Toyota là một công ty hoạt động theo mô hình công ty gia đình. Trong thời điểm hiện tại, mô hình công ty gia đình không còn phổ biến như trước và đặc biệt là với một công ty lớn như Toyota, để hoạt động tốt và đem lại lợi nhuận thì càng khó khăn hơn. Với tư cách là một công ty gia đình, Toyota đã dựa trên các nguyên tắc hoạt động như:
- Có giá trị thị trường gấp đôi giá trị thị trường của cả 5 đối thủ cạnh tranh cộng lại trong khi chỉ có số lượng nhân viên bằng 1/6 tổng sổ nhân viên của 5 công ty kia;
- Chưa bao giờ sa thải nhân viên dù gặp hoàn cảnh kinh tế suy thoái đến mức nào trong lịch sử doanh nghiệp;
- Học cách đối xử với nhân viên/tổ chức và các nhà cung cấp như những đối tác, dập tắt các vấn đề tiềm tàng liên quan đến lao động từ khi nó mới chỉ nhen nhóm;
- Đôi khi sẵn sàng đền bù cho tất cả các khách hàng khi xe của hãng gặp sự cố, ví dụ như năm 1996, 1997, các sản phẩm Lexus của hãng bị nhiều khách hàng phản ánh về chất lượng lốp kém, tất cả những người mua xe đều được tặng phiếu giảm giá lên tới 500 USD dù cho họ có phàn nàn hay không.
Không chỉ vậy, Toyota còn có rất nhiều bí mật để tạo nên thành công của một hãng sản xuất xe lớn nhất thế giới. Những bí mật đó được tiết lộ trong quyển sách “How Toyota become #1” của tác giá David Magee. ICTnews xin tóm tắt 7 nguyên tắc cơ bản đem được tác giả nhắc đến trong quyển sách này.
Lên kế hoạch dài hạn:
Thay vì chạy theo xu hướng, trào lưu và các con số tổng kết hàng quý, Toyota nhìn ra xa hơn và cố gắng phát triển các sản phẩm sẽ đem lại ảnh hưởng trong thời gian dài. Ví dụ tốt nhất về điều này chính là dòng xe lai Prius.
Mẫu xe này ra đời năm 2000, khi đó giá xăng còn rất rẻ và mọi người chẳng nghĩ rằng có một ngày xăng lại tăng giá đến như bây giờ.
Hình ảnh một chiếc xe lai đã trở thành biểu tượng của sự đột phá trong ngành xe hơi và doanh số sản phẩm Prius đã đạt đến mốc 1 triệu vào tháng 5/2008.
Trong tình cảnh giá xăng và nguyên liệu ngày càng tăng, Prius đã giúp Toyota nắm chắc vị trí số 1 trong công nghệ xe lai.
|
Mẫu xe Prius |
Học hỏi nhanh
Các nhà cung cấp đôi khi phàn nàn vì sao Toyota mất quá nhiều thời gian để đưa ra một quyết định. Nhưng họ không hiểu rằng, mỗi lần đưa ra quyết định, công ty phải nghiên cứu rất kỹ tất cả các lựa chọn và đảm bảo các bên liên quan đều đồng tình với hành động đó. Một khi Toyota đã quyết định sản xuất loại xe nào đó, họ có thể tung sản phẩm ra thị trường nhanh hơn bất cứ đối thủ cạnh tranh nào.
Chịu khó tiếp thu và học hỏi
Toyota học được rất nhiều bài học từ phía các công ty Mỹ, như bài học về dây chuyền sản xuất của Ford, các lý thuyết quản lý của W. Edwards Deming. Những điều này giúp Toyota đặt chân vào Mỹ, thị trường xe lớn nhất thế giới.
Cách đây gần 2 thập kỷ, Toyota đã chứng tỏ mình có khả năng nắm bắt thị hiếu của khách hàng rất tốt và thậm chí còn tốt hơn các hãng ô tô ở Detroit, dù họ không có lợi thế sân nhà.
Ám ảnh với sự lãng phí
Nguyên tắc “liên tục cải tiến” của Toyota đã trở thành huyền thoại trong ngành công nghiệp sản xuất xe hơi. Tuy nhiên, theo tác giả David Magee, bí mật thực sự đằng sau thành công của công ty chính là sự khinh bỉ sâu sắc với bất cứ hình thức lãng phí nào, dù đó là lãng phí thời gian, vật liệu hay kể cả những mảnh vụn, mảnh rác trên sàn nhà máy.
Theo Magee: “Ở nhiều công ty, nếu mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp và đem lại lợi nhuận, họ sẽ chuyển sang làm một thứ khác. Nhưng nếu Toyota có thể lắp ráp một mui xe trong vòng 8 phút, họ sẽ tìm cách giảm thời gian đó xuống 4 phút, rồi 2 phút và sau đó thì xuống bao nhiêu chẳng ai biết”.
Sự khiêm nhường
Bạn hãy trả lời nhanh câu hỏi này: Kể tên một giám đốc cấp cao nổi tiếng của Toyota? Bạn không biết đúng không? Lý do rất đơn giản, văn hóa làm việc của Toyota tập trung vào tập thể thay vì từng cá nhân.
Magee viết: “Các lãnh đạo của Toyota không tự cho mình là quan trọng hơn công ty hoặc khách hàng hoặc sản phẩm. Đây là công ty khiêm nhường nhất mà tôi từng biết”. Tại các nhà máy của Toyota, quản lý nhà máy không có chỗ để ô tô riêng.
Mọi người thường cho rằng các công ty Nhật Bản luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt văn hóa trên dưới. Nguyên tắc tuyển dụng của Toyota dựa trên việc người đó sẽ thích nghi với văn hóa của Toyota như thế nào hơn là các kỹ năng mà người đó có.
Các công nhân được truyền đạt tư tưởng phải nghĩ cho bản thân mình và coi trọng lợi ích của nhóm cũng như khách hàng. Tại Toyota, sếp có vai trò như người hỗ trợ chứ không phải là người quản lý. Các giám đốc cấp cao thường xuyên xuất hiện ở các dây chuyền lắp ráp để quan sát và đánh giá.
Chia sẻ
Giữ liên lạc giữa các cá nhân trong công ty đóng vai trò quyết định để đem lại sản phẩm có chất lượng cao.
Chia sẻ ý tưởng cũng là nguyên tắc quan trọng tại Toyota, vì vậy họ đã tạo ra một từ riêng để nói về việc báo cáo chi tiết các vấn đề và ý kiến: “horenso”.
Các nhân viên thường được hỏi: “Bạn có nhớ horenso của mình như thế nào không?” Chỉ trong năm 2005, số lượng các ý kiến, đánh giá của nhân viên Toyota đã lên tới 600.000 và hầu hết trong số đó đều được thông qua.
Sau khi một nhân viên phát hiện ra vấn đề, công ty phải có biện pháp xử lý nhanh chóng va nghiêm túc. Mỗi một dây chuyền sản xuất được trang bị một sợi dây và bất cứ nhân viên nào cũng có thể kéo để tạm ngừng cả dây chuyền khi họ phát hiện ra một vấn đề. Điều này đã từng xảy ra với các nhà máy ở Mỹ.
Khách hàng là thượng đế
Sự hài lòng của khách hàng là mục tiêu của Toyota và tất cả các nguyên tắc đều dựa trên tiêu chí hàng đầu này. Ví dụ như khi lên kế hoạch sản xuất Lexus và Scion, Toyota đã gửi một nhóm nhân viên tới Mỹ để tìm hiểu về trải nghiệm sử dụng xe hơi của các khách hàng.
Sự quan tâm, tôn trọng đối với thị trường và văn hóa của một khu vực đã đưa danh tiếng của Toyota ra toàn cầu chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi nước Nhật.