Hiệp định TPP: Ưu ái “con nuôi” hơn “con đẻ”? 11/2/2016 10:36:07 AM
Hiệp định TPP- EVFTA là những Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới có tác động tích cực tới việc thúc đẩy cải cách thể chế và pháp luật Việt Nam. Nhưng liệu những cam kết, nguyên tắc trong TPP có đang ưu ái cho các nhà đầu tư TPP hơn so với nhà đầu tư trong nước? Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) hiện chưa có hiệu lực và có độ trễ thi hành. Tuy nhiên, việc xem xét yêu cầu của các cam kết trong Hiệp định vừa là yêu cầu của việc thực thi Hiệp định, vừa là yêu cầu tự thân của việc hoàn thiện pháp luật.

hoithao4
Quang cảnh Hội thảo “Rà soát pháp luật VN với các cam kết TPP về đầu tư” do Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) tổ chức

Rà soát sửa luật đầu tư

Tại Hội thảo “Rà soát pháp luật VN với các cam kết TPP về đầu tư: Kết quả rà soát và đề xuất hoàn thiện pháp luật từ góc độ lợi ích doanh nghiệp”, diễn ra sáng nay (27/10/2016) tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thu Trang- Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI, đại diện nhóm rà soát cho biết, rà soát pháp luật Việt Nam (PLVN) với các cam kết TPP về đầu tư là rà soát thứ 6 trong chuỗi 9 rà soát về pháp luật VN với các hiệp định tự do thương mại.

“TPP là những vấn đề đằng sau biên giới, mà đầu tư là lĩnh vực thể chế chịu tác động mạnh của các Hiệp định thương mại tự do mới. Tất cả những nội dung trong TPP đều liên quan đến lĩnh vực đầu tư, là khía cạnh được đánh giá sẽ ảnh hưởng lớn tới hiệu quả thu hút đầu tư. Do đó, chúng tôi tiến hành rà soát trong lĩnh vực đầu tư đằng sau đường biên giới”. – bà Trang cho biết.

Cũng theo Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI, việc rà soát PLVN về lĩnh vực đầu tư đặc biệt bởi đầu tư là nhân tố quan trọng thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh. Đặc biệt, chúng ta phải cải cách môi trường đầu tư để thu hút chính các nhà đầu ta trong nước trước khi muốn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Qua việc so sánh chi tiết từng nghĩa vụ, cam kết trong Hiệp định với PLVN sẽ đánh giá yêu cầu của TPP, đặt trong so sánh với EVFTA và với nhu cầu tự thân của Việt Nam, để kiến nghị, đề xuất sửa đổi hay không sửa đổi PLVN thực thi TPP từ góc độ quan điểm và lợi ích của DN.

Đại diện nhóm rà soát cũng nêu ra các nhóm cam kết về phần đầu tư và phần về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư TPP. Trong phần về đầu tư có 4 nhóm nguyên tắc về mở cửa thị trường, xóa bỏ rào cản đầu tư và 4 nhóm nguyên tắc bảo vệ tài sản và quyền tự chủ của nhà đầu tư TPP.

Theo bà Đinh Ánh Tuyết – Trưởng văn phòng luật sư IDVN, chuẩn đối xử TPP này cao hơn mọi quy định hợp đồng, nó không thể thay đổi khi các nước đã ký cam kết.

Việc rà soát này ít nhiều cảnh báo cho nhà nước rằng, dường như có sự khác biệt giữa Nhà nước cần cân nhắc khi việc thực thi pháp luật trong nước, rất có thể lại đang vi phạm hiệp định quốc tế. “Vậy Nhà nước có muốn điều chỉnh cho tương thích? Đấy là cách tiếp cận vấn đề đối với các cơ quan Nhà nước, địa phương. Bởi qua quá trình tiếp cận, tôi nhận ra một số cơ qua nhà nước, địa phương mà không trực tiếp tham gia đàm phán hiệp định còn thiếu nắm bắt quy định của hiệp ước cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ thực thi của chính cơ quan, địa phương mình dẫn tới hành xử không đúng với quy định của quy định quốc tế”. – bà Tuyến nói.

Còn theo bà Trang, TPP được tiến hành theo phương pháp chọn- bỏ, nên TPP có nội dung ngắn hơn EVFTA, nhưng mức độ cam kết thực tế lại rộng hơn nhiều, bởi trừ những điều khoản không cho phép thì còn lại tất cả là được.Đặc biệt, trong đó có nguyên tắc chuẩn đối xử tối thiểu trong TPP nêu rõ, yêu cầu Nhà nước không được đối xử với các nhà đầu tư TPP kém hơn các nhà đầu tư trong nước. “Nội dung này được cho là sẽ dể xảy ra sự ưu ái hơn đối với nhà đầu tư TPP?” – bà Trang nói.

hoithao5

Ban chủ tọa Hội thảo

Ưu ái “con nuôi” hơn “con đẻ”?

Trả lời báo DĐDN về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, liên quan đến nguyên tắc đối xử quốc gia, chúng ta có lưu ý có những ngoại lệ nhất định. Trước tiên là biện pháp VN bảo lưu một số lĩnh vực, dịch vụ có bảo lưu thì có thể phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư VN với nhà đầu tư nước ngoài. Và những bảo lưu ngoại lệ này phải được nhắc đến trong cam kết rồi, đặc biệt liên quan đến mở cửa thị trường. Ngoài ra, còn có những ngoại lệ chung liên quan đến các nước, ví dụ như mua sắm công sẽ được phân biệt đối xử khi cần thiết. “Đặc biệt, nguyên tắc về đối xử quốc gia trong TPP yêu cầu không được đối xử với các nhà đầu tư TPP kém hơn các nhà đầu tư trong nước. Vậy, liệu trong tương lai, có thể ở một nơi nào đó vì sự thu hút đầu tư TPP, sẽ có sự đối xử ưu ái hơn đối với nhà đầu tư TPP so với nhà đầu tư trong nước”. – bà Trang chia sẻ

Do đó, theo bà Trang: “Đây là vấn đề được đặt ra cho chính quyền. Liệu chúng ta có nên cải cách hệ thống pháp luật, thông lệ, quy định…đối với nhà đầu tư trong nước lên mức mà nhà đầu tư TPP được hưởng hay không?Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư trong TPP, cũng giới hạn về cam kết chỉ dành cho các nhà đầu tư TPP. Do đó, với các nhà đầu tư trong nước tác động mạnh khi có hợp tác với các nhà đầu tư TPP. Cần biết về những thuận lợi, lợi ích mà đối tác với những nhà đầu tư TPP sẽ được hưởng”.

Cũng theo bà Trang, với các nhà đầu tư “thuần” nội địa, chúng ta cần lưu ý tới vấn đề này, để có thể cùng lên tiếng kiến nghị Nhà nước lưu ý sửa đổi luật giúp những nhà đầu tư trong nước có được những ưu đãi, quyền lợi tương tự như các bạn đầu tư TPP được hưởng.


Lo ngại vi phạm trong tương lai

Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI cho biết, qua quá trình rà soát, nhìn về góc độ pháp luật, về cơ bản đã tương thích, một số điểm nhỏ chưa được tương thích thì trên mặt nguyên tắc có thể sửa và chỉ sửa cho các nhà đầu tư TPP. Với trường hợp sửa luật, sẽ có hai phương án sửa đổi áp dụng trực tiếp hoặc xây dưng một văn bản riêng chỉ áp dụng cho nhà đầu tư TPP với những trường hợp đặc thù trong chuyển tiền của nhà đầu tư.

Ngoài ra, chúng ta cũng nên xem xét có nên sửa luật chung để nhà đầu tư TPP và cả nhà đầu tư trong nước cùng hưởng ưu đãi giống nhau với những cam kết liên quan đến bồi thường tước quyền sở hữu, xung đột vũ trang, yêu cầu hoạt động… “Chúng tôi đang xem xét để kiến nghị sửa đổi. Tuy nhiên vấn đề đặt ra, có những trường hợp chúng ta khó có thể biết được có đảm bảo tuân thủ tương thích trong tương lai, quá trình thực thi có đảm bảo không vi phạm trong tương lai hay không. Do đó, cần phải tính đến làm sao để xây dựng một cơ chế để không vi phạm trong tương lai”. – bà Trang nói.

Có cùng quan điểm lo ngại về việc thực thi, ông Phạm Mạnh Dũng – Luật sư đại diện Cty LCT, Nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cần đặc biệt chú ý việc rà soát chính sách tại địa phương và thực thi tại địa phương. Bởi hiện nay việc rà soát mới chỉ tiến hành được trên hệ thống văn bản pháp luật. Mà thực tế trước giờ, khi thực thi các quy định, các cơ quan Nhà nước vẫn còn tạo ra “rào cản” cho nhà đầu tư, vậy tại sao quy định quốc tế đã có mà vẫn còn tình trạng này? – ông Dũng đặt câu hỏi.

Đại diện Hiệp hội cơ khí kiến nghị cần chú ý vào các đối tượng tiếp nhận lợi thế từ TPP. “Chúng ta kỳ vọng hiệp định được áp dụng sẽ mang lại nhiều thuận lợi, tuy nhiên…làm thế nào để đến khi nhà nước và các nước ký TPP mà các đối tượng hiểu được tinh thần TPP. Mà đối tượng thực hiện đầu tiên phải là cơ quan chính quyền Nhà nước. Muốn nâng cao dân trí phải nâng cao “quan trí”. TPP muốn thực hiện được thì các cơ quan Nhà nước phải đi đầu” – vị này nhấn mạnh.

Đối tượng tiếp theo là DN, các DN cần phải nắm được lợi ích của TPP. Và đặc biệt các hiệp hội ngành hàng, cần có bộ luật hội và hiệp hội, phải có tiếng nói đại diện đóng góp cho sự phát triển của DN trong TPP.  Bên cạnh đó, việc bảo vệ quyền lợi của người lao động cũng cần nắm rõ, người lao động được hưởng gì khi các nhà đầu tư TPP vào đầu tư hoạt động? Phải có bổ sung luật lao động như thế nào? – đại diện Hiệp hội cơ khí đặt câu hỏi.



Theo Thy Hằng(Báo DĐ DN)




Hiện tại chưa có phản hồi nào
Hiển thị 0 trong Hiện tại chưa có phản hồi nào phản hồi  
Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 179
   Truy cập trong ngày : 1025
   Tổng số truy cập : 28083496
Logo thương hiệu Việt