Chân dung cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela
Phim Mandela and De Klerk (1997)
Tổng
thống Nelson Mandela bắt tay diễn viên Sidney Poitier, người đã đóng
vai của ông trong bộ phim Mandela và De Klerk sản xuất năm 1997.
Mandela and de Klerk là một bộ phim truyền hình sản xuất năm
1997 của đạo diễn Joseph Sargent. Phim với sự tham gia của diễn viên
Sidney Poitier và Michael Caine và được đề cử nhiều giải thưởng trong
năm 1997-1998.
Ngày 12/7/1964, Nelson Mandela cùng với nhiều tù nhân chính trị khác
bị kết án chung thân trong vụ xét xử tội phản quốc. Việc giam cầm
Mandela và các tù nhân chính trị khác trên đảo Robben đã trở thành biểu
tượng của cuộc đấu tranh chấm dứt chế độ a-pác-thai và giành tự do cho
cộng đồng người da đen chiếm đa số ở Nam Phi.
Vào ngày 2/2/1990, tổng thống F.W.De Klerk đứng trước Quốc hội và
tuyên bố việc công nhận sự hợp pháp của Đảng Đại hội dân tộc Phi và các
tổ chức chính trị bị cấm khác. Cùng thời điểm, ông tuyên bố việc phóng
thích Nelson Mandela sẽ diễn ra trong vòng 7 ngày, sau 27 năm từ khi
Mandela bị giam giữ. Tuy vậy, cả thế giới cũng như hầu hết người dân Nam
Phi biết rất ít về sự kiện trọng đại này.
Bô phim Mandela và De Klerk được quay ở Nam Phi tại hầu hết
các địa điểm diễn ra sự kiện thực tế, và các đoạn phim được lồng ghép
với các thước phim thời sự để bảo đảm việc tái hiện chính xác các sự
kiện lịch sử gần đây.
Goodbye Bafana (2007)
Tình
bạn đặc biệt gữa quản ngục James Gregory (Joseph Fiennes) và Nelson
Mandela (Dennis Haysbert) trong phim Goodbye Bafana (2007).
Bối cảnh bộ phim tài liệu Goodbye Bafana bắt đầu vào năm 1968,
khi Nam Phi đang chìm sâu trong nỗi kinh hãi bởi chủ nghĩa a-pác-thai
và Nelson Mandela (Dennis Haysbert thủ vai) là thủ lĩnh ngầm của Đảng
Đại hội dân tộc Phi đang bị giam giữ trên đảo Robben.
Câu truyện hé lộ về những người châu Phi bản địa với dân số 25 triệu
người dưới ách áp bức của cộng đồng da trắng thiểu số, những người kiểm
soát Đảng quốc gia. Bộ phim bám sát chuyến hành trình về tinh thần và
tâm lý của James Gregory (do Joseph Fiennes đóng), một người da trắng ở
một trang trại vùng Transkei với cái nhìn coi người da đen không phải
con người. Gregory có khả năng sử dụng tiếng Xhosa bản địa của Mandela,
đó chính là lợi thế khiến ông ta là ứng cử viên thích hợp cho công việc
cai ngục ở nhà tù đảo Robben và nghe ngóng các câu chuyện của Mandela và
các tù nhân khác.
Điều ông ta không thể ngờ tới là tình bạn đặc biệt và kì lạ nảy sinh
giữa bản thân mình và Mandela. Nó đã giúp ông từ một người với đầu óc
hẹp hòi, không để ý tới xung quanh trở thành một con người đầy nhạy cảm
và đầy tình nhân văn. Khi tình bạn giữa Gregory và Mandela phát triển và
trưởng thành, nó tượng trưng cho sự chuyển đổi của châu Phi từ sự đàn
áp của chế độ phân biệt chủng tộc sang sự tự do của nền dân chủ đa sắc
tộc.
Invictus (2009)
Một số cảnh gây xúc động trong phim với diễn xuất của hai diễn viên chính Morgan Freeman và Matt Damon.
Invictus là bộ phim tiểu sử sản xuất năm 2009, được đạo diễn
bởi Clint Eastwood với dàn diễn viên chính gồm Morgan Freeman và Matt
Damon. Bộ phim dựa trên cuốn sách “Playing the Enemy: Nelson Mandela” và
“Game that made a Nation” của John Carlin. Cuốn sách nói về các sự kiện
diễn ra ở Nam Phi trước và trong Giải vô địch Rugby thế giới năm 1995,
được tổ chức ở Nam Phi sau khi chế độ a-pác-thai sụp đổ.
Morgan Freeman vào vai tổng thống Nelson Mandela, còn Matt Damon đóng vai François Pienaar, đội trưởng đội Rugby Nam Phi. Invictus
ra mắt ở Mỹ vào ngày 11/12/2009. Tiêu đề “Invictus” có thể được dịch từ
tiếng Latin, có nghĩa là “không thể bị khuất phục”, đồng thời cũng là
đầu đề bài thơ của nhà thơ người Anh William Ernest Henley (1849-1903).
Bộ phim được đánh giá cao và được đề cử giải Oscar cho Nam diễn viên
chính xuất sắc nhất (Morgan Freeman) và Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất
(Matt Damon).
Những cảnh để lại nhiều cảm xúc cho người xem trong phim Winnie Mandela (2011).
Winnie Mandela là một bộ phim chuyển thể từ cuốn hồi kí
“Winnie Mandela: A Life” của Anne Marie du Preez Bezrob. Bộ phim được
đạo diễn bởi Darrell Roodt, với dàn diễn viên gồm Jennifer Hudson,
Terrence Howard, Wendy Crewson và Elias Koteas. Hãng Image Entertainment
ra mắt bộ phim ở các rạp vào ngày 6/9/2013. Theo dấu cuộc đời của
Winnie Madikizela-Mandela (Jennifer Hudson thủ vai), từ sự giáo dục
nghiêm ngặt bởi người cha mong muốn có một đứa con trai, tới việc bà từ
bỏ cơ hội đến Mỹ học để có thể ở lại Nam Phi, nơi bà cảm thấy cần sự có
mặt của mình và là nơi người chồng Nelson Mandela (Terrence Howard đóng)
đang bị giam giữ.
Bà phải đối mặt với sự gây khó dễ liên tục của cảnh sát, bị trục xuất
tới một thị trấn nhỏ, bị phản bội bởi bạn bè, đồng sự và bị quản thúc
trong hơn một năm. Khi được trả tự do, bà tiếp tục các hoạt động của
chồng nhằm chống lại chế độ phân biệt chủng tộc.
Sau khi Nelson Mandela được thả, bà phải li dị chồng vì sự không
chung thủy của mình và các áp lực chính trị. Bà còn phải đối mặt với các
cáo buộc về bạo lực và giết người và sau đó phải tự đứng lên bào chữa
cho mình trước dân tộc Nam Phi.
Mandela: Long Walk to Freedom (2013)
Mandela: Long Walk to Freedom là một bộ phim tiểu
sử của đạo diễn Justin Chadwick từ kịch bản được viết bởi William
Nicholson. Bộ phim dựa trên cuốn sách năm 1994, Long Walk to Freedom viết về cuộc cách mạng chống phân biệt chủng tộc của cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.
Bộ phim công chiếu vào ngày 7/9/2013 tại Liên hoan phim quốc tế
Toronto và chính thức được phát hành vào ngày 29/11/2013, chưa đầy một
tuần trước khi Mandela qua đời.
Phim có sự tham gia của hai diễn chính là Idris Elba và Naomie
Harris. Idris Elba đã tiết lộ rằng anh đã vào vai tổng thống Nelson
Mandela thuyết phục tới mức nhà lãnh đạo Nam Phi đã tưởng nhầm rằng ông
thực sự đã có mặt trong bộ phim.
Bộ phim đã gây được tiếng vang lớn, thu hút rất nhiều người dân Nam
Phi đến rạp chiếu. Nhiều người thú nhận họ không thể cầm được nước mắt
sau khi xem phim. “Tôi đã khóc nhiều lần khi xem phim bởi nó quá giàu
cảm xúc - Bộ trưởng Tư pháp Nam Phi Jeff Radebe cho biết – “Bộ phim
không chỉ kể về cuộc đấu tranh của Nelson Mandela mà của cả dân tộc Nam
Phi”.
Theo Phan Hạnh
Dân trí