Đại tướng đã chơi đàn như một nghệ sỹ thực thụ
Những năm 60 của thế kỷ trước, chúng tôi thường rủ nhau lên ngắm
trăng ở hồ Tây. Khi về đi dọc đường Hoàng Diệu, nhiều lần chúng tôi dừng
lại để nghe tiếng đàn piano từ số nhà 30 vọng ra. Khi thì bản nhạc cổ
điển quốc tế, lúc thì bản nhạc bài dân ca quan họ quen thuộc “Trống cơm”
nghe nhặt khoan ngọt ngào, quyến rũ.
Dần dà tôi mới biết đó là nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngón đàn
ấy là của “anh Văn” – Tư lệnh của mọi tư lệnh, Chính ủy của mọi chính
ủy. (Lời của tướng Trần Văn Trà) – một người con của đất Quảng Bình anh
hùng, đầy nắng gió và thơ ca.
Có lần tôi đã hỏi Giáo sư - nhạc sĩ Tô Vũ về chuyện ông đến nhà dạy
nhạc lý cho Đại tướng, ông cho hay: “Khi dạy ở Trường nhạc (tức Học viện
Âm nhạc Quốc gia hiện nay), anh Lê Liêm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – cũng
là một vị tướng phụ trách chính trị trong chiến dịch Điện Biên Phủ - tìm
tôi, nhờ tôi dạy nhạc lý. Quý trọng anh tôi nhận lời.
Một thời gian sau, anh Liêm giới thiệu tôi dạy nhạc cho Đại tướng.
Tôi được đưa đón bằng xe hơi. Lịch học của “anh Văn” rất nghiêm ngặt. Cứ
chiều thứ tư và chiều thứ sáu hàng tuần, cơm nước xong anh cho người
đến đón tôi. Anh học lý luận âm nhạc, nhạc lý, rồi nhạc cổ điển, dân ca
Việt Nam rất nghiêm chỉnh và chăm chú lắm. Cái gì chưa rõ chưa hiểu là
anh hỏi đến nơi, rất cặn kẽ từng chi tiết.
Anh ghi chép rất cẩn thận vào từng cuốn sổ riêng. Khi thực tập cùng
tôi trên đàn piano, những ngón tay của “anh Văn” rất mềm mại như ngón
tay của người nghệ sĩ thực thụ. Trí nhớ của anh tốt lắm. Học đến đâu nhớ
đến đó. Tôi kiểm tra từng phần, anh đều trả lời rành rọt chính xác –
Đúng là một thầy giáo từng dạy môn lịch sử.
Trường nhạc lúc đó cho đại tướng mượn cây đàn piano khác. Tôi cũng
giới thiệu cô giáo Hồng Hạnh dạy cùng trường đến hướng dẫn cho anh đánh
đàn. (Hồng Hạnh là con gái của ông Nguyễn Gia Sinh của ngành Bưu điện,
là người đã góp phần đào tạo nhiều cán bộ kỹ thuật của ngành Phát
thanh). Cô Hồng Hạnh thường khoe với tôi là Đại tướng rất chăm học, say
mê cực kỳ, chú ý từng ngón đàn và cách chạy lướt nhanh trên các phím.
Tôi hướng dẫn “anh Văn” trong một thời gian, một hôm anh nói: “Mình
mới nghe Lê Liêm vừa đàn vừa hát bài do anh ấy sáng tác về nữ anh hùng
vũ trụ Tê-rê-cô-va. Học nhạc của anh, Lê Liêm đã tự viết được rồi đấy.”
Nghe Đại tướng nói vậy, tôi hiểu là “anh Văn” cũng muốn sáng tác âm
nhạc. Tôi đã sắp xếp lại chương trình để giúp anh đạt được nguyện vọng
thú vị ấy.
Nhưng, tháng 8 năm 1964 giặc Mỹ ném bom miền Bắc, chiến tranh ập đến,
tôi phải theo trường nhạc đi sơ tán. Bản thân Đại tướng cũng chẳng có
thì giờ để thực hiên ước mơ tự mình sáng tác, rồi tự hát, tự đánh đàn
nữa. Bởi anh phải lao vào cuộc chiến đấu với tư cách là vị chỉ huy tối
cao, cùng với Bác Hồ, Bộ Chính trị và toàn quân dân quyết chiến quyết
thắng…”
Khi tôi ngồi viết những dòng này, chiếc radio bên cạnh đang truyền đi
ca khúc “Hát về người đại tướng của nhân dân” sáng tác của nhạc sĩ Lê
Gia Hiếu, do hợp xướng và dàn nhạc Nhà hát Đài TNVN trình bày. “Năm châu
bốn biển hát tên ông/Hơn thế kỷ dài với núi sông/Lệnh vang thần tốc tan
quân ngụy/Nam Bắc một nhà thỏa ước mong/Đức độ tài cao hàng dũng
tướng/Võ Văn sự nghiệp vững như đồng”. Giai điệu và lời ca đã hòa quyện
nhau, thể hiện được tình cảm của quân và dân ta với vị tướng tài giỏi và
kiệt xuất của đất nước được thế giới ngưỡng mộ.
Tôi vội gọi điện cho nhạc sĩ Lê Gia Hiếu (từng công tác ở Đài TNVN)
hỏi về quá trình viết tác phẩm này. Anh Hiếu cho biết: “Đó là bài hát
mừng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 100 tuổi. Dựa trên bài thơ của
anh Tống Minh Lung đang công tác ở Công an huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh
Hóa. Sau khi hoàn thành, chúng tôi đang mang bản nhạc và đĩa hát của tác
phẩm đến tặng Đại tướng.”
Những ngày này căn nhà số 30, Hoàng Diệu, Hà Nội, dòng người nối tiếp
nhau đến viếng Đại tướng. Nhìn hình ảnh ấy, tôi không kìm nén được nỗi
xúc động, thấy ông vẫn như còn đây, bên tấm bản đồ chiến sự hay đôi tay
lướt nhẹ trên phím đàn…
Theo Nhạc sĩ Dân Huyền
Dân trí