Những câu chuyện rúng động về các “cô dâu nhí” ở Yemen từng khiến thế
giới phải bàng hoàng. Đó là những cô bé như Sally Al-Sabahi, 10 tuổi,
bị cưỡng hiếp, đánh đập bởi người đàn ông hơn em 13 tuổi mà người ta bảo
em đó là “chồng” của em, hay cô bé Ilham Mahdi al Assi, 13 tuổi, đã
chết hồi năm 2010 sau khi kết hôn 4 ngày vì chảy máu âm đạo, đó còn là
bé Raswan, 8 tuổi, vừa qua đời trong tháng 9 năm nay ngay sau đêm tân
hôn vì cùng một lý do…
Đó là những số phận bi đát của nhiều “cô dâu nhí” ở đất nước Trung
Đông, thuộc thế giới Ả Rập - Yemen. Trước những tin tức đau lòng này,
thế giới đã thể hiện thái độ mạnh mẽ: nhiều chiến dịch tình nguyện,
nhiều nhà hoạt động xã hội đã đến Yemen để trực tiếp can thiệp vào vấn
đề gây nhức nhối này. Cuối cùng, sau nhiều năm tác động, chính phủ Yemen
đã quyết định sẽ thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn nạn tảo hôn đối
với các bé gái ở đây.
Thực tế, việc các bé gái lấy chồng sớm ở Yemen là một hủ tục lạc hậu
đã có từ lâu đời, vì vậy, chính phủ Yemen gặp phải rất nhiều khó khăn
trong việc thay đổi một lối sống, một cách nghĩ vốn đã ăn sâu vào tiềm
thức của người dân nơi đây từ hàng thế kỷ nay.
Ông Fouad Al Ghaffari, Bộ trưởng Bộ Nhân quyền của Yemen chia sẻ với
báo giới rằng Bộ trưởng Bộ Các sự vụ Pháp lý, ông Mohammed Al Mikhlafi,
mới đây đã đệ trình một đạo luật lên Chính phủ để chờ thông qua. Nếu đạo
luật này được chấp thuận, việc kết hôn với trẻ em ở Yemen sẽ bị coi là
vi phạm pháp luật.
Cô
bé này từng là một “cô dâu nhí”, em đang tham gia vào cuộc diễu hành
phản đối hủ tục lạc hậu đang diễn ra ở đất nước mình. Bức hình được chụp
tại một cuộc tuần hành nhỏ ở thủ đô Sana'a của Yemen.
Dần dần, nhận thức và thái độ của người dân Yemen có lẽ sẽ thay đổi.
Được biết vào tuần trước, cảnh sát ở thành phố Taiz đã can thiệp và ngăn
chặn kịp thời một lễ cưới, trong đó, cô dâu mới lên 9. Đây là lần đầu
tiên, cảnh sát Yemen can thiệp vào một lễ cưới có “cô dâu nhí”.
Vì hiện tại luật vẫn chưa được chính thức thông qua nên cảnh sát ở
thành phố Taiz đã can thiệp một cách khéo léo, đồng thời, họ cố gắng
thuyết phục cha của cô dâu hãy suy nghĩ lại vì tương lai của con gái
mình và khuyên ông nên từ bỏ cuộc hôn nhân này.
Tuy vậy, nếu đạo luật mới chậm trễ trong việc thông qua, những lễ
cưới tương tự vẫn sẽ được tiến hành công khai. Nếu cảnh sát có tới ngăn
cản cũng chỉ là một biện pháp tức thời bởi sau đó họ hoàn toàn có thể
tiếp tục tiến hành lễ cưới hợp pháp.
Thực tế, hồi năm 2009, Chính phủ Yemen đã từng cân nhắc thông qua đạo
luật quy định tuổi kết hôn, theo đó, nam nữ đều phải đủ 17 tuổi mới
được tổ chức hôn lễ. Nếu ai vi phạm sẽ bị xử phạt, không may, kế hoạch
này vì lý do nào đó đã không thành công.
Em Nojud Ali, 8 tuổi (trái) và em Arwa, 9 tuổi (phải) đã được tòa án xử ly hôn sau khi bị gia đình buộc kết hôn hồi năm 2008.
Ở đây, hôn nhân dường như là đặc quyền của đàn ông. Việc những cô bé
bị buộc phải bước vào cuộc sống gia đình, trở thành những người vợ,
người mẹ ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” là thực tế rất phổ biến ở
Yemen.
Đặc biệt, có những cuộc hôn nhân tàn nhẫn đến mức “chú rể” gấp 5 lần
tuổi cô dâu, cô dâu mới 13 còn chú rể… đã 70. Những cuộc hôn nhân dàn
xếp như vậy thực tế cũng không phải quá hiếm gặp ở Yemen.
Asia, một cô gái Yemen 14 tuổi nhưng đã làm mẹ của hai đứa con. Asia bị mắc bệnh hậu sản nên rất gầy yếu.
Hiện
nay, các tổ chức xã hội hoạt động tại Yemen đang tích cực hỗ trợ các cô
bé bị buộc phải kết hôn. Họ sẽ tới tận nơi tiếp xúc với các em, tìm
hiểu về cuộc sống của các em. Nếu những cô bé này có nguyện vọng ly hôn,
họ sẽ giúp các em tiếp cận với cơ quan pháp luật để tiến hành thủ tục
ly hôn.
Nhiều bé gái đang đi học, bất ngờ bị cha mẹ buộc kết hôn và từ đó các
em phải bỏ học giữa chừng vì thường nhà chồng không muốn lo chi phí học
hành cho các em. Nếu may mắn, cũng có những em được chồng tiếp tục cho
đi học. Tuy vậy, vì phải gánh vác việc nhà, sau đó, nhiều em lại sinh
con và làm mẹ nên chính các em cũng không đủ sức cáng đáng và phải tự bỏ
học dù có yêu trường lớp đến mấy.
Wafa, một bé gái 11 tuổi từng phải kết hôn với người đàn ông 40 tuổi
chia sẻ: “Các bạn gái cần phải được đi học. Cháu không muốn ai phải chịu
đựng giống như cháu. Dù là nữ giới nhưng việc học cũng rất cần thiết để
sau này có thể sống tự lập và hạnh phúc, được làm chủ cuộc đời mình”.
Bức
hình chụp em Nujood Ali, 13 tuổi, Ali đã chạy trốn khỏi nhà chồng, bắt
taxi tới tòa án và đòi ly hôn. Hành động của cô bé đã khiến Ali trở
thành “vị anh hùng” của phụ nữ Yemen. Đây là cuộc ly hôn lịch sử tại đất
nước này, nó đã mở ra con đường cho nhiều bé gái Yemen khác từng bị ép
buộc kết hôn. Sau khi ly hôn năm 2008, Ali 10 tuổi quay về nhà sống với
cha mẹ đẻ và lại được đến trường.
Bích Ngọc
Theo DM