Cổ phần hóa DNNN: Lợi trước mắt hay kế sách lâu dài? 8/14/2014 9:38:17 AM
(DĐDN) - Theo mục tiêu cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) năm 2014 – 2015, sẽ có 432 DN được chào bán cổ phần. Tuy nhiên, 1/4 chặng đường đó đã đi qua và mặc dù tiến trình CPH các DNNN đã được diễn ra rất nhanh chóng, Việt Nam vẫn mới chỉ thực hiện chào bán cổ phần ra công chúng (IPO) được tổng cộng 17 TCty, 4 cảng biển lớn cùng một số DN khác.


Như vậy, con số các DN thực hiện CPH là rất ít, nếu không muốn nói là vô cùng khiêm tốn so với mục tiêu được đặt ra…

Vẫn đợi “tầm ngắm” mới

Trong số các DNNN dự kiến sẽ IPO gần đây, đang có một số tên tuổi vô cùng sáng giá. Thứ nhất phải kể đến TCty hàng không Việt Nam. Kế đến là MobiFone, VietnamAirlines (Hãng hàng không lớn nhất Việt Nam), Tổng Cty Dệt may Việt Nam (Vinatex). Nổi bật giữa các tên tuổi này vẫn là MobiFone. Dù hiện nay MobiFone chưa công bố số lượng cổ phiếu chào bán nhưng đây vẫn là DN được các nhà đầu tư đặt tâm điểm “ngắm” và “chờ đợi”.


Như vậy, điều các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư ngoại quan tâm không hẳn hoàn toàn là vấn đề tỷ lệ sở hữu cổ phần của Nhà nước. Và các trường hợp những DN trước đây IPO không thành công, không phải chỉ do có tỷ lệ sở hữu Nhà nước quá cao. Một ví dụ khá sinh động về điều này là hình ảnh của PVGas với tỷ lệ sở hữu cổ phần Nhà nước sau IPO vẫn “ngất ngưởng” (97%), nhưng giá cổ phiếu của DN trên thị trường này rất “đắt hàng”, luôn được nhiều quỹ đầu tư tranh mua tùy thời điểm.


Vậy, đặt giả dụ MobiFone chỉ có một tỷ lệ rất ít cổ phần được IPO ra bên ngoài, liệu nhà đầu tư tài chính/ tổ chức có còn quan tâm? Tương tự, với tỷ lệ cổ phần IPO ra bên ngoài chỉ 3,46%, (chưa tính cổ phần chào bán cho đối tác chiến lược) phải chăng còn có nguyên do khác khiến VietnamAirlines bị đánh giá thấp hơn cho dù đây là DN đầu ngành ở một lĩnh vực kinh doanh dịch vụ - tài nguyên rất đặc thù mà các DN tư nhân khó có cơ hội “chen chân” cạnh tranh lại?


Chung quy, cho dù đặt tầm ngắm nào, các nhà đầu tư tổ chức đều rất quan tâm đến tổng hòa các yếu tố, giá trị tiềm năng của DN cũng như tỷ lệ sở hữu của họ có thể đạt được cùng các tổ chức khác trong tương quan với tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại DN sau IPO. Một tỷ lệ quá thấp sẽ không “bõ” để các nhà đầu tư tổ chức quan tâm góp vốn, đồng thời khiến họ quan ngại về cơ hội được đóng góp tiếng nói nhằm nâng cao quản trị DN, giám sát hoạt động kinh doanh và khai thác mọi lợi thế hoạt động gia tăng tỷ suất lợi nhuận của DN.

Kiên định mục tiêu nào?

Cũng theo một số các nhà đầu tư ngoại, việc định giá cổ phần DN là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sức hấp dẫn IPO của DN. Đây là một thử thách với các nhà đầu tư quốc tế khi hoạt động định giá DNNN gần như ít khi dựa vào các tổ chức định giá/ tư vấn độc lập, trừ một vài trường hợp các “ông lớn” như VietnamAirlines.

Thiếu thông tin trong cách thức định giá và thông tin về chính DN, hoặc một phương thức tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận, tự tìm hiểu DN cũng là một rào cản khiến khâu định giá cổ phần của các DNNN trong mắt các tổ chức đầu tư khá mơ hồ, khó hiểu, và dẫn đến giá cả kì vọng của bên bán thường khác xa so với giá cả kì vọng của bên mua. “Các bên tham gia phải đúng bản chất giao dịch, phải có hệ thống định giá và có các đối tác cố vấn, các chuyên gia kinh tế, tổ chức thương mại hỗ trợ để tránh cả hai bên mất thời gian và dễ… nản lòng”, ông John Ditty - TGĐ KPMG VN và Campuchia nói.

 “Hiện tại, chứng khoán VN đang được giao dịch ở tỷ lệ P/E là 14x và mức độ tăng trưởng lợi nhuận hứa hẹn ở một số Cty blue-chip, do đó việc đầu tư vào một Cty niêm yết đôi khi sẽ tốt hơn so với việc tham gia IPO vào một DN với P/E có thể lên tới 20x và chỉ được niêm yết sau một vài năm” - Giám đốc một Quỹ đầu tư ngoại cũng cho biết.

Trở lại với con số 432 DNNN phải CPH trong 2 năm, tuy rằng con số này có thể gọi là tham vọng nhưng cũng không phải không có khả thi, nếu các DN quyết tâm IPO với việc hài hoà các mục tiêu và hướng đến hiệu quả chứ không phải là IPO… cho có. Có lẽ, bất kì tổ chức DNNN nào trước khi IPO cũng cần quan tâm rằng muc tiêu đã định của CPH phải là tìm kiếm sự khởi đầu mới, thực thi tái cấu trúc DNNN, để khối này trở thành một bộ phận hiệu quả trong nền kinh tế, và mang lại nguồn thu cho Nhà nước là một phần tất yếu của mục tiêu đó.

Thời cơ để DNNN IPO thành công không phụ thuộc vào lộ trình 2 năm, mà phụ thuộc lớn vào các yếu tố ngoại quan của nền kinh tế và thị trường chứng khoán cũng như nhu cầu đầu tư vào VN. Đó là cơ hội mang tính thời điểm. Nhưng cơ hội sẽ không chờ DN. Tham bát bỏ mâm là chuyện đã xảy ra ở quá nhiều trường hợp DN IPO thời gian qua. Bài toán chọn lợi trước mắt hay kế sách cho lâu dài đang rất ráo riết cần DN, Nhà nước cùng tính toán lại.           

Chất lượng hay số lượng?

Trong số các TCty, DN đã được CPH trong nửa đầu năm 2014, công bằng mà nói có khá nhiều Cty đáng được nhà đầu tư quan tâm. Dẫn đầu tỷ lệ các DN được quan tâm phải kể đến TCty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI). Trong đợt IPO của TEDI, DN đã thu hút 58 nhà đầu tư trong đó có 7 nhà đầu tư tổ chức tham gia. Số lượng cổ phần nhà đầu tư đăng kí mua hợp lệ so với lượng cổ phần chào bán cao gấp 660%, mức giá đấu thầu bình quân đạt hơn gấp đôi giá chào bán (2,4 lần). Kết quả TEDI đã bán 100% số lượng cổ phần đấu giá với tổng giá trị thu về được hơn 56,8 tỷ đồng, cao hơn 30,8 tỷ đồng so với tổng giá trị theo mệnh giá của số cổ phần chào bán.

Cũng bán được 100% lượng cổ phần chào bán trong đợt IPO giai đoạn qua, còn có Vinawaco, Cienco 4, Vocarimex, Cienco 1, Thăng Long. Ở chiều ngược lại, nhiều ông lớn như TCty vận tải Thủy (Vivaso), TCty Xây dựng Hà Nội (Hancorp), TCty Công nghiệp Ô tô Việt Nam (Vinamotor) cùng các DN cảng biển lớn như cảng Hải Phòng, cảng Quảng Ninh, cảng Đà Nẵng và cảng Nha Trang đều chung cảnh “chợ chiều”.

Rõ ràng là có sự chênh lệch rất cao trong việc thu hút nhà đầu tư khi các Cty đều cùng là DNNN, mà kết quả thất bại/ thành công lại rất khác biệt. Một đặc trưng phổ biến ở hầu hết các DN gặp thất bại là Nhà nước sau CPH vẫn nắm giữ tỷ lệ sở hữu rất cao. Chẳng hạn ở Vinamotor, “ông lớn” của ngành công nghiệp mũi nhọn đang được Nhà nước tập trung mọi nguồn lực và chính sách để hỗ trợ phát triển, song sau CPH vẫn có tỷ lệ Nhà nước nắm giữ lên tới 98%.

Nhưng vấn đề này lại không phải lỗi tại… DN. Bản thân Vinamotor đã rất rộng cửa muốn đón nhà đầu tư khi chào bán tới 51% cổ phần tương đương 51% vốn điều lệ và chỉ chịu “ôm cổ phần về lại Nhà nước” khi kết quả đấu giá không được như ý. Câu hỏi đặt ra là tại sao Vinamotor (và các DN khác) lại có tham vọng bán đấu giá cổ phần “một cú ăn ngay” với một số lượng cổ phần lớn như vậy, trong khi thực tế kết quả kinh doanh của Vinamotor trong những năm gần đây lại không phải quá mức khả quan. Nếu so với giá trị thực tế phần vốn của Nhà nước tại DN được xác định trị giá hơn 860 tỷ đồng, thì mức lợi nhuận sau thế của Cty mẹ năm 2012 chỉ đạt hơn 10,7 tỷ đồng và tỷ lệ ROE đạt 1,73% (tăng 116,25% so với năm 2011) thực sự đáng thất vọng. Nhất là khi so sánh với các DN có tổng tài sản thấp hơn nhiều song nhà đầu tư vẫn có thể “nhặt” ra hàng loạt cái tên có lợi nhuận trên vốn tốt hơn gấp nhiều lần so với Vinamotor.

Không phải cứ lớn là khỏe và chất lượng – Xem ra, chân lí này khá đúng với thực tế của các DNNN - mà IPO là một phép thử chuẩn!


Thúc đẩy cổ phần hóa: DNNN phải... thực tế! 

Vấn đề khiến việc CPH DNNN thời gian qua chưa được như mong đợi, dường như không nằm ở chủ trương. Ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư kí Hiệp hội các nhà đầu tư Tài chính (VAFI) trao đổi với PV DĐDN xung quanh vấn đề này.

- Vấn đề không nằm ở chủ trương hay chính sách, vậy nằm ở chính DN hay sao, thưa ông?

Vấn đề nằm ở khâu kỹ thuật thực hiện CPH của các DNNN. Trong đó, định giá DN quá cao là một vấn đề. Ví dụ Cảng Hải Phòng được định giá cao gấp 4 lần sổ sách. Nhiều DNNN khác cũng được định giá cao hơn nhiều lần so với các DN đang niêm yết, trong khi đó về mặt quản trị DN lại kém xa.

Một vấn đề khác là Nhà nước nắm quá cao cổ phẩn chi phối, tức tỷ lệ sở hữu. Như vậy thì kể cả khi đối tác chiến lược vào cũng trở thành thiểu số, chưa nói đến các nhà đầu tư tài chính. Thành ra rất khó thu hút các nhà đầu tư do họ luôn e ngại Nhà nước là chủ sở hữu và nắm phần lớn các quyết định, sẽ khó cải tổ DN. Khó cải tổ DN thì thành ra giá trị cổ phần DN lại bị đẩy cao thêm 1 nấc nữa.

- Nói như vậy, giảm tỷ lệ sở hữu, giá giá chào bán cổ phần sẽ gia tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư ?

Đúng vậy, Nhà nước chỉ nên giữ tỷ lệ sở hữu sau cổ phần hóa ở những lĩnh vực không liên quan đến an ninh quốc phòng… ở mức 20-30%, thậm chí không tỷ lệ sở hữu nào. Tỷ lệ sở hữu Nhà nước càng tối thiểu càng tốt. Bởi đây là giai đoạn CPH DNNN rất khó khăn do những DN tốt phần lớn đã IPO. Có một số ít DN tốt thì như đã nói, lại vướng khâu định giá.

Quan trọng nhất theo tôi phải thay đổi cách định giá tài sản DN, đưa giá trị DN về đúng giá trị thực. Chẳng hạn DN trước đây có thể nhập tàu thủy 1 triệu USD, nhưng nay cái giá tàu thủy chỉ còn 300 ngàn USD thì không thể cứ định giá theo giá trị cũ. Rất nhiều DN ở ta tài sản lớn, cồng kềnh nhưng đều lạc hậu cần được đánh giá lại giá trị thực tế. Thậm chí có những DN có tài sản gần như mất hết giá trị. Thế nhưng ta vẫn định giá cao, che lỗ, định giá theo cách… báo cáo thành tích thay vì thực sự muốn đạt mục tiêu CPH.

- Hiện tại, Nhà nước đã cho phép DNNN được thoái vốn cổ phần dưới mệnh giá. Nên chăng cũng mở đường cho DN CPH với giá chào bán thấp hơn giá trị sổ sách một chút, để có thể thúc đẩy nhanh tiến trình CPH và đồng thời cân bằng được với thực trạng định giá giá trị DN quá cao như hiện nay?

Nhà đầu tư luôn e ngại Nhà nước là chủ sở hữu và nắm phần lớn các quyết định, sẽ khó cải tổ DN.

Đúng là như vậy. DN hoàn toàn nên được quyền bán đấu giá cổ phần với giá khởi điểm dưới giá trị sổ sách, nếu giá trị sổ sách, giá trị vốn tài sản của Nhà nước tại DN được định quá cao. Chỉ cần nhìn vào tấm gương các nhà quản trị, các chủ tịch, giám đốc các DNNN, khi IPO cổ phần họ có hào hứng đăng kí mua và trở thành đồng chủ sở hữu DN với Nhà nước hay không, hay chỉ muốn đại diện vốn Nhà nước tại DN sau IPO là có thể đánh giá được giá bán cổ phần đó có hấp dẫn, DN đó có hấp dẫn…

- Theo ông, với khoảng 65% cổ phần mà Nhà nước dự kiến nắm giữ ở những DN sắp IPO tới đây, như VietnamAirlines, Vinatex, do đây là những DN lớn đầu ngành thì tỷ lệ chào bán ra công chúng và nhà đầu tư chiến lược như vậy, có phù hợp?

Tôi cho rằng với những trường hợp này, Nhà nước nhiều lắm chỉ nên giữ tỷ lệ sở hữu 30%. Ví dụ với trường hợp Vinatex, DN này có cả trăm DN được tổng hợp theo phép cộng các Cty, mà Vinatex từ lâu đã hoạt động với góc độ quản lí nhiều hơn là Tập đoàn. Bên cạnh đó đây là lĩnh vực cũng không quá liên quan gì đến an ninh quốc phòng, thực tế khối FDI cũng đã nắm 60-70% DN dệt may tại nước ta. Như vậy thì Nhà nước nên chào bán tới 100%, không nhất thiết giữ lại trừ phi đó là những DN “bò sữa” có thể cho những nguồn lợi lớn trong tương lai nữa...

- Xin cảm ơn ông!

Thạc sỹ Trần Thúy Nga

Hiện tại chưa có phản hồi nào
Hiển thị 0 trong Hiện tại chưa có phản hồi nào phản hồi  
Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 550
   Truy cập trong ngày : 4782
   Tổng số truy cập : 28020676
Logo thương hiệu Việt