Chưa bao giờ các chương trình biểu diễn nghệ thuật từ ca nhạc
cho đến cải lương lại thừa mứa về múa minh họa như bây giờ. Các kênh
truyền hình hễ có chương trình văn nghệ là có múa minh họa. Nhu cầu múa
minh họa này đã khiến các nhóm múa, biên đạo múa mọc lên như nấm sau
mưa.
Ngôi nhà chung bị hoen ố
NSND Kim Quy, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, ngao ngán nói:
“Chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng, đến nỗi sự bức xúc của mình bị chai
lì. Quá nhiều chương trình văn nghệ chuyên nghiệp tại các sân khấu cho
đến các chương trình trên sóng truyền hình đều cho thấy sự cẩu thả trong
biên đạo múa đã khiến cho nghề này bị xem nhẹ.
Hiện nay, tình trạng múa loạn xạ vì tiền là rất phổ biến. Chúng tôi
đã lên tiếng với tinh thần đầy thiện chí để các nhà tổ chức biểu diễn
quan tâm đến việc “chọn mặt gửi vàng”, chọn đúng đội ngũ biên đạo múa có
ý thức lao động nghệ thuật, góp phần nâng cao hiệu quả nghệ thuật cho
các chương trình biểu diễn. Thế nhưng, nạn bè phái, phe nhóm, rồi cả
những vấn đề tiêu cực diễn ra sau tấm màn nhung đã khiến ngành múa không
thể định hướng đúng.
Cảnh
trong vở cải lương Cội nguồn - Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang với
những tiết mục múa đặc sắc do biên đạo múa Lê Trung Thảo dàn dựng
Mặt khác, sự không chuyên của một số biên đạo múa, các vũ đoàn, vũ
công không được đào tạo bài bản nhưng tham gia biểu diễn ngày càng nhiều
đã góp phần làm cho bức tranh múa có phần bát nháo. Tôi rất sợ sự chai
lì trong sáng tạo ở lớp trẻ, càng sợ hơn khi những bức xúc được nêu lên
nhưng chẳng có ai nghe, chẳng có sự điều chỉnh”.
Cùng tâm trạng với NSND Kim Quy, NSƯT Đặng Hùng - Giám đốc Nhà hát
Ca múa nhạc Bông Sen, TP HCM - nói: “Tôi cũng bị chai lì cảm xúc khi
nhìn mặt bằng biểu diễn của nghệ thuật múa tại TP HCM với nhiều nhóm múa
không chuyên nghiệp cứ thi nhau biểu diễn đã kéo thấp thị hiếu thẩm mỹ
của khán giả bởi những động tác múa đơn điệu, không chuyển tải được nội
dung, tính tư tưởng.
Thậm chí, trong cách thể hiện có sự dung tục. Theo tôi, khâu phúc
khảo các chương trình văn nghệ trên các màn ảnh nhỏ, các đài truyền hình
phải siết chặt việc múa minh họa. Rất nhiều tiết mục khi chạy tổng
duyệt thì ăn mặc nghiêm túc nhưng khi lên sóng thì không chấp nhận được.
Thế mà người nắm giữ trọng trách lại cho qua, ngành múa sống trong ngôi
nhà chung bị hoen ố”.
Cải lương cũng bị múa… áp đảo
Hầu hết ý kiến của các nhà chuyên môn đều lên án việc sân khấu cải
lương gần đây bị múa minh họa áp đảo. NSND Phạm Anh Phương - Giám đốc
Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Trưởng Ban Sáng tác Hội Nghệ sĩ múa Việt
Nam - nói: “Làm mới bài vọng cổ hoặc cố đưa tiết tấu mới vào các chương
trình biểu diễn cổ nhạc là một việc làm cần thiết nhưng lạm phát múa để
minh họa cho nội dung của bài ca cổ thì hỏng”.
Nghệ sĩ Tạ Thùy Chi tâm sự: “Chúng tôi đã nhiều lần nêu lên tâm tư
của mình khi thấy bị đánh đồng với những biên đạo múa tự phát. Có thể họ
vì cuộc sống mà nhận bừa các sô diễn, khiến cho bộ mặt của nghệ thuật
múa lem luốc nhưng nếu có ý thức về nghề, họ sẽ nhận thấy chất lượng
nghệ thuật của mỗi tác phẩm múa rất cần cá tính độc lập của ngôn ngữ. Nó
khác với việc biểu diễn ca khúc, trích đoạn cải lương vì mỗi động tác,
mỗi hình tượng đều có ngôn ngữ riêng”.
Nghệ sĩ Lê Trung Thảo (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) tâm sự: “Tôi
rất buồn khi múa của sàn diễn cải lương ngày càng bị đánh giá là không
chuyên”. NSƯT - đạo diễn Hoa Hạ nói: “Nhiều biên đạo múa nghĩ nghề dàn
dựng múa rất đơn giản, chỉ cần quy tụ diễn viên lại, quơ tay, vung chân
theo nhạc, vận đồng phục thật đẹp vào là được. Chính vì thế nên có quá
nhiều vũ đoàn, biên đạo múa không chuyên nghiệp đang hành nghề chuyên
nghiệp trên các sân khấu.
2/3 chưa qua đào tạo
TP HCM có hơn 50 nhóm múa (thường gọi vũ đoàn) đang
hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp, chưa kể rất đông nhóm múa hoạt động
trong các nhà hàng tổ chức tiệc cưới. Chỉ tính riêng sân khấu chuyên
nghiệp, hằng đêm có đến 1.000 diễn viên múa tham gia biểu diễn. Thế
nhưng, qua khảo sát của Hội Nghệ sĩ múa TP HCM, theo NSND Kim Quy, 2/3
trong số đó chưa được đào tạo, chưa qua trường lớp. Bà nhận xét: “Gọi
múa “rừng” là đúng vì khi chúng tôi xem phúc khảo các chương trình biểu
diễn trong đó có múa nhưng các tiết mục múa được dàn dựng cẩu thả, không
thể chấp nhận”.
NSND Kim Quy nói thêm: “Tiêu chí làm nghề của ngành
múa rất khắc nghiệt; diễn viên múa, biên đạo múa phải công phu khổ luyện
mới có được thành quả. Tại sao các nhà tổ chức lại chấp nhận vô số
những vũ công, biên đạo không được đào tạo chuyên nghiệp tham gia biểu
diễn các chương trình lớn, phát sóng trực tiếp cho hàng triệu người xem?
Chính sự thỏa hiệp vì lợi nhuận, chi phí đầu tư thấp đã khiến cho ngành
múa bị mất điểm trong mắt công chúng hôm nay”.
Theo Thanh Hiệp
Báo Người lao động