Năm 2014: Doanh nghiệp vẫn cần nhiều hỗ trợ 1/16/2014 8:51:13 AM
Năm 2013 là năm các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tiếp tục phải gồng mình vượt khó. Dự báo, trong năm 2014, những khó khăn vẫn còn nhiều, vì vậy, DN vẫn cần những hỗ trợ thiết thực từ phía chính sách và về phần mình cũng cần những chiến lược kinh doanh thật tốt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Còn nhiều khó khăn

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, số DN gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động năm 2013 là 60.737 DN, tăng 11,9% so với năm 2012. Trong đó, số DN đã giải thể là 9.818 DN, tăng 4,9%; số DN đăng ký tạm ngừng hoạt động là 10.803 DN, tăng 35,7%; số DN ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 40.116 DN, tăng 8,6%.

Nguyên nhân khách quan khiến các DN rơi vào tình trạng trên là do tiếp tục chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ suy thoái kinh tế thế giới cũng như những khó khăn của kinh tế trong nước. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, nền kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục phục hồi chậm, các thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư còn gặp khó khăn…

Cũng trong năm 2013, số DN thành lập mới là 79.000 DN. Như vậy, số DN sản xuất kinh doanh trong năm 2013 vẫn tăng 18.000 DN, đưa tổng số DN đang hoạt động lên 473.000 DN.

Những con số trên phần nào cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của DN trong năm 2013 đã có bước khởi sắc nhất định. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, điều đáng bàn là năng lực sản xuất của các DN mới và sắp gia nhập thị trường ngày càng giảm đi. Tính bình quân, quy mô vốn một DN mới thành lập năm 2013 là 5,18 tỷ đồng (nếu loại trừ yếu tố giá chỉ còn 4,18 tỷ đồng), giảm so với mức 6,68 tỷ đồng của năm 2012.

Trong khi đó, năm 2014, dự báo tình hình thế giới và trong nước vẫn còn những khó khăn nhất định. Mặc dù mặt bằng lãi suất đã giảm từ 2%-3% trong năm 2013 so với cuối năm 2012 nhưng vẫn ở cao so với nhiều DN, đặc biệt là khu vực DN nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, DN cũng vấp phải rào cản về thủ tục vay vốn và các điều kiện được vay vốn làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn của DN… Bối cảnh trên cho thấy, các DN mới gia nhập thị trường sẽ gặp không ít khó khăn trong năm tới.

Cần nhiều chính sách hỗ trợ

Trong năm 2013, trước những khó khăn đối về vốn, năng lực quản lý điều hành, mặt bằng sản xuất, đầu ra cho sản phẩm… của DN, Đảng và Chính phủ cũng như các hiệp hội rất quan tâm, đã có cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ. Có thể kể đến Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, Thông tư số 16/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 8/02/2013 của  Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện việc gia hạn, giảm một số khoản thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 02/NQ-CP..., nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN vẫn chưa phát huy hiệu quả cao. Đặc biệt, tồn kho ở một số ngành, lĩnh vực còn ở mức cao, nhất là ở một số lĩnh vực như bất động sản, vật liệu xây dựng...

Về các giải pháp hỗ trợ DN trong năm 2014, Lãnh đạo Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Trọng Hiệu cho biết, năm 2014, Chính phủ cũng sẽ tập trung mạnh hơn những giải pháp hỗ trợ DN đẩy nhanh tái cấu trúc; Giải quyết hiệu quả hơn vấn đề nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng…; Đẩy mạnh tiến trình cải cách DN nhà nước, trọng tâm là thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cổ phần hóa và tăng sự lan tỏa của dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng kiên định với các chính sách hỗ trợ sẽ tạo cơ hội lớn cho nhiều DN, trong đó đặc biệt ưu tiên nhóm DN nhỏ và vừa tăng trưởng, quay trở lại hoạt động, cộng hưởng với cú hích từ gia tăng thương mại và đầu tư nước ngoài.

Qua phản ánh của các DN, trong quá trình tiến hành các thủ tục để phát triển sản xuất kinh doanh, hay các dự án đầu tư, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức chưa thực sự quan tâm và trân trọng DN, doanh nhân. Còn một số cơ chế, chính sách, văn bản dưới luật chồng chéo, gây ra những rào cản khiến DN gặp phải khó khăn. Do đó, vẫn cần phải có một cơ chế rà soát, chỉnh sửa để tránh gây phiền hà cho DN, đặc biệt là các DN mới thành lập.

Nỗ lực vượt khó

Bên cạnh các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đồng bộ và hiệu quả của Nhà nước, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, DN cần phải chủ động cứu mình bằng những giải pháp phù hợp.

Cụ thể, để giảm thiểu tối đa rủi ro, DN chỉ nên kinh doanh ở lĩnh vực có lợi thế, các ngành nghề cốt lõi, không kinh doanh tràn lan, chạy theo đám đông; thiết lập kế hoạch kinh doanh rõ ràng và dài hạn; chủ động cập nhật chính sách để có giải pháp phù hợp… Làm được như thế, trong năm 2014, DN Việt Nam sẽ vượt qua được các thách thức, tận dụng được các cơ hội giao thương đang mở ra như tại các thị trường lớn đang có xu hướng tốt dần lên như Mỹ, EU, những cơ hội giao thương từ các hiệp định như TPP…


HẢI AN

Hiện tại chưa có phản hồi nào
Hiển thị 0 trong Hiện tại chưa có phản hồi nào phản hồi  
Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 111
   Truy cập trong ngày : 4828
   Tổng số truy cập : 28130949
Logo thương hiệu Việt