Thương lái nước ngoài mua vét nguyên liệu: "Mất bò vẫn chưa lo làm chuồng" 4/8/2014 11:22:40 AM
(DĐDN) - Tình trạng thương lái nước ngoài mua vét nguyên liệu nông sản, thủy, hải sản gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh trong nước đã diễn ra nhiều năm, nhưng dường như các cơ quan quản lý vẫn chưa có các giải pháp can thiệp kịp thời.

Ảnh minh họa

Đưa vào khuôn khổ


Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương):

Để việc tiêu thụ nông sản được ổn định, bền vững, Chính phủ, cụ thể là Bộ Công Thương và các bộ ngành đã xây dựng chính sách pháp luật để điều chỉnh nhằm tổ chức thu mua và tiêu thụ nông sản của bà con nông dân theo đúng quy định của luật pháp, bảo vệ quyền lợi cho thương nhân, nông dân, đồng thời đấu tranh với hoạt động thu mua hoặc mang tính phá hoại, mang tính đầu cơ trục lợi bất thường.

Trên thực tế, dù có hiện diện hay không hiện diện thì thương nhân nước ngoài phải có đăng ký, với DN FDI có giấy chứng nhận đầu tư, có văn phòng đại diện, thay mặt tổ chức, cá nhân giám sát việc thu mua tại VN; thương nhânkhông có hiện diện thương mại vẫn hoạt động thương mại phải được Bộ Công Thương cấp phép, không trực tiếp mua của người sản xuất mà phải thông qua thương nhân VN. Nếu vi phạm hoạt động đã có nghị định 185 quy định xử phạt. Thực tế, phần lớn thương nhân nước ngoài cơ bản tốt, góp phần tiêu thụ và XK hàng hóa nông sản VN ra thế hoạt giới...

Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận tổ chức, cá nhân nước ngoài lợi dụng chính sách mở cửa, vào VN thông qua con đường du lịch để mua bán hàng hóa trái phép. Chính bộ phận nhỏ này làm thị trường cảm thấy có điều gì đó bất thường, hoạt động “ăn xổi ở thì”, chụp giật... Ở đây không  loại trừ một số vào thu mua mang tính phá hoại, mua những mặt hàng rất lạ như: Móng trâu bò, lá cây... mang tính triệt phá nền nông nghiệp VN.

Vì vậy, cần quản lý chặt chẽ đối tượng này, nếu họ đi du lịch thì phải có hành trình, đăng ký tạm trú. Điều này được quy định trong Luật Xuất nhập cảnh, Luật Cư trú. Bởi vậy, lực lượng công an, chính quyền địa phương, thanh tra chuyên ngành cần phải phối hợp với nhau để quản lý các đối tượng nhập cảnh vào VN theo diện này.

Khi thấy có hiện tượng bất thường, cơ quan chức năng sẽ phối hợp kiểm tra, kiểm soát ngay. Tất nhiên, không phải cứ thấy thương lái thu mua là ngăn chặn, mà phải đưa vào khuôn khổ. Nếu họ thu mua đúng quy định thì ta nên khuyến khích; còn không đúng thì các cơ quan chức năng phải có biện pháp xử lý để giúp nông sản của bà con được tiêu thụ với giá hợp lý.

Tìm kiếm nhiều đối tác


Ông Tăng Minh Lộc - Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác, Bộ NN- PTNT

Thương lái Trung Quốc có thể dễ dàng thao túng các mặt hàng nông sản bởi lẽ nông dân và DN VN vẫn phải “đơn độc” đối phó với cả tập thể thương lái Trung Quốc, luôn bị động từ khâu kí hợp đồng tới khâu bán ra.

Bấy lâu nay, nông sản VN vẫn buôn bán qua đường tiểu ngạch với Trung Quốc, hầu hết giao dịch chỉ là trên miệng, không có hợp đồng ràng buộc, dẫn đến tình trạng thương lái Trung Quốc dễ dàng giở trò, đặt mua nhưng sau đó bỏ về nước.

Do đó, cần sớm thành lập và thể hiện vai trò các hiệp hội, các tổ chức, các ngành hàng tương ứng ví dụ “Hiệp hội những người trồng dứa” hay” Hiệp hội những người sản xuất khoai lang”,… để giúp người dân chủ động hơn, giành được những quyền lợi chính đáng khi đối phó với thương lái Trung Quốc.

Các hiệp hội vừa có nhiệm vụ giúp nông dân cập nhật thông tin giá cả, thị trường nhanh chóng, vừa có trách nhiệm cảnh báo họ trước những chiêu tròlừa đảo của thương nhân Trung Quốc, bảo vệ người dân khi phía Trung Quốc vi phạm hợp đồng.

Mặc dù Nhà nước cũng đã lập Ban chỉ đạo 127 TƯ về chống buôn lậu hàng giả và gian lận cấp Trung ương, rồi Quyết định 80 của Chính phủ về tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng… Thế nhưng hiệu quả của các hình thức chế tài vẫn còn rất hạn chế do công tác quản lí và kiểm soát của ta còn quá yếu kém.

Hoàn thiện cơ chế pháp lí và có các chính sách bảo vệ quyền lợi cho nông dân, DN trong nước là việc cần làm lúc này. Về lâu dài, cần hạn chế buôn bán với Trung Quốc qua đường tiểu ngạch và chuyển dần sang chính ngạch. Khi thực hiện giao dịch cần có hợp đồng với các điều kiện ràng buộc về giá và thanh toán một cách rõ ràng để tránh việc Trung Quốc vi phạm hợp đồng, “bỏ đi” khi đang buôn bán giữa chừng.

Một khi đã có những hình thức chế tài, Nhà nước sẽ có cơ sở pháp lí để xử phạt những hành vi sai trái của thương lái Trung Quốc. Hơn nữa, cần tiến hành mở rộng thị trường, tìm kiếm các đối tác tiềm năng khác cho mặt hàng nông sản… nhằm tránh tình trạng độc quyền thu mua từ Trung Quốc.

Cần vạch mặt chỉ tên


Luật gia Cao Bá Khoát - GĐ Cty TNHH tư vấn Doanh nghiệp K và cộng sự:

Từ trước đến nay, các vụ thu mua nông sản hoặc các sản vật kỳ quái mang tính phá hoại sản xuất, phá hoại thị trường đều đến từ thương lái Trung Quốc. Nào là đỉa, ốc bươu vàng, lá cây điều… đều phải xếp vào hành vi phá hoại. Chính vì vậy, cần phân biệt rõ DN nước ngoài nói chung thu mua nông sản một số ngành nghề như cà phê, hồ tiêu… theo luật pháp VN với thương lái Trung Quốc gây lũng đoạn và phá hoại thị trường, phá hoại sản xuất. Không nên nói theo kiểu mập mờ là thương lái nước ngoài chung chung.

Những hành vi và đối tượng phá hoại phải “vạch mặt, chỉ tên” rõ ràng. Không nên lồng ghép câu chuyện chính trị vào lĩnh vực này. Đã là có dấu hiệu phá hoại thì từ Trung ương, đến địa phương đều phải có thái độ xử lý quyết liệt. Từ các cơ quan quản lý thị trường đến tư pháp và lực lượng vũ trang cần nhanh chóng được huy động để tiêu diệt tận gốc các đối tượng phá hoại này.

Chúng ta có cả một bộ máy quản lý nhà nước mà lại gần như bất lực trước một vấn đề đơn giản. Quản lý nhà nước theo kiểu thụ động và đùn đẩy trách nhiệm cũng đang là một căn bệnh.

Đừng có nói trách nhiệm chính của việc này, việc kia là của bộ ngành nào, địa phương nào. Vấn đề là mỗi cơ quan đều phải chủ động vào cuộc ngay khi thấy có dấu hiệu phá hoại. Ví dụ Bộ Công an hay Bộ Công thương đều có thể tự mình đề xuất phương án xử lý và chủ trì yêu cầu mọi cơ quan tổ chức vào cuộc ngay. Hay kể cả chính quyền địa phương nơi xảy ra các hiện tượng theo kiểu phá hoại trên cũng có thể chủ động chủ trì giải quyết.

Không nên hành xử theo kiểu “sợ bóng, sợ gió”. Khi đã phân biệt và xác định rõ hành vi phá hoại thì chúng ta hoàn toàn có thể xử lý theo pháp luật của VN. Hiến pháp và pháp luật VN đều quy định rất rõ ràng các hành vi vi phạm pháp luật. Từng tội danh phá hoại đều có khung có điều để xử lý nghiêm khắc, tại sao chưa ai làm?

Bảo vệ sản xuất, bảo vệ thị trường thực ra cũng mới chỉ là một nửa của vấn đề trên. Nội dung còn quan trọng hơn là tính nghiêm minh của pháp luật hay nói cách khác là pháp chế của nhà nước. Bất kể hành vi, phương thức nào ảnh hưởng đến trật tự xã hội đều cần được xử lý nhanh chóng, công minh và quyết liệt.

Kết nối 4 nhà


Ông Trần Ngọc Vinh - Ủy viên UB Pháp Luật của Quốc hội

Hiện tượng người nước ngoài vào nước ta thu mua nông sản, lâm sản, thủy sản, đặc biệt là mua những loại khác lạ như đỉa, lá khoai, cau khô và một số cây thuốc… trong thời gian qua khá phức tạp.

Việc mua bán diễn ra trên phạm vi rộng và với nhiều mặt hàng khác nhau nhưng có một “mẫu số chung” các đợt sốt hàng là phần thiệt hại nặng nề luôn về phía người nông dân. Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, hoạt động thu mua nông sản bất thường này còn gây hoang mang bất ổn trong dư  luận. Chẳng hạn việc đào cả vườn hồ tiêu lên để lấy rễ dẫn tới hậu quả cây bị chết, diện tích trồng bị thu hẹp, mua móng trâu ảnh hưởng đến công cụ sản xuất... Một vấn đề nữa được đặt ra là khi thương lái nước ngoài mua các nông sản lạ phần lớn người bán không biết rõ mục đích của người mua làm gì nhưng dù có thắc mắc thì phần lớn cũng không có câu trả lời thích đáng, kịp thời từ phía các cơ quan chuyên môn, các cơ quan quản lý.

Nhưng thông qua các hiện tượng như vậy cũng phần nào phản ánh thực trạng và khả năng kết nối giữa các nhà (nhà nước-nhà nông-nhà khoa học-nhà DN) cũng như năng lực sản xuất chế biến, phân phối. Bởi ngoài các mặt hàng bất thường, nếu chúng ta tổ chức tốt thị trường trong nước thì khó có thể dẫn đến tình trạng thương lái thu mua tôm bất thường cũng như dưa hấu rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” như vừa qua.

Tôi cho rằng ngoài các giải pháp mà Bộ Công thương đã đưa ra, đã đến lúc cần có những quy định và chế tài cụ thể, mạnh mẽ hơn đối với các hoạt động kinh doanh mang tính bất thường gây bất ổn thị trường và ảnh hưởng đến sản xuất. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có Chỉ thị và cơ chế xử lý đối với các các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nơi xảy ra tình trạng bất ổn. Nhưng về lâu dài cần có một giải pháp tổng thể đối với thị trường nông sản theo hướng nâng cao năng lực và giá trị sản xuất, trong đó cần tập trung vào khâu quy hoạch - sản xuất - phân phối. Có như vậy mới có thể ngăn chặn, khắc phục và xử lý hiệu quả các hiện tượng thu mua nông sản bất thường như thời gian vừa qua.

Khi đã phân biệt và xác định rõ hành vi phá hoại thì chúng ta hoàn toàn có thể xử lý theo pháp luật của VN.


P.Nam, T.Anh, 
B.Tú, P.Nam thực hiện

Hiện tại chưa có phản hồi nào
Hiển thị 0 trong Hiện tại chưa có phản hồi nào phản hồi  
Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 132
   Truy cập trong ngày : 117
   Tổng số truy cập : 28077501
Logo thương hiệu Việt