Dù thích thú hay “dị ứng” với những biểu tượng cảm xúc thường
được sử dụng trong Yahoo, Facebook hay email…, chúng ta vẫn phải công
nhận rằng trong nhiều tình huống, một đoạn tin nhắn sẽ trở nên thiếu
hoàn chỉnh nếu không có một biểu tượng cảm xúc đính kèm. Nó giúp việc
đối thoại qua mạng trở nên dễ dàng và suôn sẻ hơn.
Những biểu tượng cảm xúc đã ra đời từ hơn 30 năm nay. Chúng trở thành một phần của ngôn ngữ văn bản hiện đại.
Chắc hẳn rất nhiều người không ngờ rằng biểu tượng cảm xúc cũng là
một phát minh và thậm chí nó còn có hẳn ngày giờ chính xác khi “ra đời”.
Đó là lúc 11h44 sáng ngày 19/9/1982. Khi đó, giáo sư Scott Fahlman của
trường Đại học Carnegie Mellon ở thành phố Pittsburgh, bang
Pennsylvania, Mỹ gửi đi một email với hình mặt cười :-) và mặt mếu :-(.
Đó là lần đầu tiên người ta biết tới khái niệm về biểu tượng cảm xúc trong các dòng văn bản gửi qua mạng Internet.
Mục đích của giáo sư Fahlman khi sáng tạo ra những biểu tượng này rất
đơn giản, ông chỉ muốn tránh gây hiểu nhầm về giọng điệu trong bức thư
gửi đi. Ngoài ra, Fahlman cũng muốn email của mình trở nên hài hước và
đặc biệt hơn.
Giáo sư Scott E. Fahlman đã sáng tạo ra những biểu tượng cảm xúc một cách tình cờ cách đây hơn 30 năm.
Ngày nay, nếu không có những biểu tượng cảm xúc đó, những dòng
“chat”, những dòng tin nhắn và email của chúng ta sẽ bớt đi rất nhiều sự
hài hước, dí dỏm và thậm chí trong một số trường hợp, thông điệp gửi đi
còn có thể bị hiểu nhầm về thái độ.
Trong email đầu tiên sử dụng biểu tượng cảm xúc, Fahlman viết rằng:
“Tôi đề xuất biểu tượng sau đại diện cho sự hài hước :-) Hãy đọc nó theo
chiều ngang. Nếu không có ý hài hước, hãy sử dụng biểu tượng này :-(”.
Về sau, chính Fahlman cũng ngạc nhiên về phát minh nhỏ này của mình,
nó đã được sử dụng rộng khắp trong cộng đồng mạng thế giới. Ông thú thật
rằng ban đầu ông chỉ nghĩ đây là một ý tưởng vui vui, khôi hài và không
thực sự nghiêm túc với những gì mình đã vô tình sáng tạo ra.
Giáo sư Fahlman nhớ lại kỷ niệm năm xưa: “Chuyện này có vẻ hơi ngớ
ngẩn, khi đó, tôi đang tham gia vào một cuộc tranh luận với bạn bè. Các
email được gửi qua gửi lại. Tôi liền nảy ra một ý tưởng làm sao để các
bạn mình phải kinh ngạc và bật cười. Đó chính là câu chuyện về sự ra đời
của các biểu tượng cảm xúc. Tôi nghĩ rằng các biểu tượng đó cũng sẽ sớm
bị lãng quên”.
Fahlman
rất ngạc nhiên về sự thành công của phát minh đơn giản và tình cờ này.
Ban đầu ông chỉ muốn sử dụng chúng để các bạn mình hiểu rõ hơn về giọng
điệu trong mỗi email.
Biểu tượng cảm xúc của Fahlman được truyền đi khắp cộng động mạng thế
giới hồi đầu thập niên 1980. Chỉ trong vòng vài tháng, việc sử dụng
biểu tượng cảm xúc đã trở thành một “mốt” mới thịnh hành trong thế giới
mạng toàn cầu.
Ngày nay, biểu tượng cảm xúc xuất hiện ở bất cứ đâu, vô cùng đa dạng.
Những biểu tượng tạo bằng ký tự bàn phím giờ được thể hiện bằng những
biểu tượng đồ họa rất đa dạng.
Tuy vậy, với sự phát triển cao hơn của các biểu tượng cảm xúc này,
giáo sư Fahlman thực sự cảm thấy không hứng thú: “Tôi cho rằng những
biểu tượng cảm xúc được thiết kế bằng đồ họa trông thật ngớ ngẩn. Chúng
đã làm hỏng tính sáng tạo trong việc sử dụng những ký tự bàn phím để thể
hiện cảm xúc. Cũng có thể tôi không thích chúng vì thứ mà tôi sáng tạo
ra không cùng một loại với những biểu tượng cảm xúc dạng này”.
Biểu
tượng cảm xúc đã trở thành một phần của giao tiếp hàng ngày, nó thể
hiện tâm trạng vui buồn của chủ nhân tin nhắn một cách ngắn gọn, dễ
hiểu, đơn giản và tiện dụng.
Nhiều người từng nói rằng ông không phải là người đầu tiên sáng tạo
ra những biểu tượng cảm xúc này. Giáo sư Fahlman cũng không thể khôi
phục lại email đầu tiên mà ông từng gửi đi trong đó có sử dụng biểu
tượng cảm xúc. Vì vậy, phát minh của ông luôn gây tranh cãi. Vào năm
2002, một kỹ sư ở hãng Microsofl đã giúp Fahlman phục hồi lại dữ liệu
năm xưa và phát hiện ra email gốc ban đầu.
Tuy vậy, lúc này, người ta lại phát hiện ra một ấn bản của tờ New
York Times ra mắt từ năm 1862. Trong đó có một bài phát biểu của Tổng
thống Abraham Lincoln. Trong đoạn văn bản ghi lại bài phát biểu này có
một biểu tượng cảm xúc ;-) điều này khiến nhiều nhà nghiên cứu tiếp tục
tranh cãi về việc liệu đây có phải một lỗi in ấn của tòa báo hay không.
Pi Uy
Theo Dailymail