Các Sở phản đối, Bộ trưởng GTVT vẫn ký Thông tư xóa xin-cho 11/5/2015 11:45:00 AM
Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 60 thay thế Thông tư số 63/2014, trong đó có nội dung mới về đăng ký khai thác tuyến vận tải.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng


Trước đó, tại các cuộc họp hồi giữa tháng 10, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã phê bình lãnh đạo Vụ Vận tải và Tổng cục  Đường bộ Việt Nam về việc chậm trễ thực hiện việc bỏ quy định chấp thuận khai thác tuyến vận tải tại Thông tư số 63 theo ý kiến của Bộ trưởng.

Vấn đề này sau đó được ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) lý giải là do “phía các Sở GTVT còn nhiều băn khoăn”. Nhiều sở GTVT cho rằng cần thiết phải có sự chấp thuận tuyến của hai sở GTVT đầu đi và đến, với các lý do như sợ phá vỡ quy hoạch, “buông” quản lý vận tải hành khách liên tỉnh, thậm chí sẽ gây rối loạn.

Bác bỏ cách giải thích này, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định việc duy trì quy định chấp thuận khai thác tuyến sẽ khiến nảy sinh cơ chế xin-cho, còn để thủ tục này thì doanh nghiệp (DN) còn phải mất tiền tiêu cực, thậm chí xin một lốt xe có thể mất đến 500 – 600 triệu đồng.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, trước đây các DN muốn kinh doanh phải làm hồ sơ xin chấp thuận tuyến của Sở GTVT. Khi đó, hai Sở GTVT ở hai đầu tuyến đã xin ý kiến nhau “chán chê” nhưng DN chưa chắc được chấp thuận vì đủ lý do.

Còn với quy định tại Thông tư số 60 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2016), các Sở GTVT sẽ phải công bố chi tiết biểu đồ chạy xe. Các DN căn cứ trên biểu đồ sẽ biết được lốt xe nào còn trống để đăng ký và nếu có hồ sơ hợp lệ thì đương nhiên được quyền vào khai thác chứ không cần có sự chấp thuận của các Sở GTVT như trước. Như vậy, các DN sẽ chỉ cần nộp hồ sơ và xin cấp phù hiệu để tham gia đầy đủ vào tuyến và đã bỏ được một thủ tục không cần thiết.

Còn các Sở GTVT sẽ chỉ thực hiện công tác hậu kiểm thông qua việc cấp phù hiệu xe chạy tuyến cố định. Các DN phải chấp hành theo đúng các điều kiện, chất lượng dịch vụ mà đơn vị đăng ký khai thác nếu không sẽ bị các Sở GTVT tuýt còi.

Trong trường hợp có thêm đơn vị khác đăng ký (có 2 đơn vị đăng ký), sẽ tiến hành đấu thầu, lựa chọn. Đơn vị nào có khả năng tốt hơn sẽ được lựa chọn tham gia tuyến.

Mới đây, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 2288, phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh. Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2020 sẽ bổ sung thêm 725 tuyến mới trên cả nước.

Hôm 2/11, Bộ GTVT cũng đã có cuộc họp xây dựng quy trình đấu thầu lựa chọn đơn vị khai thác tuyến vận tải hành khách cố định. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu Thông tư về vấn đề này phải được trình ký chậm nhất là ngày 15/11 để có thể triển khai thực hiện ngay trong tháng 12.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cho rằng, việc bỏ chấp thuận tuyến là bước đột phá để tạo điều kiện cho các DN, HTX kinh doanh vận tải phát triển.

Trái với các ý kiến từ phía DN và cả các Sở GTVT cho rằng nếu bỏ chấp thuận tuyến sẽ gây rối loạn, ông Thanh nhận xét, điều này chỉ xảy ra khi quy hoạch không được xác định đến từng giờ, lốt xe chạy, các DN không biết đăng ký vào đâu và lại dẫn đến xin – cho, vì thích cho vào lốt nào thì là quyền của các Sở GTVT.

Còn với Thông tư 60, cái khác cơ bản của quy định bỏ chấp thuận tuyến lần này là việc công khai quy hoạch chi tiết trên từng tuyến vận tải. Theo đó, DN chỉ đăng ký đăng ký vào các lốt, chuyến xe chưa có đơn vị khác khai thác (còn trống) mà cơ quan quản lý Nhà nước đã công bố. Sau khi DN đó đăng ký 3 ngày mà không có đơn vị nào đăng ký, coi như đăng ký đó thành công. Như vậy là không ảnh hưởng đến các DN đã kinh doanh ổn định trên tuyến.



Thanh Hằng (diễn đàn cạnh tranh QG online)
Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 145
   Truy cập trong ngày : 1004
   Tổng số truy cập : 28080113
Logo thương hiệu Việt