Duyên nghiệp doanh nhân! 5/8/2012 3:44:08 PM
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam (DNVN) giờ đây vô cùng hùng hậu, tỏ rõ vai trò, vị trí của những người đi đầu trong xây dựng kinh tế đất nước. Trong con mắt của cộng đồng một thời nhìn các doanh nhân như kẻ ăn trên ngồi trốc, kiếm lãi lờ trên lưng người lao động. Giờ thì đã khác, những doanh nhân hôm nay đang được cả cộng đồng vị nể, tôn vinh!



1 Tôn vinh! Bởi họ biết làm giàu cho chính họ. Bởi họ biết làm giàu cho đất nước. Bởi họ biết vì cộng đồng, sống với cộng đồng, chia sẻ với cộng đồng. Họ ở nhà đẹp, đi xe hơi đẹp, ăn vận đẹp. Sự giàu sang của họ rất xứng đáng khi sự giàu sang ấy được làm nên từ trí tuệ, bàn tay, bằng cả sự bươn trải thương trường. Mồ hôi, nước mắt, cả sự quăng lên, quật xuống mới có được hai tiếng giàu sang! Doanh nhân là giàu sang, là quý phái, là sang và trọng. Sự sang giàu của họ được đất nước ghi nhận, được xã hội ngưỡng mộ, khát khao. Không chỉ ở họ biết kiếm tiền bằng tài năng mà còn ở cái tâm trong sáng theo đúng nghĩa của nó. Đó là kiếm tiền sạch trong cách kinh doanh sạch!

Doanh nhân! Bao người ước, bao bạn trẻ mơ để có thể “đính” trên người mình hai tiếng ấy. Nhưng ước với mơ một lẽ. Có được hay không, với tay được hay không lại là những câu chuyện dài không chỉ ngọt ngào, mà nhiều khi cả đắng cay khôn tả. Con đường đi tới là một doanh nhân quả cũng lắm nẻo. Mới hiểu, chả có thảm nào trải cho doanh nhân, mà doanh nhân phải tự trải thảm cho chính mình! Nhiều người bảo là cơ may, là duyên đời, duyên trời mà nên nghiệp. Vâng, phải có cơ may và cái duyên mở doanh nghiệp mới thành được doanh nhân. Nói thế cũng chả sai. Nhưng chưa đủ, nếu chỉ có cơ may mà không biết chớp lấy. Nếu chỉ gọi là có “cái duyên” mà lại không biết vun đắp cho duyên ngày một thắm hơn thì cũng chả nên được nghiệp. Lợi dụng quá mức cái duyên mà thiếu đi cái tình, cái tâm và chút tài, chỉ nhăm nhăm lãi lờ, lợi nhuận, đội “chữ tiền” lên đầu thì cũng nhiều doanh nhân ngã ngựa ôm về đủ tủi hờn, cay đắng.

 

2 Con đường doanh nhân, mới hay cũng đủ nụ cười, nước mắt. Dư dả ngọt ngào, nhưng cũng chẳng ít truân chuyên. Thừa thãi sự quăng lên quật xuống của cơ chế còn chưa tròn, của cạnh tranh thiếu nhân văn sẵn sàng xéo đạp lên cả đạo lý vẫn còn đủ trớ trêu giữa ngổn ngang lẽ đời. Bà Ba Sương trong câu chuyện vụ án Nông trường sông Hậu là người đàn bà tuyệt vời, đến cả chục nghìn USD tiền thưởng người “phụ nữ châu Á ấn tượng”, bà cũng tặng Qũy vì người nghèo đó. Bà đang bị sợi dây lao lý quàng vào mà dư luận quan tâm. Đến cả Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN phải vào cuộc yêu cầu các cơ quan luật pháp phải huỷ bản án cho bà. Chưa biết câu chuyện hồi kết sẽ đi tới đâu, nhưng con người này giới doanh nhân cả nước phải kính nể. Bố Anh hùng, con Anh hùng, doanh nghiệp Anh hùng đâu dễ tìm. Lo toan tận tuỵ cho cái chung. Quên cả cái riêng tối thiểu nhất cho một con người, có lẽ 87 triệu dân của đất nước này cũng chỉ có thể tìm thấy ở một Ba Sương (!) Không chồng, không con, không nhà cửa. Cả đời miếng ngon không đến miệng. Lo cho nông trường viên nhà cửa, ao vườn ấm no hạnh phúc. Bao người cơ nhỡ lang thang trở thành nông trường viên với cuộc sống đủ đầy. Một Ba Sương mảnh mai mà thân gái dặm trường sang cả châu Phi để tìm đường đưa hạt gạo Việt Nam tới! Một Ba Sương trong bàn chân bươn trải thương trường chỉ cái bánh mỳ, bát bún riêu cua mà cả nước biết tiếng đều nể phục!

Không phải ai ra đời cũng may mắn nắm trong tay bạc tiền của dòng tộc, ông cha để có thể giàu ngay. Đa phần những doanh nhân thành đạt đều đi lên từ nghèo khó, gian nan. Câu chuyện về người con gái đất chè Thái Nguyên - Dương Thị Nhã đang là bà chủ của trang trại Vườn Xoài, Đồng Nai – đúng hơn là Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài với câu chuyện như huyền thoại. Tầm nhìn của bà, cái chí của bà nhiều “đấng mày râu” giàu có trở thành “đại gia” rồi cũng phải ngả mũ nể phục chào thua! Tôi đã chuyện trò với bà ở Vườn Xoài gần chục năm trước. Câu chuyện của sự bươn trải mưu sinh từ khó, từ nghèo để trở thành giàu có cứ như huyền thoại, như một giấc mơ. Bà bảo đến bà cũng không nghĩ mình có thể phong lưu đưa hai đứa con trai sang Anh học, tậu được cả nhà ở Luân Đôn. Nhưng chẳng đâu bằng đất quê hương. Ba tháng ở xứ sương mù chả thiếu thứ gì mà nhớ quê hương đất nước đến héo hon, quay quắt. Thế là bà Nhã quay về xây dựng trang trại Vườn Xoài này. Gần 10 năm trước bà mở trang trại chăn nuôi với 300 – 400 con đà điểu, 2.000 con heo, con nào cũng trên dưới 1 tạ. Rồi cá sấu, rồi vườn thú với cây xanh hoa trái chả thiếu gì. 34 vạn m2 đất với cơ ngơi bề thế của một trang trại kiến tạo “rất Tây”, bà Nhã là người phụ nữ miền Bắc giàu có nhất trời Nam. Vừa rồi mấy anh em Thời báo Doanh nhân ghé Vườn Xoài của bà thấy nhiều khác lạ. Trang trại trở thành khu du lịch sinh thái tuyệt vời. Khách du lịch trong nước, ngoài nước ríu chân nhau ngắm không biết chán khung cảnh mà bàn tay người con gái Thái Nguyên tạo dựng. Bà Nhã đi công chuyện Thái Lan, thành ra không được gặp. Nhưng chúng tôi đã thưởng thức bữa trưa ngay tại Vườn Xoài với đủ gà, cá, rau xanh… của trang trại Vườn Xoài làm ra. Một doanh nhân thành đạt từ trong khó nghèo, trong cả nước mắt đắng cay. Cứ nhớ mãi lần đến Vườn Xoài, trò chuyện với bà chủ. Bà rất kiệm lời. Phải gợi chuyện mãi, bà Nhã mới bộc bạch: Từ Bắc vô Nam, tôi làm mỳ gói đấy. Mua lại dây chuyền của Miliket phá sản. Dân trong này nghiền mỳ gói quá trời nên tôi giàu lên đó. Nhưng càng giàu thì hạnh phúc càng như tuột nhanh khỏi tay. Tiền nhiều không có thời gian đếm nữa. Có thể cả đời tôi, đời con tôi xài bên Anh chẳng hết. Nhưng quê hương có cái gì da diết lạ lắm. Nhớ đến cháy lòng, nhớ đến không thể chịu nổi. Thế là tôi quyết định về nước. Ông giời thương mới cho tôi Vườn Xoài này. Bận chi, năm nào tôi cũng về Bắc thắp hương bên mồ tổ tiên, cha mẹ. Tôi luôn nhủ lòng: Đất quê không bao giờ được bán, nghề cha ông không bao giờ được quên. Đất quê bán, nghề quê quên thì đâu còn là con người nữa, là vứt tất đó. Thế nên năm nào dù bạc tiền chả thiếu, ngồi giữa trời Nam, giữa Sài Gòn, loại trà nào chả có. Nhưng tôi vẫn về quê tự tay hái những búp chè trong vườn nhà, tự tay sao đem vào trong này uống cả năm!

Chất DNVN là thế! Cả khi đã quá giàu sang vẫn hoài niệm nhớ về thuở hàn vi. Thương biết mấy người nghèo. Quý biết bao người còn lận đận khó khăn. Tình đời, tình người phải biết đằm thắm sẻ chia. Bớt đi sự thù hận của cả người chồng phản bội, vẫn dõi mắt trông theo. Vẫn mở hầu bao giúp người tình một thời ấm êm chồng vợ vượt lên trong mưu sinh. Nặng lòng thế, nên hai tiếng doanh nhân với bà chủ Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài như càng thêm đẹp, thêm lóng lánh. Ấy thế mà bà chưa bao giờ nói cùng ai, khoe với ai mình là doanh nhân cả!

 

DNVN bao giờ cũng đồng hành cùng đất nước. Đâu dễ quên câu chuyện ông bà Trịnh Văn Bô hiến cả nghìn cây vàng cho cách mạng ngày phôi thai trứng nước, khi chỉ có vài triệu đồng tiền lẻ trong ngân khố quốc gia. Nói thế, nhìn lại thế mới thấy sứ mệnh và tấm lòng của DNVN trong bước đi từ máu lửa, từ khó nghèo để có được một đất nước Việt Nam rạng ngời hôm nay!

 

3 Đất nước gần 87 triệu dân, có cả mấy chục vạn doanh nghiệp thì cũng bằng ấy doanh nhân. Mỗi người ánh lên một vẻ, mỗi người đều lấp lánh nét riêng làm sao kể hết! Đây bà chủ của Tập đoàn nhà Thảo Loan ở TP HCM nổi danh giàu sang và quý phái. Chỉ huy xây dựng cả loạt chung cư, bao biệt thự sang trọng, quản cả nghìn con người với cả trăm kiến trúc sư, kỹ sư thiết kế thi công đến đâu cũng được vị nể. Có ai ngờ cũng bà chủ Thảo Loan này tuổi thơ lại quá nhọc nhằn. Lang thang bán vé số, bán hột vịt, chạy mối nhà đất với cái tên “cò Loan”. Từ “cò Loan” giờ là Tổng giám đốc Tập đoàn nhà Thảo Loan nổi danh. Mới hay thế gian biến cải. Mới biết nghèo lâu, chứ giàu thì mấy (!) Như Dũng “lò vôi” ai hay gây dựng một Đại Nam thế giới du lịch ở Bình Dương rộng cả mấy trăm ha. Kiến trúc độc đáo, cả một cơ ngơi hoành tráng to đẹp nhất Đông Nam Á, phảng phất chút tâm linh thu cả hồn dân tộc, cả lịch sử 4.000 năm của đất nước về đây. Bỏ nhiều ngàn tỷ đồng vào xây dựng, mới hay một Dũng “lò vôi” là con người quá đầu óc, quá thông minh. Ông là người thành công trong lĩnh vực kinh doanh mà giàu có lên. Tiền bạc làm ra “như núi” không tính cho con cháu mà đem hiến tặng cho đời. Huỳnh Uy Dũng trong một lần trò chuyện với tôi, ông bảo: Tôi viết di chúc rồi.

- Trời, mới sinh đầu năm 60 mà đã di chúc?

- Chớ sao! Viết trước cho lòng nhẹ không còn vướng bận gì.

Công trình Thế giới du lịch Đại Nam là công trình Uy Dũng tặng cho đời, để bà con cô bác cả nước, để Việt kiều, khách nước ngoài đến đây thưởng ngoạn. Các con tôi chỉ có quyền quản lý, không được đổi chác, bán mua! Không được coi đó là của riêng gia bảo…

Mới hay bạc tiền, vàng ngọc châu báu gì cũng chỉ là phù du, là thứ vô tri, vô giác. Con người làm nên cả đó, nhưng khi về cát bụi đâu có đem theo. Cái tiếng thơm để đời sau mãi nhớ. Cái tâm, cái đức để đời sau thờ phụng mới là cái quý hơn hết thảy…

 

4 Bên cạnh biết bao doanh nhân lấp lánh cả tâm, cả tài đời nể trọng thì vẫn cứ chạnh lòng. Chạnh lòng bởi vẫn len lỏi đây đó còn những người mang danh doanh nhân nhưng quá vì tiền mà xéo đạp lên đạo lý, tình người. Chạnh lòng vì còn có những doanh nhân “soi” mãi chả thấy chút gì trong. Toàn thấy ngầu đục vì mẹo mực, mánh lới, ngó ngơ chạy chọt. Nào ai trọng doanh nhân này huyênh hoang khoe giàu có mà lấy cả bạt ngàn đất quê, biến báo đủ trò chờ hốt bạc! Nào ai khen doanh nhân kia khéo luồn cửa nọ, lách cửa kia “nẫng” tay trên của một tổng công ty Nhà nước dự án lớn ở Quảng Nam mà DN đã bỏ ra cả chục tỷ đồng khảo sát, thăm dò, chuẩn bị khởi công. Buồn biết bao còn có doanh nhân cậy thế, ỷ quyền làm giàu bằng mọi giá ép người nghèo đến tận cùng sự khổ. Vẫn còn kia chuyện khóc cười về “đại gia” với mấy ả chân dài, người mẫu này, ca sỹ nọ với bao tai tiếng. Vẫn còn đó kẻ huýnh giàu tiền bạc, khoác áo doanh nhân cao giọng từ thiện với người nghèo tỷ nọ, tỷ kia rồi lặn biệt tăm! Còn có một Dược Viễn Đông đến nực cười bởi khát giàu nhanh chơi xấu với Dược Hà Tây như làm xiếc! Khoác áo doanh nhân mà không xứng một ly nào với doanh nhân thì cũng chỉ là thứ bọt bèo chắc có lúc tự thấy lòng hổ thẹn!

Doanh nhân! “Doanh” trước hay “Nhân” trước. Có nhà xã hội học bảo muốn là một doanh nhân cho đúng nghĩa thì trước hết phải có “nhân”, phải là con người tử tế mới có thể làm ăn tử tế. Trong đục ở đời cũng là lẽ đương nhiên. Có lẽ thế nên khoác áo doanh nhân cũng đủ kiểu doanh nhân chăng? Những doanh nhân mà tôi có may mắn được gặp, được biết, được chuyện trò rất mừng vẫn nhiều, nhiều lắm những hình ảnh đẹp mãi lay động lòng tôi, ấn tượng trong tôi. Những gì ngược lại, làm xấu đi hình ảnh doanh nhân cũng chỉ thấp thoáng đó đây, len lỏi đâu đây trong đội ngũ điệp trùng của doanh nhân đất nước đang làm nên sự giàu có, làm nên cái ngời sáng cho nước non này!

 

Một vùng đất cằn rộng lớn miền tây xứ Thanh giờ thành đất ngọt của mía đường. Hàng vạn hộ nông dân từ nghèo khó trở thành ấm no giàu có từ cây mía nhờ Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn. Có người bảo công lớn ấy của ông Lê Văn Tam. Và ông là một trong những người giàu nhất của Thanh Hóa! Nếu thế thì cũng thật xứng đáng với cái tâm – tài của ông. Bởi cả vạn gia đình nông dân đổi đời thì người dám chia tay với nghiệp quan chức nơi phố phường về với vùng quê, cùng người quê xóa đi nghèo khó giàu có lên thật quý biết bao! Đâu phải như bao “đại gia” giàu có ngút ngát nhờ vơ đất của dân để dân nghèo khó đi, còn các “đại gia” thì giàu lên, rồi vênh váo với đời! Lại chợt nhớ đến ông “Vua lốp” Nguyễn Văn Chẩn thời bao cấp, chỉ vì luật doanh nghiệp chưa tròn mà doanh nhân này nhận về bao thua thiệt oan khiên. Lại cũng chả thể quên bà Giám đốc dệt may xuất khẩu Thái Bình phải chịu cả nỗi đau oan khuất của cách nhìn chưa chuẩn do hình sự hóa kinh tế mà bà Thu phải đi tù oan suốt mấy năm. Ra tù, nữ doanh nhân này đi rửa bát thuê trước cửa một bệnh viện ở Hà Nội, gia đình tan nát. Liệu lời xin lỗi muộn mằn của các cơ quan pháp luật ở Thái Bình có đủ bù lại? Doanh nhân đâu chỉ ngọt ngào, mà còn cả nước mắt của truân chuyên quăng lên quật xuống…

 

 

 

Đỗ Quang Đán
Thoibaodoanhnhan

Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 295
   Truy cập trong ngày : 2446
   Tổng số truy cập : 28073805
Logo thương hiệu Việt