“Cần có làn sóng cải cách thể chế lần hai” 3/14/2016 2:39:13 PM
“Đọc xong hiệp định TPP, tôi hơi ngẩn người ra, không có áp lực trực tiếp về cải cách thể chế. Nhưng suy nghĩ sâu hơn, tôi nhận thấy cần phải có làn sóng cái cách thể chế lần thứ hai”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tại hội nghị “Triển vọng đầu tư 2016: Sự trở lại của bất động sản”, diễn ra mới đây.
“Cần có làn sóng cải cách thể chế lần hai”
Các diễn giả tại hội nghị “Triển vọng đầu tư 2016: Sự trở lại của bất động sản”.

“Thị trường phải cạnh tranh lành mạnh, từ đó chức năng Nhà nước phải được cải cách, nếu không sẽ bị làn sóng thị trường cuốn đi. Năm 2016, tôi kỳ vọng nhiều đạo luật được cải cách, để tăng cân bằng ba trục Nhà nước - doanh nghiệp - xã hội dân sự”, ông Cung nói.
Cũng tại hội nghị này, phân tích các tác động của kinh tế vĩ mô đến tăng trưởng kinh tế và chỉ số niềm tin của người tiêu dùng, hai động lực chính làm nóng thị trường bất động sản, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng trong năm 2016, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam dự kiến vẫn sẽ ở mức cao so với khu vực.
“Mục tiêu tăng trưởng 6,7% vẫn đặt Việt Nam trong những nước có độ tăng trưởng cao so với các nước ASEAN khác. Nhìn vào các số liệu thống kê độc lập, Việt Nam là nước có chỉ số niềm tin người tiêu dùng cao nhất, và là một trong những nền kinh tế có thị trường bất động sản ấm lên, sản xuất công nghiệp chế biến, mua sắm của doanh nghiệp trong công nghiệp chế biến lớn, nhất là TP.HCM”, ông nói.
Đề cập đến niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng vào cải cách vĩ mô, ông Nguyễn Đình Cung nhìn nhận: “Đại hội Đảng lần thứ 12 đã có tác động tốt đến chỉ số tăng trưởng, với xu hướng hội nhập thúc đẩy cải cách. Một đội ngũ lãnh đạo có năng lượng mới, họ biết phải hành động, chứ không chỉ nói, vì phải chứng minh được bằng kết quả thực tế, người dân mới thấy thuyết phục”.
Nhưng ngược lại, khi niềm tin lên cao quá, liệu có tạo ngược lại áp lực cho những nhà làm chính sách, có xuất hiện “sốt”, “bong bóng”… hay không? 
Về câu chuyện này, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bình luận: “Niềm tin vào chính sách của doanh nghiệp, của người dân và thị trường là vô cùng quan trọng. Tôi cảm nhận niềm tin đó rất rõ qua diễn biến về lãi suất, tỷ giá trong giai đoạn từ 2010 đến nay. Còn nhớ, khi có sự kiện biển Đông tháng 6/2014, việc chuyển đổi từ đồng Việt Nam đồng sang USD trở nên phổ biến, người dân hoang mang. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng thực hiện cuộc họp với tất cả ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, cam kết ổn định thị trường bằng các biện pháp cần thiết. Nhờ đó thị trường ổn định trở lại mà Ngân hàng Nhà nước không cần bán một đồng ngoại tệ nào”. 
Đối với câu chuyện TPP, liệu doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ hiệp định này? 
Ông Nguyễn Xuân Thành nói: “Hai tháng đầu năm nay có sự trỗi dậy của dòng vốn mới, 1,9 tỷ USD, tăng gấp hai lần. Nhưng kỳ vọng các đối tác EU, TPP sẽ sớm nhảy vào thì tâm lý có lẽ vẫn là đợi! Việt Nam đã học được bài học xương máu hậu WTO, và nhà đầu tư nước ngoài cũng học được”.
“Cơ hội thì chia đều cho doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhưng thách thức thì đặt ra cho doanh nghiệp trong nước, đòi hỏi cả hai phía doanh nghiệp và Nhà nước phải đồng hành. Thể chế nào thì doanh nghiệp đó, phải cải cách thể chế để doanh nghiệp chúng ta lành mạnh, cạnh tranh được với thiên hạ”. 



Theo Nhịp sống Kinh doanh

Hiện tại chưa có phản hồi nào
Hiển thị 0 trong Hiện tại chưa có phản hồi nào phản hồi  
Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 222
   Truy cập trong ngày : 1246
   Tổng số truy cập : 28068397
Logo thương hiệu Việt