Doanh nghiệp Việt – Nga: Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao 10/1/2015 2:42:58 PM
Trong thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam – Liên bang Nga sẽ đẩy mạnh hợp tác phát triển trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cao.
Hội nghị đối thoại bàn tròn giữa doanh nghiệp Việt Nam – Liên bang Nga

Trong khuôn khổ dự án: “Nga-Việt Nam: Nền kinh tế mới”, sáng 29/9, VCCI phối hợp với Đại sứ quán Nga tổ chức hội nghị đối thoại bàn tròn giữa doanh nghiệp hai bên tại Hà Nội.

Điểm sáng kinh tế 

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư ký VCCI, trong hơn 1 thập kỷ là đối tác chiến lược (kể từ 2001), kinh tế thương mại luôn là một điểm sáng trong tổng thể các mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam – Nga. Hợp tác kinh tế giữa hai nước ngày được tăng cường với 4 lĩnh vực trụ cột gồm thương mại, đầu tư, dầu khí, năng lượng điện. Kim ngạch song phương từ mức 500 triệu USD năm 2001 đã tăng lên gần 3 tỷ USD trong năm 2014.

Những mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Nga trong nhiều năm gần đây vẫn là xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc thiết bị. Hiện nay, những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Nga bao gồm điện thoại và linh kiện (chiếm khoảng trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga), máy vi tính và sản phẩm điện tử, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, hạt điều, gạo, rau quả.

Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ký chính thức ngày 29/5 giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á- Âu nói chung và Liên bang Nga nói riêng đã mở ra thêm nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào vùng thị trường này. Với hàng loạt ưu đãi về thuế, cụ thể là nhiều mặt hàng thuộc thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giầy, thủy hải sản, thực phẩm chế biến…. được hưởng ưu đãi về thuế suất, nhiều trường hợp là 0%, điều này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về giá tại thị trường Nga. Đây là điều chưa từng có từ trước tới nay và cũng là cơ sở để đưa kim nghạch thương mại hai chiều đạt mức 20 tỷ USD vào năm 2020.

Tăng cường lĩnh vực công nghệ cao

Theo bà Strozhaeva Lubov Viktorovna – Chủ nhiệm dự án “Nga – Việt Nam: Nền kinh tế mới”. Dự án “Nga-Việt Nam: Nền kinh tế mới” được khởi động từ tháng 4/2012 bởi Ban Giám đốc xuất bản ấn phẩm của Viện Đuma Quốc gia – Hội đồng Liên bang. Dự án này nhằm duy trì tổ chức thông tin giữa Nga và Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ tiên tiến; nhằm tăng cường các mối quan hệ công nghệ, thương mại và đầu tư của Nga – Việt; hỗ trợ chuyển giao công nghệ của Liên bang Nga cho Việt Nam; phát triển chung công nghệ mới và thực hiện tích cực chúng. Đặc biệt, dự án được xây dựng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của hai quốc gia.

Cũng theo bà Viktorovna, các doanh nghiệp của Nga sẵn sàng chia sẻ với doanh nghiệp Việt Nam tất cả những thành tựu trong ngành khoa học công nghệ cao của Nga. Trong chuyến công tác lần này, nhiều lãnh đạo công ty công nghệ cao và viện nghiên cứu đã trực tiếp đăng ký sang Việt Nam như: Công ty Minskmetroproekt (nhà tổng thiết kế, xây dựng tàu điện ngầm, các công trình ngầm, hạng mục ngầm), Công ty Uvicom (nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm y học như giấy lau các-bon, chất implantat để thay thế dây chằng và gân), Công ty Avrora-M (chuyên về thiết bị y tế, nhà di động phục vụ công tác y tế), Công ty Nanoserv (cung cấp thiết bị, phương tiện công nghệ sinh học, sử dụng vi khuẩn biến đổi gien để bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị điện), Viện Nghiên cứu Atoll (chuyên các thiết bị dưới nước), Viện Nghiên cứu Bipron (chuyên chống sét cho ngành điện, ống dẫn dầu khí, kho chứa nhiên liệu), nhà thầu xây dựng cảng biển Dalstroimecanhizatsia…

“Những doanh nghiệp này sẵn sàng thành lập các xí nghiệp liên doanh theo ngành nghề của mình tại Việt Nam để áp dụng và chuyển giao công nghệ cao, đồng thời đưa ra những đề xuất cho phía Việt Nam về hợp tác chuyển giao công nghệ và xây dựng nhà máy mới tại một số tỉnh như Bắc Ninh, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hải Dương” – bà Viktorovna nhấn mạnh.

Chia sẻ bên lề hội nghị, các doanh nghiệp hai nước cũng tuyên bố sẵn sàng hợp tác với nhau. Bà Soboleva Elen Gennadievna – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Avrova, đơn vị chuyên cung cấp thiết bị, phần mềm y tế cho Bộ Quốc phòng Nga cho biết:“Trong quá trình tìm hiểu các thị trường nước ngoài, chúng tôi nhận thấy rất nhiều tiềm năng từ Việt Nam. Đất nước các bạn đang là quốc gia phát triển rất nhanh và mạnh, nhu cầu thị trường trong lĩnh vực công nghệ rất lớn. Chính vì vậy, chúng tôi quyết định sang tìm kiếm cơ hội hợp tác với các bạn”. 

Ông Nguyễn Tuấn Hòa – Cố vấn cao cấp của Tập đoàn Hanel chia sẻ:“Nga là một quốc gia đi đầu về những lĩnh vực công nghệ cao, vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất coi trong việc hợp tác, học hỏi từ doanh nghiệp Nga. Bản thân Hanel cũng đang tìm kiếm hợp tác với Nga trong lĩnh vực phần mềm”.

Cũng theo Chủ nhiệm dự án “Nga – Việt Nam: Nền kinh tế mới”, trong thời gian tới, các doanh nghiệp của Nga hoạt động trong các lĩnh vực: phát triển năng lượng mới, tái tạo năng lượng, công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghiệp, công nghệ cao, công nghiệp xanh, cơ khí chế tạo, hoá dầu, hóa dược, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng sẽ tăng cường các chuyên công tác sang Việt Nam nhiều hơn để tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư.

Một số hình ảnh doanh nghiệp hai nước gặp gỡ tìm kiếm cơ hội đầu tư bên lề hội nghị









Trong 6 tháng đầu năm 2015 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga là 760 triệu USD. Trong đó các mặt hàng chiếm tỷ trọng cao: máy tính và sản phẩm điện tử (10%), cà phê (8%), dệt may (6.2%)… So với cùng kỳ 2014 các mặt hàng có trị giá xuất khẩu giảm như: hạt điều (-49%), dệt may (-47%), cà phê (-16%)…, riêng các mặt hàng như: thủy sản, máy tính và sản phẩm điện tử vẫn giữ được mức tăng trưởng.

Trong 6 tháng đầu năm 2015 tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nga là 442 tỷ USD. Trong đó các mặt hàng chiếm tỷ trọng cao: phân bón (24%), than đá (9%), xăng dầu (9%)…So với cùng kỳ 2014 các mặt hàng có giá trị nhập khẩu giảm mạnh như xăng dầu các loại (-84%), riêng các mặt hàng như than đá tăng (274%), máy móc thiết bị (27%)…



Theo Enternews.vn
Hiện tại chưa có phản hồi nào
Hiển thị 0 trong Hiện tại chưa có phản hồi nào phản hồi  
Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 415
   Truy cập trong ngày : 4543
   Tổng số truy cập : 28020437
Logo thương hiệu Việt