Trở về sau 20 năm bị chồng “đánh thuốc mê” bán sang xứ người 12/27/2013 10:11:20 AM
Chị Hoa từng bị chính người chồng đầu ấp tay gối của mình đánh thuốc mê trong bữa cơm rồi bán sang Trung Quốc. 20 năm biền biệt không tin tức, nay bất ngờ chị Trần Thị Hoa trở về quê hương như một phép nhiệm màu của cuộc đời.
Chị Trần Thị Hoa trở về trong vòng tay yêu thương của mẹ.
Chị Trần Thị Hoa trở về trong vòng tay yêu thương của mẹ.

Bữa cơm định mệnh

Sau gần 20 năm biền biệt không tin tức, chị Trần Thị Hoa (39 tuổi) ở xóm Đông Du 1, xã Đông Hiếu, TX Thái Hòa, tỉnh Nghệ An trở về đoàn tụ cùng gia đình, người thân như một phép nhiệm màu. Phút trùng phùng, quá hạnh phúc người mẹ già ôm chầm lấy chị khóc nức nở: “Con tôi như đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy!”.

Nhớ lại bữa cơm cuối cùng với người chồng tệ bạc, chị Hoa phẫn uất: “Là vợ chồng, trong bữa cơm chồng xới bát cơm cứ nghĩ là anh ấy thương thật lòng nên tôi cứ thế bưng bát lên ăn. Nhưng được một lát thì bỗng dưng chân tay tôi, cả thân người đều duỗi dần và không còn sức lực. Và mấy ngày sau đó thì thấy mình đang nằm ở một nơi xa xăm, không quen biết cũng chẳng thấy ai là người quen. Tôi không thể ngờ rằng chồng mình lại có thể đang tâm làm cái việc không có tính người như vậy!”.
Chị Trần Thị Hoa trở về trong vòng tay yêu thương của mẹ.
Chị Trần Thị Hoa: “Không ngờ nửa bát cơm đó đã đẩy cuộc đời em đến những ngày tháng phiêu bạt khổ sở”.

Năm 18 tuổi, chị Hoa theo các anh vào miền Nam làm ăn sinh sống. Tại đây chị Hoa quen biết với một người đàn ông tên Bình, làm nghề đánh cá thuê ở Bến Tre. Thấy Bình siêng năng cần cù, hiền lành nên chị Hoa lấy làm thương mến, được bạn bè anh em vun vén chị Hoa quyết định xây dựng tổ ấm với anh Bình. Đám cưới được tổ chức đơn sơ nhưng ấm áp, sau đó chị Hoa cùng chồng về ra mắt gia đình hai bên nội ngoại.

Bà Bùi Thị Hạnh (66 tuổi, mẹ ruột chị Hoa) còn nhớ như in cái ngày con gái mình đưa “chàng rể quý” về ra mắt họ hàng: “Nhìn chồng nó hiền lành tôi những tưởng nó sẽ xây nên cuộc sống gia đình hạnh phúc nào ngờ tôi đã giao trứng cho ác mà không hề hay biết!”.

Sau một thời gian chung sống, giữa chị Hoa và chồng xảy ra nhiều mâu thuẫn không thể giải quyết. Bị người chồng thường xuyên chửi mắng đánh đập nên chị Hoa có ý định ly hôn. Chị quyết định sẽ ăn bữa cơm cuối cùng với chồng và các cháu rồi sẽ về quê ngoại và xin được ly hôn. Chị ngờ đâu người chồng đã bỏ thuốc mê vào bát cơm dành riêng cho mình và đó cũng là bữa cơm cuối cùng của chị, trước những ngày dông bão của cuộc đời.
Chị Trần Thị Hoa trở về trong vòng tay yêu thương của mẹ.
 Chị Trần Thị Hoa (áo xanh) lúc 18 tuổi, thời điểm chị bị người chồng cũ đánh thuốc mê và bán sang xứ người.

“Vừa bưng bát cơm ăn được khoảng một nửa thì tôi thấy đầu óc mình quay cuồng rồi dần dần ngất đi. Sau đó tôi thấy mình bị kéo đi qua một cây chuối, qua lan can đường sắt nhưng tay chân rũ rời không thể phản ứng được gì. Tôi cố dùng chút sức lực cuối cùng bám vào cây cối bên đường nhưng không được” - chị Hoa nhớ lại giây phút mình bị chính người chồng đánh thuốc mê.

20 năm lưu lạc làm vợ xứ người

Sau khi bị đánh thuốc mê ngất xỉu đi, chị Hoa được đưa lên một chiếc xe khách chạy suốt ngày đêm đến khi dừng lại chị bị một số người dẫn qua một hàng rào thép gai. Biết mình đã bị bán sang xứ người, chị khóc ngất đi vì sợ hãi. Nghĩ đến người chồng lòng lang dạ sói chị lại càng căm phẫn hơn ngàn lần.

“Sang đến bên kia hàng rào thép gai (biên giới) đi bộ một gần một buổi đường rừng, tôi cùng 4 người phụ nữ khác bị đẩy xuống một cái hố rồi họ cho chúng tôi ăn cơm. Ăn xong có một chiếc xe đến chở chúng tôi đi suốt một ngày đêm rồi dừng lại ở một cái chợ khá đông người. Chúng tôi trở thành một món hàng để họ mặc cả mua bán” - chị Hoa nhớ lại.
Chị Trần Thị Hoa cùng người chồng người Trung Quốc của mình.
Chị Trần Thị Hoa cùng người chồng người Trung Quốc của mình.

Chị Hoa được một người đàn ông bị gù, chân tay khoèo hỏi mua với giá cao. Tuy nhiên chị Hoa kiên quyết dù chết cũng không đi theo người đàn ông này. Ngay sau đó chị bị bán cho một người đàn ông đã ngoài 50 tuổi để làm vợ.

“Lấy người chồng đầu tiên dù rất già nhưng người ta không đánh đập tôi mà chỉ quản lý mình rất chặt. Trong một tháng đầu tiên tôi đi đâu họ cũng cử người giám sát. Mãi sau mới tin tưởng cho tôi đi chợ, làm việc một mình…”, chị Hoa nhớ lại.

Ngót 20 năm làm dâu xứ người, chị biết khá nhiều về ngôn ngữ, ngóc ngách và được nhà chồng tin tưởng giao đi chợ mua đồ ăn. Kể từ đó, chị tự mình bớt xén số tiền đi chợ của nhà chồng để tích cóp mong sẽ có ngày trốn thoát về quê. Tích góp dần, sau gần 3 tháng chị đã giấu được một khoản tiền đủ để chạy trốn. Một hôm được giao cho đi chợ từ sáng sớm, nhân lúc người nhà chồng không để ý chị đã chạy một mạch băng qua nhiều ngọn đồi, khe suối... Chị cứ cố chạy như vậy nhiều ngày liền, mỗi lúc mệt mỏi chỉ dám dừng lại uống chút nước, ăn tạm miếng bánh rồi lại lên đường vì sợ người nhà chồng đuổi theo bắt về.

Sau nhiều ngày chạy trốn chị được một người phụ nữ già thương tình hỏi han chăm sóc. Thấy cụ bà tốt bụng và biết rằng mình đã ở rất xa nhà chồng nên chị đã xin nhận cụ làm mẹ nuôi rồi ở lại chăm sóc cụ. Hàng ngày để có tiền sinh sống và chăm sóc mẹ nuôi, chị xin làm trong một quán gội đầu ở địa phương. Sau đó chị quen biết và lấy một thanh niên người bản địa làm chồng.

Ngày về đẫm lệ

Từ ngày lấy người chồng mới, cuộc sống của chị Hoa đỡ khổ hơn trước, chị lần lượt sinh hạ 4 người con. Gia đình chồng cũng làm nông nghiệp dù có vất vả nhưng anh em nhà chồng rất mực yêu thương người con dâu xứ lạ. Chị Hoa cũng hết mình chăm lo cho cuộc sống gia đình, làm tròn bổn phận một người mẹ, người vợ, một người con dâu. Cũng chính những ngày được sống trong hạnh phúc êm đềm giản dị ở nhà chồng, chị Hoa lại da diết nhớ bố mẹ ở quê nhà.

Về phần gia đình bà Hạnh, sau nhiều năm liền không có tin tức của con gái, liên lạc với “con rể quý” không được, cả nhà mới tá hỏa đi thăm dò tin tức, tìm kiếm nhưng không có kết quả.
Chị Hoa trở về thì cha đã mất.
Chị Hoa trở về thì cha đã mất.

Người cha già cũng vì quá nhớ thương con gái mà đổ bệnh và qua đời cách đây hai tháng. Bà Hạnh nghẹn ngào: “Khi chuẩn bị ra đi ông ấy còn gọi tên con mình nhiều lắm! Ông ấy chỉ mong gặp mặt con gái mình trước lúc ra đi thôi!”.

Trong thời gian sống ở nhà chồng, chị Hoa có quen biết với một người phụ nữ cùng cảnh ngộ với mình tên là Điệp quê ở Hải Dương. Thương chị Hoa, người phụ nữ này hứa mỗi khi về Việt Nam sẽ nhờ người tìm lại quê quán cho chị Hoa và tìm cách liên lạc với gia đình sớm nhất có thể.

Sau nhiều lần tìm kiếm từ những thông tin mù mờ của chị Hoa cung cấp, người em trai chị Điệp là Hùng đã tìm được gia đình chị Hoa ở xã Đông Hiếu (huyện Nghĩa Đàn trước đây, nay là TX Thái Hòa). Sau đó để xác minh chính xác thông tin, anh Hùng còn bắt xe từ Hải Dương về tận nhà và cho gia đình liên lạc với chị Hoa qua điện thoại.

Ngày về, chị như chết lặng khi biết tin bố mình đã qua đời vì bạo bệnh cách đây 2 tháng.
 
Thương bố mẹ già bao nhiêu chị càng căm phẫn người chồng cũ bấy nhiêu. Chị quyết tâm vạch mặt tố cáo hành vi phạm pháp của Bình. Tuy nhiên sau khi nghe kể về hoàn cảnh khó khăn của người chồng cũ, hiện đang phải chạy ăn từng bữa, một nách nuôi ba con thơ nheo nhóc, chị lại mủi lòng không làm đơn tố cáo.

“Ông trời cùng đã bắt tội anh ấy rồi! Bây giờ mình mà làm đơn tố cáo nữa, rồi anh ấy phải tù phải tội thì 3 đứa con còn bé nhỏ thế biết bấu víu vào ai? Ông trời có mắt, gieo nhân nào ắt gặp quả ấy thôi!” - chị Hoa bùi ngùi thương cảm.

Nguyễn Tình - Lany Nguyễn

Hiện tại chưa có phản hồi nào
Hiển thị 0 trong Hiện tại chưa có phản hồi nào phản hồi  
Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 205
   Truy cập trong ngày : 2202
   Tổng số truy cập : 29132886
Logo thương hiệu Việt