Đối thoại với ngành thuế - hải quan: Doanh nghiệp mong chờ gì? 11/28/2017 11:30:54 AM
Sáng ngày 27/11 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2017.
Hội nghị đối thoại về Thuế và Hải quan với doanh nghiệp năm 2017 đã có hơn 400 doanh nghiệp, hiệp hội tham gia.

Hội nghị đối thoại về Thuế và Hải quan với doanh nghiệp năm 2017 sáng 27/11.

Thuế và hải quan là hai lĩnh vực trọng yếu của đất nước, đồng thời gắn bó chặt chẽ với hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Trong các nỗ lực cải cách chung của cả hệ thống chính trị, các cải cách liên quan đến thuế và hải quan luôn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt, hướng tới tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và phù hợp với các yêu cầu của tiến trình hội nhập.

Theo đó, mặc dù ghi nhận những nỗ lực của ngành thuế, hải quan trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, cải cách về chính sách pháp luật,… Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh còn gặp quy định phiền hà, gây khó khăn và làm tốn kém chi phí sản xuất kinh doanh. Vì vậy, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2017.

Hội nghị nhằm thực hiện “Quy chế đối thoại với người nộp thuế và người khai hải quan” ban hành kèm theo Quyết định số 3597/QĐ-TCT ngày 04/11/2014 của Bộ Tài chính, Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia các năm qua và giai đoạn 2016-2020.

Tại Hội nghị, doanh nghiệp, đơn vị sẽ được thông tin, tuyên truyền về các chính sách và thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực thuế, hải quan, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và tăng cường quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ quan thuế, hải quan.

Hội nghị tập trung vào 2 nội dung chính, thông tin tổng hợp các thay đổi về chính sách, thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực thuế, hải quan. Đồng thời, đối thoại giải đáp các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, góp ý xây dựng các văn bản pháp luật từ phía các doanh nghiệp.

Được biết, để chuẩn bị cho cuộc đối thoại lần này, VCCI đã tiến hành lấy ý kiến khảo sát, tập hợp ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp và chuyển về cho các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan xem xét giải quyết.

Doanh nghiệp còn "gặp khó"

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, ông Đoàn Duy Khương- Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mặc dù ghi nhận những chính sách, pháp luật về thuế đã thay đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số quy định trong chính sách thuế thay đổi nhanh chóng khiến doanh nghiệp gặp khó. Thậm chí, nhiều doanh  nghiệp cho biết có nhiều nghị định, thông tư về thuế vừa ra đã chỉnh sửa bổ sung, văn bản ra lúc  nào doanh nghiệp cũng không biết.

“Điều đó khiến cho nhiều doanh nghiệp nắm bắt không kịp  các thay đổi về thủ tục, chính sách thuế nói riêng và thay đổi pháp luật liên quan đến sản xuất kinh doanh nói chung. Do quy định, hướng dẫn về các loại thuế còn dàn trải ở nhiều thông tư, nghị định của các năm khác nhau, khiến doanh nghiệp lúng túng trong việc áp dụng luật thuế”, ông Khương nói. 

Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế hải quan 2017.

Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế hải quan 2017.

Cũng theo ông Khương thủ tục dành cho các doanh nghiệp nợ thuế, phạt chậm nợ thuế còn rườm ra, phức tạp, làm khó doanh nghiệp.

“Có doanh nghiệp cho biết, phát sinh thuế phải nộp quý 4 nhưng thời hạn cuối nộp rơi vào quý 1 năm sau, nên doanh nghiệp nộp vào quý 1 năm sau (vẫn được xem là nộp đúng hạn và không nợ thuế). Nhưng khi doanh nghiệp cần xác nhận nghĩa vụ nộp thuế thì không xác nhận được hay thủ tục rất rườm rà và không phản ánh đúng tình trạng nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp, vì cán bộ phụ trách nói chỉ xác định căn cứ đến 31/12 của năm đó và xem như khoản nộp vào đầu năm sau là nợ thuế", ông Khương nói.

Chưa kể, mức phạt khoản tiền chậm nộp quá cao khiến doanh nghiệp gặp thêm khó khăn về kinh doanh. Cơ quan thuế nên xem xét, đánh giá tình hình của doanh nghiệp để có thể miễn, giảm khoản mức phạt khoản tiền chậm nộp.

Về quy trình, thủ tục theo quan điểm của ông Khương, ngành thuế đã ứng dụng CNTT để triển khai TTHC tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan thuế theo phản ánh từ nhiều doanh nghiệp cho thấy vẫn còn một số bất cập.

“Khá nhiều doanh nghiệp cho biết phần mềm hỗ trợ kê khai được nâng cấp nhiều lần nhưng vẫn chưa có đầy đủ các biểu mẫu phù hợp cho kê khai, như các báo cáo; đăng ký với cơ quan thuế, biểu mẫu 06/GTGT; 08-MST,… Nộp tờ khai qua mạng nhưng chưa hỗ trợ nộp các giấy tờ công văn khác", ông Khương nói.

Bên cạnh đó, hệ thống nộp báo cáo thuế qua mạng giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp không đồng bộ dẫn đến doanh nghiệp gửi báo cáo qua mạng thành công nhưng cơ quan thuế báo lỗi không nhân được. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý doanh nghiệp gặp khó khăn do không được hỗ trợ về mặt thuế.  

Về quá trình thanh kiểm tra, ông Khương cho hay, các doanh nghiệp mong muốn khâu thanh tra, kiểm tra nên nhanh chóng, gọn nhẹ và đúng mục đích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển hơn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thanh kiểm tra thuế quá chậm, đến khi kiểm tra sau 5 năm thậm chí 10 năm mới kiểm tra thì tính phí nộp chậm/ngày của chi phí không hợp lý, khiến “bị truy thu vừa tiền lãi chậm nộp lên hơn 100 triệu chẳng hạn thì doanh nghiệp chỉ còn nước phá sản.

“Khi thanh kiểm tra thuế cán bộ thuế yêu cầu mẫu biểu 08 (đăng ký tài khoản ngân hàng của khách hàng). Đăng ký tài khoản ngân hàng với cơ quan Thuế là cần thiết phục vụ cho việc quản lý thuế được chặt chẽ nhưng quy định để được khấu trừ thuế GTGT thì bên bán, bên mua đều phải đăng ký tài khoản với ngân hàng là chưa hợp lý vì bên mua không có chức năng và quyền kiểm tra bên bán xem có đăng ký tài khoản với cơ quan thuế chưa. Nếu không có, thì phạt", ông Khương nói.

Cũng theo ông Khương, hiện tại khá nhiều doanh nghiệp lo ngại khả năng tuân thủ chính sách, pháp luật thuế. Theo đó, phần lớn hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đều là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, không có nhiều thời gian cũng như nguồn lực dành cho bộ phận kế toán làm việc chuyên sâu và bài bản.

Trong khi đó, về lĩnh vực hải quan, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, doanh nghiệp phản ánh, công văn trả lời cho các vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp còn chung chung, chủ yếu đưa ra các thông tư, nghị định mà không có câu trả lời rõ ràng và  các hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp.

Quá trình giải quyết thủ tục hành chính cán bộ hải quan còn yêu cầu một số văn bản, giấy tờ ngoài quy định. Trong một số trường hợp sự phối hợp giữa cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan chưa đồng bộ gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Thời gian giải quyết thủ tục hải quan đôi khi kéo dài hơn trên thực tế

"Trong thực tế doanh nghiệp vẫn e sợ  thủ tục hải quan do công chức cán bộ Hải quan có thể viện lý do quá tải, giải quyết hồ sơ tồn đọng trước đó v.v…mà làm chậm hồ sơ của mình hoặc hay bắt lỗi nhỏ nhặt của doanh nghiệp để làm khó, nên doanh nghiệp phải tự mình bồi dưỡng cho công chức cán bộ Hải quan (ở hầu hết các khâu công chức cán bộ Hải quan có tiếp xúc người làm thủ tục XNK của doanh nghiệp).Chi phí ngoài quy định quá nhiều vì còn quá nhiều khâu doanh nghiệp phải trực tiếp làm việc với phía hải quan”, ông Khương nói. 

Về vấn đề kiểm tra chuyên ngành, mặc dù không trực tiếp liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của ngành hải quan nhưng lại liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, hiện đang là một trong những rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp. "Có quá nhiều văn  bản, thông tư, nghị định chồng chéo của các cơ quan chuyên ngành làm doanh nghiệp đễ bị nhiễu loạn và rối loạn thông tin", ông Khương cho biết.

Tăng cường tạo điều kiện cho doanh nghiệp

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, VCCI kiến nghị, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, sửa đổi các văn bản luật và dưới luật theo hướng tiếp cận thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và thể chế bằng văn bản. 

Có các giải thích rõ ràng về quy trình, thủ tục xuyên sốt quá trình giải quyết thủ tục hành chính từ Trung ương đến cấp Cục, Chi cục, tránh hiện tượng khi tiếp cận các thủ tục hành chính, doanh nghiệp còn nhận thấy khó hiểu, khó thực hiện. Các biểu mẫu cũng không nên thay đổi quá nhiều nếu không thực sự cần thiết phải thay đổi thì giữ ổn định trong thời gian nhất định. 

Có bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp khi cần tư vấn đặt tại các cục, chi cục thuế, hải quan. Cán bộ tiếp nhận thông tin và giải đáp thông tin cần có năng lực chuyên môn tốt và khả năng kết nối với các đơn vị chuyên môn trong ngành. 

Có cơ chế để doanh nghiệp tiếp cận một số thông tin liên quan đến giá trị hàng hóa, đặc biệt liên quan đến quá trình chuyển giá, tránh để các doanh nghiệp trong nước thiệt thòi khi có hợp tác trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nâng cao tỷ trọng áp dụng trong nghệ thông tin trong quá trình tiếp cận và giải quyết các thủ tục hành chính. Tiếp tục rà soát, tiếp cận các phản hồi của doanh nghiệp và người dân đối với những cán bộ còn có thái độ và biểu hiện vòi vĩnh, chung chi với doanh nghiệp, góp phần nâng cao hình ảnh của cán bộ thuế, hải quan văn minh, hiện đại và đồng hành cùng doanh nghiệp trong sự nghiệp sản xuất, kinh doanh của họ.

Các cơ quan thuế, hải quan cần có thêm các hình thức tuyên truyền, tập huấn để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với các thủ tục hành chính thuế, hải quan.
 Hội nghị đối thoại về chính sách thuế và hải quan năm 2017 nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, cũng như tăng cường quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ quan thuế, hải quan.

Trước đó, tại Hội nghị đối thoại về Thuế và Hải quan với doanh nghiệp năm 2016, đã có hơn 400 doanh nghiệp, đại biểu đại diện cho các Hiệp hội doanh nghiệp. Theo đó, VCCI đã phản ánh một số nội dung đánh giá chính, các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp còn gặp và một số ý kiến, kiến nghị để các đồng chí Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan xem xét nghiên cứu triển khai.

Cụ thể, đối với ngành thuế, chậm quyết toán thuế để thực hiện giải thể doanh nghiệp. Thời gian từ khi ban hành chính sách tới khi có hiệu lực thi hành thường ngắn; công tác tập huấn còn hạn chế dẫn tới doanh nghiệp không kịp cập nhật và không đủ thời gian điều chỉnh hoạt động kinh doanh.

Công nghệ thông tin đôi khi vẫn chưa theo kịp yêu cầu. Tình trạng thông báo thuế sai vẫn còn xảy ra do lỗi hệ thống phần mềm…, gây khó khăn trong quá trình thực thi, tạo rủi ro cho cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế. Ngoài ra, đôi lúc, ở một vài nơi, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ công chức ngành Thuế vẫn khiến doanh nghiệp e ngại...

Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Đối với ngành hải quan, ba nhóm thủ tục hải quan được các hiệp hội và liên minh HTX đánh giá phiền hà nhất là giải quyết khiếu nại, xử lý vi phạm hành chính và thủ tục thông quan. Các phiền hà chính vẫn là thời gian giải quyết quá dài và yêu cầu cung cấp thêm nhiều loại thông tin, giấy tờ không cần thiết....

Quy định về mã HS vẫn được các doanh nghiệp phản ánh còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp; Sự thiếu đồng bộ giữa chữ ký số và yêu cầu thực tế khi phải hoàn chỉnh hồ sơ hải quan; Việc kiểm tra sau thông quan vẫn còn tình trạng kéo dài, chồng chéo, gây mất thời gian của doanh nghiệp...

Đặc biệt, tại Hội nghị được tổ chức năm 2016, đã có 16 ý kiến với gần 30 câu hỏi được giải đáp. Các doanh nghiệp tham dự đã đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến chính sách thuế, hải quan và cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan. Thông qua những ý kiến này, Bộ Tài chính khẳng định rà soát và điều chỉnh, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính thuế và hải quan, luân chuyển cán bộ... để có thái độ phục vụ doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Hiện tại chưa có phản hồi nào
Hiển thị 0 trong Hiện tại chưa có phản hồi nào phản hồi  
Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 961
   Truy cập trong ngày : 5133
   Tổng số truy cập : 28030078
Logo thương hiệu Việt