FTA Việt Nam-Hàn Quốc: Cửa đã mở, vào như thế nào? 5/11/2015 2:24:29 PM
Tuần qua, sự kiện Chính phủ 2 nước Việt Nam và Hàn Quốc chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc, đã trở thành đề tài nóng nhất. Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cho Việt Nam là điều được nhắc tới rất nhiều. Song vấn đề là DN tận dụng cơ hội này như thế nào.

Lợi thế xuất khẩu tôm

Theo FTA vừa được ký kết, Hàn Quốc cam kết tự do hóa 97,2% tổng giá trị hàng nhập từ Việt Nam. Theo đó, phía Hàn Quốc sẽ cắt giảm thuế đối với nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như tôm, cua, cá và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí...

Điều đáng nói, số dòng thuế Hàn Quốc cắt giảm cho Việt Nam lên tới 95,4% số dòng thuế, nhiều hơn số dòng thuế cắt giảm cho các đối thủ cạnh tranh (Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan...) khoảng 5%, giúp tăng đáng kể sức cạnh tranh, khả năng thâm nhập của hàng Việt vào thị trường Hàn Quốc. Việt Nam cũng là đối tác đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang... Đặc biệt là cam kết miễn thuế mặt hàng tôm của Việt Nam với lượng hạn ngạch 10.000 tấn/năm và tăng dần lên đến mức 15.000 tấn/năm.

Đánh giá về tác động cho mặt hàng tôm, hầu hết ý kiến cho rằng đây là tín hiệu rất tích cực và là sự khởi đầu đầy hy vọng. Năm 2014, với việc tăng tới 36,4% về lượng và 59,7% về giá trị tôm xuất khẩu sang Hàn Quốc, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu tôm lớn nhất vào nước này với 27.791 tấn, trị giá trên 290 triệu USD, chiếm gần 1 nửa trong tổng lượng tôm nhập khẩu của Hàn Quốc (62.878 tấn).

So với nước đứng ngay sau là Trung Quốc, lượng tôm của nước ta xuất khẩu sang Hàn Quốc trong năm ngoái nhiều hơn trên 2 lần, giá trị nhiều hơn trên 4 lần. Dệt may cũng là ngành được kỳ vọng khi FTA Việt Nam - Hàn Quốc được ký kết. Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lớn, chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Dệt may cũng là mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn thứ hai của Việt Nam sang Hàn Quốc, chỉ sau thủy sản.

Ngược lại, Hàn Quốc là nước cung cấp gần 20% vải cho ngành may mặc Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc. Vì vậy, có thể nói FTA Việt Nam - Hàn Quốc có tính bổ trợ cao đối với ngành dệt may khi Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu vải từ Hàn Quốc và xuất khẩu sản phẩm ngược lại vào thị trường này.

Có thể thấy, ưu thế thương mại FTA Việt Nam - Hàn Quốc mang lại cho một số ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam không nhỏ. Nhưng liệu DN tận dụng được bao nhiêu, cũng như cửa đã mở nhưng có biết cách vào hay không, vẫn đang là thách thức phía trước.

Tỷ lệ tận dụng các FTA thấp

Trả lời báo chí, ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - Thái Bình Dương, nhìn nhận: “Nhà nước chỉ có thể giúp tạo lập cơ hội, thúc đẩy mở rộng thị trường với những thuận lợi tối đa. Còn có tận dụng được cơ hội hay không phụ thuộc vào chính DN”.

Theo một khảo sát được tiến hành bởi The Economist vào đầu năm ngoái, tỷ lệ trung bình sử dụng các ưu đãi từ FTA của DN Việt Nam hiện nay khá thấp, chỉ khoảng 37%. Khi được hỏi về nguyên nhân hạn chế sử dụng FTA, có đến 52% DN Việt Nam cho biết do điều khoản thỏa thuận phức tạp; 40% cho rằng do thị trường kém hấp dẫn; 38% nói lợi ích không đủ bù đắp khó khăn khi sử dụng các ưu đãi từ FTA; 50% cho biết thông tin về FTA không được công bố đầy đủ.

Điều DN quan ngại nhất là khi hàng rào thuế quan bị tháo bỏ, các hàng rào kỹ thuật khác sẽ được dựng lên. Theo chia sẻ của nhiều DN, tính phức tạp và số lượng lớn quy tắc trong các FTA chính là rào cản khiến DN còn ngần ngại. Trong khi đó, các DN FDI trong một số lĩnh vực, nhất là dệt may đang đổ những khoản đầu tư lớn vào thị trường Việt Nam nhằm đón đầu các FTA cũng như TPP.

Chế biến tôm xuất khẩu.

Trở lại câu chuyện với Hàn Quốc, những thống kê mới đây đã chỉ ra con số rất đáng báo động, khi chỉ trong 4 tháng đầu năm 2015, tổng số lô tôm xuất khẩu cả nước bị 3 thị trường nhập khẩu chính là Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản trả về do vướng chất cấm, bằng gần 40% so với con số của cả năm ngoái.

Trong một hội thảo được tổ chức vào năm ngoái, đại diện Lotte Mart cũng từng chỉ ra một yếu điểm của hàng xuất khẩu Việt Nam sang Hàn Quốc. Đó là với những lô hàng đầu, việc kiểm soát chất lượng làm rất tốt, nhưng những lô sau thường hay có vấn đề và hàng bị trả lại.

Theo các chuyên gia, cơ quan chức năng nên thông tin nhiều hơn cho DN. “Khi FTA đã được ký kết, cơ quan quản lý nhà nước nên tổ chức các hội nghị phổ biến hiệp định để nhóm ngành hàng chịu tổn thương/thách thức và nhóm ngành hàng có nhiều cơ hội nắm được, có những định hướng chuẩn xác cho các đơn vị thành viên của mình” - ông Chu Đức Khải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép, chia sẻ.

Ở phía ngược lại, tính chủ động tìm hiểu thông tin của các DN Việt Nam vẫn còn chưa cao. Nếu không thay đổi, điều này sẽ làm DN giảm khả năng tận dụng cơ hội. 

Theo Thái Hà

Hiện tại chưa có phản hồi nào
Hiển thị 0 trong Hiện tại chưa có phản hồi nào phản hồi  
Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 85
   Truy cập trong ngày : 19
   Tổng số truy cập : 28010868
Logo thương hiệu Việt