Với kỳ vọng mở ra một khu vực có sức cạnh tranh cao, phát triển kinh tế đồng đều để hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. AEC sẽ mở ra một thị trường rộng lớn, bình đẳng cho các DN Việt Nam khi có cơ hội trao đổi hàng hóa, thương mại, thu hút đầu tư và tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực khi hàng rào thuế quan và phi thuế quan được gỡ bỏ.
Chỉ 10% doanh nghiệp tận dụng được cơ hội từ AEC
Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều trăn trở được chính các nhà điều hành, quản lý của Chính phủ đưa ra khi nói đến Cộng đồng AEC. Với hội nhập quốc tế trong đó hội nhập kinh tế làm trọng tâm, đối với việc hình thành Cộng đồng AEC, Việt Nam và Singapore được đánh giá là hai nước đi dầu trong thực hiện các cam kết. Thế nhưng, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, lại bày tỏ nỗi lo lắng khi dẫn ra con số đáng giật mình về sự hiểu biết của cộng đồng DN về AEC.
Theo đó, Việt Nam lại là một trong những nước nhận thức về ASEAN còn hạn chế, khi có tới 60 – 80% các doanh nghiệp Việt Nam chưa hiểu biết nhiều và chỉ 10% doanh nghiệp Việt Nam đang tranh thủ được những cam kết trong cộng đồng AEC.
“Khi AEC được hình thành thì nhân tố thụ hưởng chính là DN, nhưng nếu nhận thức của doanh nghiệp còn hạn chế như vậy thì những cam kết của ta, với trên 90% cam kết và các chính sách đưa ra, sẽ không thể tận dụng được” – Phó thủ tướng lo ngại.
Cũng theo Phó thủ tướng, hiện các nước ASEAN trong nội khối rất quan tâm để tranh thủ điều
kiện thuận lợi từ Cộng đồng AEC mang lại. Song với DN Việt Nam lại không tập trung đến thị trường này mà chỉ quan tâm các thị trường phía xa, nên chưa tận dụng được các thuận lợi của ASEAN mang lại.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải thì lại lo ngại rằng cùng với việc hình thành AEC, thị trường sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt hơn vì chúng ta tham gia nhiều FTA. Dẫn chứng thực tế, có rất nhiều hàng hóa mà trong nước sản xuất được như thép xây dựng, phân bón… song hàng hóa các nước trong khu vực và Trung Quốc vẫn “tràn” vào Việt Nam rất nhiều, cạnh tranh không lành mạnh với hàng nội địa và có nguy cơ “giành” sân nhà.
Tư duy 90 hay 600: Bài toán cho doanh nghiệp?
Những cảnh báo này của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đưa ra đã được Tổng cục Thống kê dẫn chứng từ những số liệu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước trong ASEAN. Theo bà Lê Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thương mại Xuất nhập khẩu (Tổng cục Thống kê), trong năm 2015 nhập siêu từ Trung Quốc tăng cao lên tới 32 tỷ USD do đây là thị trường chính nhập khẩu đầu vào nguyên liệu cho sản xuất của Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn cả là nhập khẩu từ Thái Lan và Malaysia cũng ngày càng gia tăng và mức nhập siêu từ những thị trường này cũng đang tăng lên.
“Một cảnh báo được đưa ra là việc ta tăng mức nhập siêu, trong năm 2015 mức nhập siêu không chỉ từ Trung Quốc tăng lên mà nhập siêu từ Malaysia và Thái Lan cũng tăng với nhiều mặt hàng liên quan tiêu dùng, nguyên phụ liệu… Với nhiều Hiệp định thương mại mà Việt Nam đang tham gia thì phải nâng cao sức cạnh tranh cho DN trong nước, nếu không việc giảm thuế sẽ khiến hàng hóa tràn vào và cạnh tranh với thị trường trong nước” – đại diện Tổng cục Thống kê nói.
Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, ngay từ lúc này các bộ ngành liên quan trong đó là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần phải xây dựng các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng hóa trong nước, ngăn chặn hàng nhập lậu vào Việt Nam. Đồng thời, phối hợp với các hiệp hội ngành hàng có thể tiến hành khởi kiện nhiều hơn với hàng nhập khẩu có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh.
Trong khi các nước trong ASEAN chủ động tìm hiểu thông tin về AEC, thì một vấn đề của các DN Việt Nam vẫn còn thụ động, chờ vào các thông tin nóng, cho dù đã có nhiều chương trình tuyên truyền thông tin. Do đó, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, cho rằng vấn đề cần hết sức chú ý đó là công tác thông tin và tuyên truyền cần đổi mới và các bộ ngành cần rà soát chính sách tạo thuận lợi cho DN và người dân trong ASEAN.
Nhìn rộng hơn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng vấn đề cần thiết lúc này là phải dốc toàn lực để nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia, của toàn nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm. Đặt trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, cạnh tranh khốc liệt hơn nhưng bản thân nền kinh tế và sức khỏe của DN còn nhiều hạn chế, nên Thủ tướng cho rằng trước hết cần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế. Tiếp đến là ra sức cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân và DN có nguồn lực và điều kiện thuận lợi để vươn ra biển lớn hội nhập.