Đại biểu gọi thay đổi về môn Lịch sử là 'sự xáo trộn tận tâm can' 11/16/2015 3:58:32 PM
Vấn đề thay đổi việc giảng dạy môn Lịch sử từ độc lập sang tích hợp; thay bản dịch 'Nam quốc sơn hà' trong sách giáo khoa lớp 7 được đại biểu đặt ra với bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.

"Gần đây dư luận xôn xao, hay nói đúng hơn là có sự xáo trộn tận tâm can về một vấn đề nhạy cảm, đó là thay đổi việc giảng dạy môn Lịch sử từ môn học độc lập thành môn tích hợp. Xin Bộ trưởng nêu chính kiến của mình, nhất là tính ưu việt và tính đúng đắn của nó", đại biểu từng 10 năm làm việc trong ngành giáo dục phổ thông gửi câu hỏi đến Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 16/11.

Ông đề nghị Bộ trưởng nêu dự định giải quyết vấn đề nêu trên, có hoãn thực hiện chủ trương về giảng dạy môn Lịch sử trong trường phổ thông theo hướng tích hợp hay không. "Nếu không dừng, không hoãn, Bộ trưởng có dám khẳng định trách nhiệm trước nhân dân về tính đúng đắn của vấn đề? Sai lầm về phương pháp dẫn đến sai lầm về kiến thức, nhất là kiến thức lịch sử trong thế hệ trẻ. Sai lầm này không có chỗ cho sự khắc phục", ông Lai nói.

dai-bieu-goi-thay-doi-ve-mon-lich-su-la-su-xao-tron-tan-tam-can

Đại biểu Lê Văn Lai

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nêu thêm, nhân dân đánh giá cao Bộ Giáo dục đã triển khai đề án cải cách chương trình, sách giáo khoa với khối lượng đồ sộ trong thời gian ngắn. Có người cho rằng đây là cuộc cách mạng trong giáo dục, mở ra một tia sáng cho việc nâng cao chất lượng đào tạo giai đoạn mới theo một cách làm mới.

Nhưng với góc nhìn của mình, ông Lai cho rằng có những vấn đề tưởng nhỏ mà không nhỏ, ảnh hưởng đến ngành chủ quản và các bên liên quan. "Bất cứ sự phá vỡ lớn nào cũng bắt đầu từ sự phá vỡ thành phần", ông Lai nhận định. Cụ thể, một việc Bộ cho rằng rất nhỏ như thay đổi cách dạy môn Lịch sử sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Những ảnh hưởng tiêu cực này đã được nhân dân và nhà nghiên cứu về khoa học lịch sử phân tích.

Hay như việc thay thế bản dịch Nam quốc sơn hàtừ bản truyền thống đã có chỗ đứng trong lòng dân tộc, được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất nước sang một bản khác. Vấn đề tưởng nhỏ lại nhận phản ứng dữ dội. Theo ông Lai, bản dịch mới được giới thiệu trong sách giáo khoa nhìn ở góc độ phân tích ngôn ngữ, ý nghĩa lịch sử, sát nguyên tác đều không thỏa mãn.

"Bộ Giáo dục cần lưu tâm đặc biệt đến những vấn đề có hàm lượng lịch sử cao, vấn đề nhạy cảm để khắc phục những sai sót không đáng có, hoàn thành đề án cải cách chương trình, sách giáo khoa đã được Quốc hội phê chuẩn và nhân dân kỳ vọng", ông Lai đề nghị.

Đại biểu Trương Văn Vở nêu thực trạng thừa thầy, thiếu thợ được Quốc hội yêu cầu thực hiện từ tháng 6/2013, nhưng hai năm qua hầu như bị bỏ ngỏ về lộ trình, thời gian khắc phục. Ông đề nghị Bộ trưởng xác rõ định trách nhiệm trước yêu cầu của Quốc hội về định hướng tuyển sinh, đào tạo phù hợp với yêu cầu của thị trường, khắc phục tình trạng thừa thầy thiếu thợ.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sẽ đăng đàn trả lời những băn khoăn của đại biểu vào chiều cùng ngày.

Môn lịch sử, Tiếng Việt - Văn học, Toán vốn được xem là những môn học cơ bản, bắt buộc trong hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam. Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới đây đưa ra chủ trương tích hợp môn Lịch sử vào các môn khác. Cụ thể, ở các lớp 1, 2, 3 là môn "Cuộc sống quanh ta"; lớp 4, 5 là "Tìm hiểu xã hội", THCS là "Khoa học xã hội" và THPT là môn "Công dân với Tổ quốc". Việc thay đổi này khiến các nhà sử học lo ngại thế hệ trẻ sẽ không hiểu về lịch sử cha ông, hoặc hiểu méo mó, sai lệch.

Sách ngữ văn lớp 7, Tập 1 đăng bài thơ Nam quốc sơn hà, sử dụng bản dịch của dịch giả Lê Thước - Nam Trân: Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Vằng vặc sách trời chia xứ sở/ Giặc giữ cớ sao phạm đến đây/ Chúng mày nhất định phải tan vỡ. Bản dịch thơ này gây ra những ý kiến trái chiều và có sự so sánh với bản dịch quen thuộc của nhà sử học Trần Trọng Kim.



Theo VnExpress

Hiện tại chưa có phản hồi nào
Hiển thị 0 trong Hiện tại chưa có phản hồi nào phản hồi  
Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 281
   Truy cập trong ngày : 1807
   Tổng số truy cập : 28012656
Logo thương hiệu Việt