng thép trên toàn tuyến, khoảng cách của
mỗi trụ lên tới 1.6 km. Hơn nữa, mỗi trụ cột chỉ tốn diện tích vài chục
mét vuông đất để xây dựng.
Đồng hành với
chủ đầu tư, nhà sản xuất Cáp treo Doppelmayr cũng chung cam kết: Thực
hiện việc khảo sát kỹ tuyến cáp, bảo vệ rừng bằng mọi cách trong
quá trình thi công. Lựa chọn các điểm trụ hợp lý, sử dụng hệ thống cáp
công vụ vận chuyển máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu để không làm ảnh
hưởng đến cây rừng.
Với những tiêu chí
chính đã được cam kết khi xây dựng dự án quần thể du lịch Fansipan – Sa
Pa, chúng ta có thể tin tưởng rằng tuyến cáp treo sẽ là món quà đối với
Sa Pa, Fansipan, đưa con người đến gần với những kiệt tác của thiên
nhiên hơn mà không làm ảnh hưởng đến sự trong lành, nguyên sơ của tự
nhiên mà trời đất đã ban tặng. Và, cơ sở của sự tin tưởng ấy, chính là
những gì mà chủ đầu tư này đã làm khi đánh thức Bà Nà Hills, đem lại cho
mỗi chúng ta cơ hội được chiêm ngưỡng “đường lên tiên cảnh” mà không hề
làm tổn hại đến thiên nhiên, cảnh quan, môi trường nơi đây, thậm chí
còn góp phần trồng thêm nhiều loại hoa và cây khác.
Ngoài ra, tuyến Cáp
treo 3 dây hiện đại sẽ có tại Fansipan còn có nhiệm vụ phát hiện việc
chặt phá rừng hay các nguy cơ cháy rừng để góp phần hạn chế đến mức thấp
nhất việc huỷ hoại rừng.
Ông Trần Bắc Hà – Bí
thư Đảng uỷ, chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt nam
BIDV – đối tác vàng của chủ đầu tư trong dự án này đã phát biểu rằng:
“Việc thực hiện dự án cũng là hành động thiết thực góp phần biến Di sản
hiếm có mà thiên nhiên ban tặng, di sản văn hóa của ông bà truyền lại
thành tài sản quý giá của Quốc gia, Dân tộc”. Và chúng tôi nghĩ, hành
động thiết thực ấy cần có sự đánh giá khách quan, công bằng và sự tin
tưởng, ủng hộ của dư luận xã hội.
Theo P. V
Dân trí