Bánh tét khắc chữ giá gần triệu đồng 1/24/2014 2:45:07 PM
Các khoanh bánh tét khi ghép lại với nhau sẽ hình thành nên những câu chúc xuân như Phúc, Lộc, Thọ hay An khang, Thịnh vượng.
Anh Trương Văn Phúc, Giám đốc điều hành thương hiệu bánh xèo Mười Xiềm - nơi làm ra loại bánh tét khắc chữ trong nhân cho biết, hiện nhu cầu đặt bánh tét khắc chữ tăng 50% so với năm ngoái, lên tới 500 cặp. Khách hàng chủ yếu là dân văn phòng, doanh nghiệp và đa phần dùng cho mục đích biếu tặng. Giá mỗi cặp bánh 800.000 đồng, khách mua số lượng nhiều sẽ giảm 20%.

Nét độc đáo của đòn bánh là mỗi khoanh bánh tét là một chữ cái riêng, một cặp bánh chứa một bộ chữ chúc xuân khác nhau. Khách hàng có thể chọn lựa những câu chúc như chúc mừng năm mới, phát lộc phát tài, tấn tài tấn lộc, tân niên phú quý, an khang thịnh vượng… hay có thể tự nghĩ ra một lời chúc độc đáo nào nó gửi tặng người thân, bạn bè và đưa yêu cầu này cho người làm bánh.

Bánh tét chữ được ưa chuộng trong dịp Tết. Ảnh: QT
Theo anh Phúc, loại bánh này có nguồn gốc từ những nghệ nhân ở Bến Tre. Để làm ra một căp bánh, người nghệ nhân phải mất một ngày và nấu trong vòng 8 tiếng đồng hồ. Do vậy chi phí để sản xuất ra cặp bánh cao hơn so với bánh tét thông thường. Chẳng hạn như để làm ra chữ Lộc, nghệ nhân phải dùng 3 khuôn có các chữ cái L-Ô-C . Sau đó đặt chữ vào trong phần lá đã cuộn để gói bánh tét, đổ đậu vào bên trong khuôn, đổ gạo bên ngoài, đổ và nén chặt xong thì rút khuôn ra. Để làm được khuôn chữ đẹp, người nghệ nhân phải rất tỉ mỉ, khéo léo. Do vậy, chỉ cần sai lệch một chút là có thể làm hỏng cả cặp bánh.

Khách sẽ được hướng dẫn nên cắt trong đoạn nào để có trọn vẹn một chữ cái. Ví dụ: khi mua cặp bánh có chữ "Chúc mừng năm mới" thì một đòn chứa chữ chúc mừng (tức sẽ có 8 khoanh), đòn còn lại ẩn chứa chữ năm mới (có 6 khoanh).

Anh Phúc chỉ cung cấp với số lượng vừa phải cho những khách quen đặt hàng từ sớm. Đơn vị này có kế hoạch cung ứng ra thị trường khoảng 1.000 cặp bánh tét chữ, tuy nhiên, với đội ngũ nghệ nhân khoảng 20 người, công ty không đạt được kế hoạch đề ra, mà chỉ thực hiện 50% so với dự định.

Nguyên liệu để làm ra sản phẩm này gồm gạo nếp ngon và đậu xanh. Lá cẩm, lá dứa được nấu lên để lấy nước nhuộm màu nếp, tạo ra màu sắc và hương thơm đặc trưng cho món bánh. Trên nền màu tím của nếp, các chữ chúc xuân vốn được nhào từ đậu xanh màu vàng sẽ hiển thị rõ ràng, tạo ấn tượng với người thưởng thức.

Vị của bánh cũng đặc biệt hơn so với bánh thông thường, vị bùi béo và ngọt ngào của đậu xanh, ngậy và thơm lừng của lá dứa và màu sắc hấp dẫn của lá cẩm. Ngoài ra, gạo nếp thường được xào nước cốt dừa hòa quyện vào nhau làm cho món bánh không chỉ ngon ngọt mà còn đậm đà hương vị tự nhiên.

Một cặp bánh có trong lượng từ 2 đến 2,5 kg. Ảnh: MX

Chị Trâm, chủ trang bán hàng qua mạng ở TP HCM cũng phân phối sản phẩm này cho biết, hiện chị nhận hơn 50 đơn đặt hàng, có người đặt tới 5 cặp bánh. Chị Trâm lấy từ Bến Tre, bán với giá 575.000 đồng một cặp, trọng lượng 2,4 kg, nếu mua với số lượng lớn giảm còn 515.000 đồng. Do lấy từ những nguồn hàng khác nhau, cách chế biến, độ tinh xảo trong khắc chữ cũng không giống nhau nên giá bán loại bánh này trên thị trường cách biệt khá lớn.

“Mặc dù lần đầu tiên kinh doanh mặt hàng này nhưng sản phẩm được khá nhiều khách ưa chuộng, có người sau khi mua về dùng thử tiếp tục quay lại đặt để biếu họ hàng và lãnh đạo”, chị Trâm nói. Vì số lượng có hạn và sản phẩm khó làm nên chị dự báo đến cận Tết sẽ hết hàng.

Hiện nay trên một website bán hàng trực tuyến cũng đã báo hết hàng sản phẩm bánh tét chữ. Một chủ nguồn hàng ở Bến Tre cho biết đã ngừng đơn đặt hàng của 7 đơn vị phân phối vì quá tải. "Tết đang đến cận kề, giờ cố gắng làm thêm được bao nhiêu để cung cấp trong tỉnh thôi chứ chúng tôi không thế nào nhận thêm bất cứ đơn đặt hàng nào khác của các đơn vị phân phối nữa. Có thể sang năm chúng tôi sẽ chuẩn bị kỹ hơn để tăng nguồn cung cho thị trường”, chủ sản xuất bánh tét chữ ở Bến Tre nói.

Thi Hà
Hiện tại chưa có phản hồi nào
Hiển thị 0 trong Hiện tại chưa có phản hồi nào phản hồi  
Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 1037
   Truy cập trong ngày : 6875
   Tổng số truy cập : 28048777
Logo thương hiệu Việt