PGS. TS. Trần Đình Thiên: Thật nghiêm trọng nếu hội nhập với cấu trúc kinh tế phụ thuộc vào FDI 3/3/2016 2:46:56 PM
Năm 2015 kinh tế phục hồi nhờ đóng góp phần lớn của khu vực FDI, khu vực nội địa chưa chuyển biến mạnh, thậm chí còn khó khăn trong khi chính sách vĩ mô chưa tạo thuận lợi cho khu vực nội địa phát triển. Vì vậy năm 2016 xuất phát điểm kinh tế của chúng ta còn nhiều vấn đề.
PGS. TS. Trần Đình Thiên: Thật nghiêm trọng nếu hội nhập với cấu trúc kinh tế phụ thuộc vào FDI
PGS. Ts. Trần Đình Thiên đang trình bày tại hội thảo.

Đây là chia sẻ của PGS. TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Trung Ương tại hội thảo kinh tế: “Kịch bản bản kinh tế Việt Nam 2016 – Tăng trưởng kinh tế và Phát triển Đầu tư trong bối cảnh hội nhập” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức đang diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh.

Xuất phát điểm của năm 2016 còn nhiều vấn đề
Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, chúng ta đi qua năm 2015 với sự lạc quan về tương lai phát triển nhờ lạm phát thấp, kinh tế phục hồi, phát triển ổn định (tăng trưởng GDP 6,2%). Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận rằng:
(i) Kinh tế phục hồi nhờ đóng góp phần lớn của khu vực đầu tư nước ngoài, khu vực nội địa chuyển biến chưa mạnh, thậm chí có nhiều khu vực khó khăn như nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu tăng trưởng phụ thuộc vào khu vực FDI thì khi kinh tế càng phát triển khu vực FDI hưởng lợi. “Chúng ta cần nhìn thẳng để biết được trọng tâm chính sách dồn vào đâu.  Nếu sự phục hồi khu vực FDI tới đây mà không lan tỏa đến khu vực nội địa quả là rất đáng lưu tâm”, ông Thiên nói.
(ii) Những chính sách vĩ mô của chúng ta chưa thuận lợi cho khu vực trong nước. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao do xuất nhập khẩu lớn, FDI đóng góp đến 70% giá trị xuất nhập khẩu. Điều này đồng nghĩa cấu trúc kinh tế của chúng ta phụ thuộc vào khu vực FDI. Nên khi hội nhập với cấu trúc này quả là nghiêm trọng.
(iii) Số doanh nghiệp đóng cửa năm 2015 tăng 22,4% so với năm 2014. Chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến số đóng cửa. Vì số doanh nghiệp đóng cửa năm sau vẫn tăng cao hơn năm trước là vấn đề nguy kịch. Số doanh nghiệp thành lập dù tăng cho thấy một bức tranh khác là doanh nghiệp của chúng ta ngày càng nhỏ đi. Thái độ của chính phủ về môi trường cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển chưa được đánh giá đúng mức. Doanh nghiệp vừa và nhỏ là quan trọng nhưng nếu không có những doanh nghiệp trụ cột, chúng ta rất khó để phát triển.
Thực lực kinh tế nội địa có những vấn đề nghiêm trọng như nợ xấu của Việt Nam đang “bị xích lại”đến kỳ phải thả ra, vì vậy cần phải xử lý triệt để trong thời gian xích.
Do đó, PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, điểm xuất phát của năm 2016 có nhiều vấn đề.
Những thách thức, khó khăn quan trọng trong năm 2016
Bước vào năm 2016, giá dầu giảm có tác động 2 mặt, mặt tích cực là làm cho giá cả giảm. Một yếu tố tác động quan trọng nữa là kinh tế Trung Quốc dự báo sẽ khó khăn, thị trường tiền tệ của Trung Quốc dự báo sẽ có nhiều động thái bất ngờ (dự trữ ngoại tệ Trung Quốc đã mất 500 tỷ USD….). Quan hệ kinh tế, đầu tư giữa Trung Quốc với Việt Nam là “môi hở răng lạnh”.
Ngoài ra, vấn đề hạn hán, xâm ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long nghiêm trọng – vấn đề thiên tai và nhân tai ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế.
Bên cạnh đó, việc ổn định bộ máy nhân sự - việc này cũng mất hết nửa đầu năm 2016; các FTAs– thách thức cao và nguy cơ ngày càng cao do chúng ta “đang yếu” đi.  Thương mại tự do bỏ rào cản về thuế quan nhưng cạnh tranh về giá, chất lượng khốc liệt.
Trong khi đó, 2 vấn đề lớn nhất của Việt Nam là thoát khỏi sự lệ thuộc vào kinh tế bên ngoài, trong đó có Trung Quốc và tham gia vào các FTAs. Việc thoát khỏi lệ thuộc vào kinh tế bên ngoài là điều không dễ dàng, vì vậy chúng ta thoát bằng cách nào để vẫn chia sẻ lợi ích. Còn các FTA, chúng ta tham gia vào FTA đẳng cấp cao, nhưng liệu những nước đi sau như Việt Nam có bám vào các FTA này để bay lên không?   
Dự báo cho năm 2016
Với những vấn đề căn bản nói trên, TS. Trần Đình Thiên nhận định, năm 2016 kinh tế vẫn sẽ phục hồi vì Việt Nam là đất lành, chim đậu. GDP sẽ vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ phục hồi của khu vực nội địa vẫn khó khăn đó là chưa tính đến tác động của hạn hán, ngập mặn.
Điều lạc quan là nếu hội nhập quốc tế mà chúng ta xử lý theo hướng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào mạnh sẽ tạo ra nhu cầu mới cho bất động sản, du lịch, dịch vụ tăng sẽ tăng lên. “Nếu chúng ta bám được vào những điểm lạc quan này thì quá trình phục hồi kinh tế sẽ chắc chắn hơn” – PGS. TS. Trần Đình Thiên.
Chính phủ nên làm gì?
TS. Trần Đình Thiên cho rằng, trọng tâm của Chính phủ năm nay là đẩy mạnh chương trình doanh nghiệp quốc gia, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; khởi nghiệp theo tinh thần mới;
Thay đổi phương thức tổ chức nông nghiệp, lấy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là chủ đạo;
Chính phủ cũng nên có thông điệp rõ ràng trong giải quyết vấn đề lãi suất vay;
Tăng cường sự hiểu biết hội nhập cụ thể cho doanh nghiệp hội nhập. Mặt khác, làm cách nào để doanh nghiệp có thể hội nhập thì doanh nghiệp phải chủ động.
Kinh tế năm 2016 tạo đà tốt hơn cho những năm sau, nhưng chúng ta không nên quá kỳ vọng vào năm nay giữ được lòng tin về sự cải cách là một thắng lợi của năm 2016.



Theo Nhịp sống Kinh doanh

Hiện tại chưa có phản hồi nào
Hiển thị 0 trong Hiện tại chưa có phản hồi nào phản hồi  
Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 299
   Truy cập trong ngày : 629
   Tổng số truy cập : 28067780
Logo thương hiệu Việt