Người ta tin rằng, trong suốt tháng 7 và đặc biệt vào ngày Rằm
tháng 7, những linh hồn từ dưới âm phủ, gồm cả linh hồn của tổ tiên và
những cô hồn phiêu dạt sẽ từ dưới địa phủ quay về dương thế.
Rằm tháng 7, hay còn được gọi là lễ “xá tội vong nhân”, là một ngày
lễ lớn, quan trọng trong phong tục của nhiều nước Á Đông. Lễ này trùng
với lễ Vu Lan, vốn là lễ báo hiếu, cũng là một trong những ngày lễ chính
của Phật giáo.
Không giống như những ngày lễ khác trong năm, khi người sống nhớ về
người chết, người ta tin rằng Rằm tháng 7 là dịp để người chết quay về
thăm người sống và thụ hưởng những lễ vật mà người thân cúng cho.
Bản chất của ngày Rằm tháng 7 cũng giống như lễ Vu Lan, vốn là để tỏ
lòng hiếu thảo với tổ tiên. Người ta quan niệm, vào ngày 15/7 âm lịch,
những linh hồn người chết ở dưới âm phủ sẽ được xóa bỏ mọi tội lỗi. Theo
tín ngưỡng dân gian, đây là ngày mở cửa âm phủ, “xá tội vong nhân” (bỏ
qua mọi tội lỗi cho người chết).
Vào ngày này, bên cạnh mâm cúng gia tiên, nhiều gia đình còn có lễ
cúng cô hồn (thường vào buổi chiều) dành cho các vong linh không nhà
cửa, không nơi nương tựa, không có thân nhân thờ cúng.
Theo truyền thuyết, ngày Rằm tháng 7 bắt đầu được biết tới trong nhân
gian từ khi Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ ra khỏi kiếp ngạ quỷ
(quỷ đói). Chính từ truyền thuyết này mà ngày lễ Vu Lan cũng được sinh
ra, trở thành ngày để tưởng nhớ công ơn cha mẹ.
Mục Kiền Liên vốn là một vị cao tăng, tu luyện được nhiều phép thần
thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề khi đó đã qua đời, ông nhớ mẹ và muốn
biết bây giờ mẹ như thế nào nên đã dùng mắt thần nhìn khắp trời đất để
tìm.
Ông thấy mẹ mình vì gây nhiều nghiệp ác khi còn sống nên phải làm ngạ
quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để
dâng mẹ. Tuy nhiên, mỗi khi bà đưa thức ăn lên miệng thì thức ăn đều hóa
thành lửa đỏ.
Mục Kiền Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng:
"Chỉ có một cách là nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong
giải cứu được. Ngày Rằm tháng 7 là ngày thích hợp để cung thỉnh chư
tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".
Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát trong ngày
Rằm tháng 7 để quay về thăm con và được hưởng những lễ vật mà con dâng
lên. Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ hãy theo
cách này. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.
Về bản chất, Rằm tháng 7 và lễ Vu lan rất giống nhau. Rằm tháng 7 là
cách gọi dân giã trong nhân gian còn lễ Vu lan là ngày lễ lớn của Phật
giáo.
Ở nhiều nước Á Đông, ngày Rằm tháng 7 là dịp để người sống tỏ lòng
hiếu thảo với cha mẹ, ông bà đã mất, cũng là dịp để giúp đỡ những linh
hồn đói khát.
Ở Việt Nam, Rằm tháng 7 là dịp lễ lớn, cả nhà chùa và
các gia đình đều làm lễ. Lễ này thường được làm vào ban ngày, tránh làm
vào xẩm tối vì lúc này mặt trời đã lặn, cửa âm phủ đã đóng. Vào ngày
này, những gia đình có điều kiện đều cúng hai mâm: một mâm cúng tổ tiên
tại bàn thờ và một mâm cúng chúng sinh (cúng cô hồn) đặt ở sân trước nhà
hoặc trên vỉa hè.
Trên mâm cúng tổ tiên, gia đình bày một mâm cỗ mặn, tiền vàng và
những vật dụng cá nhân dành cho người cõi âm làm bằng giấy (vẫn gọi là
đồ hàng mã) những mong người cõi âm có được một cuộc sống tiện nghi, đầy
đủ giống như người dương thế.
Trên mâm cúng chúng sinh, lễ vật gồm có: quần áo chúng sinh bằng giấy
nhiều màu, các loại bỏng gạo, ngô khoai, bánh kẹo, cháo trắng hoặc cháo
hoa, tiền vàng, nước lã hoặc rượu, cốc gạo trộn lẫn với muối (cốc này
sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà khắp tứ phía sau khi cúng xong) và
còn có thể cài thêm cả chút tiền lẻ.
Cô hồn thực ra là ma đói, không nơi nương tựa, không người thờ cúng,
khi cúng chúng sinh xong người ta thường gọi những đứa trẻ xung quanh
đến rồi cho chúng cùng nhảy vào tranh cướp mâm cúng, hình ảnh đó tượng
trưng cho những cô hồn đang cướp cỗ.
Ngoài ra, vào ngày này, ở chùa cũng hay có lễ phóng sinh, thả chim, thả cá về với môi trường sống của chúng.
Ngoài ra, ở một số vùng miền của Việt Nam, trong ngày lễ Vu Lan, vốn
được coi là ngày dành cho mẹ, những người có mẹ còn đang sống sẽ cài một
bông hồng đỏ lên áo và sẽ báo hiếu mẹ trong ngày này. Những người không
còn mẹ nữa sẽ đeo một bông hồng trắng, tới chùa cầu kinh để linh hồn mẹ
được an lành, siêu thoát.
Ở Nhật Bản, ngày lễ này thường được tổ chức
vào Rằm tháng 7 hoặc Rằm tháng 8. Trong ngày này, để bày tỏ những ước
nguyện của mình với gia tiên đã khuất, người ta viết ước nguyện ra giấy
rồi treo lên cây trúc với hy vọng điều ước đó sẽ trở thành hiện thực.
Ngày lễ Rằm tháng 7 ở Nhật Bản qua nhiều đời đã dần mang thêm một nét
nghĩa mới, trở thành dịp để gia đình đoàn tụ, khi đó, những người đi
làm ở xa cũng sẽ quay về nhà để cả đại gia đình thăm viếng mộ tổ tiên.
Vào dịp này, ở Nhật cũng thường tổ chức những hoạt động văn hóa - văn
nghệ, những điệu múa truyền thống là không thể thiếu. Tục lệ này đã
được duy trì trong suốt hơn 500 năm.
Ở Trung Quốc, các tục lệ có nhiều nét tương đồng với
người Việt Nam. Thêm vào đó, người Trung Quốc còn có tục thả thuyền giấy
hoặc đèn hoa đăng trên sông vào buổi tối như một cách để chỉ đường dẫn
lối cho những linh hồn phiêu dạt khỏi bị lạc, biết đường trở về âm phủ
trước khi cửa đóng hẳn.
Vào dịp này, ở Trung Quốc cũng thường tổ chức văn nghệ quần chúng,
mời người dân địa phương đến xem, hàng ghế đầu tiên luôn là hàng ghế
trống, để dành cho các linh hồn tới cùng chung vui.
Ở Singapore và Malaysia, những buổi văn nghệ quần chúng
là nét văn hóa nổi bật trong dịp lễ này. Những sân khấu dựng tạm là nơi
để các ca sĩ, vũ công nghiệp dư biểu diễn. Tiền dựng rạp và thuê người
biểu diễn sẽ do người dân địa phương cùng nhau quyên góp.
Theo Hồ Bích Ngọc
Dân trí