Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) năm 2014 cho thấy, sự ra đời của AEC sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam thêm 14,5% và tăng trưởng việc làm thêm 10% vào năm 2025.
AEC cho phép lao động có tay nghề cao, dịch vụ, đầu tư và hàng hóa của 10 quốc gia thành viên khu vực ASEAN được di chuyển tự do trong khu vực. Ở góc độ nào đó, DN Việt sẽ có lợi khi đầu tư ra nước ngoài, ngược lại, một số ngành trong nước cũng có được nhân sự ưng ý.
Chia sẻ bên lề đại hội cổ đông năm 2015 của Công ty CP Xây dựng Cotec - Coteccons (HOSE: CTD), ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cho biết, trước đây, DN cũng mở rộng thị trường sang Campuchia, triển khai xây dựng một số công trình nhưng sau đó, việc đưa nhân công từ Việt Nam không dễ về thủ tục nên hiện nay, chỉ đặt văn phòng đại diện thương mại ở nước ngoài (Trung Quốc) để tìm kiếm các nhà đầu tư muốn mở nhà xưởng tại Việt Nam.
Không chỉ Coteccons, một DN xây dựng có thế mạnh với các công trình "siêu cao tầng" là Công ty CP Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) cũng đang từng bước đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HBC, thị trường nước ngoài, đặc biệt là trong khu vực ASEAN có nhiều tiềm năng để các nhà thầu Việt Nam khai thác nhưng cái khó là vấn đề thủ tục đưa lao động Việt Nam sang làm việc, cả kỹ sư lẫn công nhân đều không đơn giản.
Năm 2011, HBC chính thức "mang chuông đi đánh xứ người" tại Malaysia và hiện nay là Myanmar. Hiện, nhân sự của HBC ở cả hai thị trường này khoảng 40 người, trước mắt là kỹ sư vì HBC chủ yếu giữ vai trò quản lý dự án và mục tiêu là sẽ đi từ "việc nhẹ mới đến việc lớn hơn".
Theo ông Hải, mở rộng thị trường ra nước ngoài vừa có lợi cho người lao động, vừa có lợi cho DN cũng như cho lợi ích quốc gia.
Báo cáo của ILO và ADB cũng đưa ra dự báo về sự tăng trưởng việc làm mạnh mẽ trong các lĩnh vực như giao thông, vận tải, dệt may, chế biến thực phẩm và tất nhiên không thể thiếu mảng xây dựng.
Từ thực tế của HBC cho thấy, nhiều nhân sự ra nước ngoài làm việc đã góp nhặt được không ít kinh nghiệm và cả về mặt tài chính cho bản thân.
Theo đó, tích lũy một năm làm việc ở nước ngoài bằng 10 năm họ làm trong nước. Vì, một kỹ sư xây dựng trong nước lương từ 10 - 15 triệu đồng/tháng nhưng "xuất ngoại" thì lương 30 - 40 triệu là bình thường, chi phí ít vì ăn ở có công ty lo, mỗi tháng ít nhất họ cũng tích lũy được hơn 20 triệu đồng.
Đương nhiên, cái mà họ hy sinh là phải xa gia đình và vất vả hơn. Song, lợi ích quan trọng hơn nữa là qua vài ba năm làm việc bên ngoài, trình độ của lao động Việt Nam sẽ được cải thiện, trước hết là ngoại ngữ, trình độ quản lý được nâng lên theo đẳng cấp quốc tế, họ trở thành chuyên gia, công dân quốc tế, đi đâu cũng có thể sống và làm việc tốt.
Theo ông Hải, trong ngành xây dựng, DN Việt Nam có nhiều lợi thế vì lương kỹ sư cạnh tranh hơn, sản phẩm xây dựng cũng dồi dào, vật liệu xây dựng phong phú,... nên trước nhất là trong khu vực ASEAN, khả năng để DN xây dựng Việt tiến tới làm tổng thầu các công trình lớn có tính khả thi cao vì trình độ nhà thầu xây dựng nhiều nơi trong khu vực vẫn còn thấp hơn nhà thầu Việt Nam.
Hơn nữa, khi AEC hình thành, việc luân chuyển lao động sẽ tương đối dễ dàng.
Trong làn sóng dịch chuyển lao động có trình độ khi AEC hình thành, không chỉ DN lớn mà những DN có quy mô vừa, những DN khởi nghiệp cũng nhìn nhận, đây là cơ hội cho họ nhưng cũng là thử thách nếu DN không có chính sách lương, thưởng hợp lý, nhân sự sẽ "dịch chuyển" đến những nơi có chính sách tốt hơn.
Đặng Hoàng Minh - Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hànhFoody.vn (trang thông tin về các địa điểm ăn uống) nhìn nhận, AEC hình thành sẽ có tác động đến các công ty startup.
"Thị trường tuyển dụng và lao động sẽ thoáng hơn, chúng tôi cũng dễ dàng tuyển được nhân sự giỏi vì ở một số nước trong khu vực, cộng đồng startup của họ hình thành sớm hơn Việt Nam. Ngược lại, nếu lao động nước ngoài vào Việt Nam sẽ giúp chất lượng lao động trong nước được nâng lên vì ta buộc phải cải thiện để cạnh tranh. Cộng đồng startup Việt cũng sẽ sôi động hơn và cạnh tranh tăng lên vì có thể những ý tưởng, dự án khởi nghiệp từ các nước láng giềng sẽ vào khai thác thị trường Việt Nam. Nhưng như thế cũng tốt vì đôi khi đứng một mình, bạn không biết mình đang ở đâu", đại diện Foody.vn chia sẻ. Hiện, Foody.vn đang mở rộng đầu tư sang Indonesia và sử dụng hơn 20 lao động địa phương.
Bên cạnh các ngành về công nghệ, xây dựng, giám đốc điều hành một khu nghỉ dưỡng ở Mũi Né (Bình Thuận) cũng cho rằng, nhân sự quản lý trong ngành công nghiệp mến khách (hospitality) cũng sẽ có những thay đổi đáng kể.
Tại sao? Hạn chế lớn nhất, được xem là điểm nghẽn đối với ngành du lịch Việt Nam, bên cạnh hạ tầng kết nối là vấn đề chất lượng nguồn nhân lực.
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, số lao động có trình độ sau đại học chỉ chiếm 7,4% số lao động có chuyên môn về du lịch, trong khi lao động được đào tạo từ các khóa ngắn hạn chiếm đến 45,3%.
Hơn nữa, xét về trình độ ngoại ngữ, hiện có khoảng 60% nhân sự trong ngành du lịch biết sử dụng một số ngoại ngữ, trong đó 42% là tiếng Anh, 5% tiếng Trung, tiếp theo là Pháp (4%) và các tiếng khác 9%.
Đây sẽ là cơ hội cho lao động từ các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines vốn có thế mạnh về ngoại ngữ và kinh nghiệm trong ngành du lịch.
Theo Nguyên Bảo - Quý Yên/Doanh nhân Sài Gòn