Kiềng ba chân Hàn - Nhật - Mỹ trong thu hút FDI 12/16/2015 2:05:54 PM
Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đang trở thành những nhà đầu tư hàng đầu, thậm chí là nhà đầu tư chiến lược của Việt Nam. Ba nhà đầu tư này sẽ tạo thành thế “kiềng ba chân”, góp phần quan trọng thúc đẩy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam thời gian tới.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Các kết quả nghiên cứu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam cho thấy, Hàn - Nhật - Mỹ sẽ tiếp tục tạo “thế chân kiềng” trong thu hút FDI của Việt Nam.

Không phải là tất cả, nhưng cùng với các đối tác hàng đầu khác, như Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia…, cả ba nhà đầu tư này sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy cả chất và lượng của dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Không chỉ Cục Đầu tư nước ngoài, mà các chuyên gia trong lĩnh vực này đều có chung quan điểm rằng, vốn FDI từ Hàn - Nhật - Mỹ sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong thời gian tới. Vấn đề không chỉ nằm ở những lợi thế vốn có của Việt Nam, mà còn là những cơ hội rộng lớn được mở ra sau khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc được thông qua, cũng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể được ký kết trong năm tới.

Việc Việt Nam đã và sẽ tham gia một loạt FTA khác, cũng như tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cũng được cho là sẽ tạo cú hích để Việt Nam thu hút đầu tư từ các quốc gia này.

Điểm chung của cả ba nhà đầu tư Hàn - Nhật - Mỹ khi đầu tư ra nước ngoài là tìm kiếm thị trường. Với các nhà đầu tư này, Việt Nam không chỉ có một thị trường nội địa nhiều tiềm năng, mà còn đang có cơ hội mở rộng thông qua các FTA.

Hàn Quốc - chân kiềng khỏe nhất

Đương nhiên, đối tác hàng đầu vẫn sẽ là Hàn Quốc. Trong 11 tháng năm 2015, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trên 6,39 tỷ USD, nâng tổng vốn FDI từ quốc gia này vào Việt Nam lên trên 44 tỷ USD, đứng vững ở vị trí nhà đầu tư số 1 vào Việt Nam, kể cả trong năm nay hay tính lũy kế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, trong câu chuyện với các nhà đầu tư Hàn Quốc, đã luôn đánh giá cao dòng vốn FDI từ quốc gia này, không chỉ vì số lượng, mà còn vì chất lượng.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, hầu như tất cả các công ty lớn của Hàn Quốc có trong danh sách FORTUNE 500 đều đã có dự án đầu tư hoặc hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, như

Samsung, LG, GS, POSCO, Hyundai, KEPCO, SK... Và những đóng góp cho kinh tế - xã hội Việt Nam của các nhà đầu tư này là điều không phải bàn cãi.

“Chính phủ Hàn Quốc luôn khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam, coi Việt Nam là một địa bàn đầu tư chiến lược”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.

Với dự báo, vốn FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, không phải chỉ từ các cơ hội do FTA, mà còn vì xu hướng nhà đầu tư Hàn Quốc rút đầu tư khỏi Trung Quốc, Nhật Bản, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, các lĩnh vực công nghiệp điện tử, phân phối, bán lẻ, bất động sản, năng lượng, dệt may sẽ nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc, như Samsung, LG, Lotte, Shinseghe, E Mart, Shinha, Woori...

Tuy nhiên, cảnh báo cũng đã được đưa ra. Đó là, mặc dù việc Hàn Quốc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam là đáng mừng, song cũng cần có sự cân đối, đa dạng hóa. Cảnh báo này xuất phát từ nỗi lo phụ thuộc vào Hàn Quốc, khi FDI của các đối tác truyền thống như Nhật Bản, Singapore, Đài Loan... suy giảm; thu hút FDI từ các nước G7... chưa có tín hiệu tích cực.

Mỹ - sức mạnh tiềm ẩn

Mỹ đã luôn nhận được sự kỳ vọng rất lớn từ phía Việt Nam. Lâu nay, rất nhiều tuyên bố về việc Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn vào con số 226 triệu USD mà doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam trong 11 tháng qua, hay con số lũy kế trên 11,2 tỷ USD, thì dù Mỹ vẫn xếp trong top 10 nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, song còn khoảng cách rất xa để vươn lên vị trí số 1.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, lý do khiến vốn FDI từ Mỹ vào Việt Nam còn hạn chế một phần xuất phát từ các yếu tố liên quan tới minh bạch và tham nhũng. Có tới 69% số doanh nghiệp Mỹ được hỏi đã trả lời rằng, tham nhũng là một trong những vấn đề lớn nhất tại Việt Nam.

Ngoài ra, sự hợp tác Chính phủ - doanh nghiệp vẫn còn rời rạc trong nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tăng khả năng cạnh tranh và khả năng thích ứng với môi trường WTO cho cả doanh nghiệp nhà nước lẫn các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng là một trong những nguyên nhân nổi cộm.

Hạn chế về kết cấu hạ tầng, thiếu nhân lực công nghệ cao cũng khiến đầu tư của Mỹ vào Việt Nam không như kỳ vọng.

Bên cạnh đó, chi phí gia tăng trong 5 năm qua, bao gồm chi phí lao động, thuê văn phòng, nhà ở… cũng chưa làm hài lòng nhiều nhà đầu tư.

Tuy nhiên, tương lai là xán lạn khi nhiều nhận định cho rằng, FDI của Mỹ vào Việt Nam có khả năng tăng lên nhanh chóng trong giai đoạn tới. Lý do là, giống như các công ty của châu Âu, Hàn Quốc hay Nhật Bản, mục tiêu lớn nhất của các công ty xuyên quốc gia của Mỹ khi đầu tư ra nước ngoài hiện nay là tìm kiếm thị trường, mà Việt Nam hội đủ các yếu tố để trở thành một thị trường hấp dẫn.

Bên cạnh đó, sự hấp dẫn của Việt Nam còn đến từ chi phí lao động thấp. Hiện tại, chi phí nhân công tăng vọt tại Trung Quốc đang khiến nhiều hãng sản xuất đa quốc gia của Mỹ hướng sự chú ý vào những nơi rẻ hơn, trong đó có Việt Nam.

Thực tế, ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ đã tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Điển hình là Microsoft, từ cuối năm 2014, doanh nghiệp này đã chuyển các nhà máy sản xuất smartphone từ Trung Quốc sang Việt Nam, biến Việt Nam thành một trọng điểm trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Tập đoàn.

“Các tập đoàn Mỹ đã coi Việt Nam như một thị trường chiến lược vì những lợi ích lâu dài, chứ không chỉ vì những lợi ích trước mắt”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định và cho biết, ngoài Microsoft, một loạt tập đoàn khác cũng đang dịch chuyển trọng tâm sản xuất đến Việt Nam, như Intel, Jabil, Microchip…

Rõ ràng, TPP đang mang lại sức hấp dẫn vô cùng lớn cho Việt Nam. Kể từ khi Việt Nam đàm phán gia nhập TPP, số lượng công ty Mỹ đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư ngày càng nhiều. Nếu như năm 2013, chỉ có 22 doanh nghiệp Mỹ tìm hiểu môi trường kinh doanh, thì trong 6 tháng đầu năm 2014, đã có đến 3 đoàn doanh nghiệp với số lượng lớn (gồm nhiều tập đoàn danh tiếng của Mỹ như Boeing, Apple, AIG, Exxon Mobil...) tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

“Sự quan tâm này sẽ càng lớn hơn khi Việt Nam tham gia TPP. Đây là điều kiện thuận lợi để các công ty Mỹ gia tăng đầu tư, trong đó có việc không ngừng mở rộng quy mô, tăng năng lực sản xuất, tìm kiếm lợi nhuận”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định và cho rằng, TPP sẽ khiến Việt Nam trở nên khác biệt so với các thị trường đầu tư khác trong khu vực.

Theo dự báo của Cục Đầu tư nước ngoài, Việt Nam cũng có thể là sự lựa chọn ưu tiên của các công ty Mỹ có trụ sở tại Hồng Kông trong việc dịch chuyển đầu tư ra ngoài Trung Quốc.

Nhật Bản - trụ đỡ chắc chắn

Có một điều không thể phủ nhận là, vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam đang chậm lại. 11 tháng qua, các nhà đầu tư Nhật Bản chỉ đầu tư vào Việt Nam trên 1,723 tỷ USD, nâng tổng vốn FDI Nhật Bản lũy kế tại Việt Nam lên xấp xỉ 39,5 tỷ USD. Dù vượt xa nhiều nhà đầu tư khác, nhưng Nhật Bản đã thua khá xa nhà đầu tư số 1 là Hàn Quốc.

Lý do chững lại là từ năm 2013, hầu hết vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đến từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản, nên ít có dự án quy mô lớn. Thậm chí, theo Cục Đầu tư nước ngoài, đây sẽ là nguyên nhân khiến tổng vốn FDI cấp mới từ Nhật Bản vào Việt Nam có thể giảm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về lâu dài, vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên.

Nghiên cứu của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), một trong những nguyên nhân khiến FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam chững lại trong thời gian qua là do nhu cầu lớn về tái thiết đất nước sau thảm họa động đất, sóng thần, Nhật Bản đã kêu gọi các doanh nghiệp Nhật đẩy mạnh đầu tư kinh doanh ở trong nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết việc làm.

Chính sách nới lỏng tiền tệ, giảm giá đồng yên của Nhật Bản cũng đã khiến chi phí đầu tư ra nước ngoài đắt hơn và khiến nhà đầu tư Nhật Bản có tâm lý chờ đợi tỷ giá cải thiện.

Ngoài các yếu tố cản trở từ nội tại môi trường đầu tư của Việt Nam, như chính sách thiếu đồng bộ, thủ tục hành chính còn quan liêu, chi phí thuế cao, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển..., thì việc kinh tế Việt Nam từ năm 2012 đến nay vẫn chưa trở lại mức tăng trưởng tốt như các năm trước cũng khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có tâm lý chờ đợi, chưa quyết định đầu tư mở rộng.

Mặc dù vậy, đó chỉ là những khó khăn mang tính thời điểm. “Tiềm năng thu hút vốn đầu tư FDI từ Nhật Bản có nhiều yếu tố thuận lợi từ cả phía Nhật Bản và Việt Nam”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định và cho rằng, Nhật Bản hiện có 4,7 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 99,7% tổng số doanh nghiệp tại Nhật Bản, có công nghệ, kỹ thuật hiện đại và đang có xu hướng đầu tư ra nước ngoài, trong khi Việt Nam đang có nhu cầu phát triển công nghiệp hỗ trợ và thu hút đầu tư của các doanh nghiệp này.

Thậm chí, ở tầm nhìn dài hạn, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, Chiến lược công nghiệp hóa - hiện đại hóa đến năm 2020 tầm nhìn 2030 mà hai quốc gia đang hợp tác, với 6 trọng tâm hợp tác, sẽ mang lại những cơ hội lớn cho dòng vốn FDI từ Nhật Bản. Sự hợp tác từ chính sách sẽ mang tới một “trụ đỡ chắc chắn” cho dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam.




Theo Baodautu.vn

Hiện tại chưa có phản hồi nào
Hiển thị 0 trong Hiện tại chưa có phản hồi nào phản hồi  
Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 134
   Truy cập trong ngày : 2834
   Tổng số truy cập : 29133518
Logo thương hiệu Việt