Thư viện Alexandria, Ai Cập
Thành phố Alexandria được xây dựng năm 331 trước CN bởi Alexander
đại đế sau khi ông chinh phục Ai Cập. Sau khi ông qua đời, một trong
những tướng lĩnh của ông là Ptolemy đã chiếm quyền kiểm soát khu vực này
và bắt đầu một vương triều mới kéo dài hàng trăm năm. Dưới triều đại
của Ptolemy, cả khu vực Alexandria trở thành trung tâm của học vấn và
một thư viện khổng lồ đã được xây dựng để chứa đựng hàng trăm nghìn tài
liệu được lưu trữ dưới dạng những cuộn giấy.
Có rất nhiều người thời đó tới đây để học tập và giảng day. Tuy
nhiên cho tới một thời điểm trong quá khứ, toàn bộ thư viện đã bị phá
hủy và quá trình trở thành một bí ẩn lịch sử. Ban đầu, người ta cho rằng
Julius Caesar vô tình đốt cháy nó khi đang gặp gỡ Cleopatra. Nhưng sau
sự kiện này nhiều tài liệu của thư viện vẫn tồn tại.
Vào thế kỉ thứ 4, lãnh tụ Thiên chúa Theophilus thấy không hài lòng
khi một lượng lớn sách vở được cho là “tà giáo” hiện hữu ở Alexandria,
do đó ông đã kích động đám đông phá hủy thư viện. Mặc dù vậy những tổn
thất vẫn chưa đủ để phá hủy hoàn toàn thư viện. Và một lần nữa hành động
này tiếp tục được lặp lại khi đạo Hồi phát triển và khu vực này bị
Caliph Omar chinh phục, ông lại ra lệnh phá hủy toàn bộ sách vở ở đây.
Các nhà sử học không thể thống nhất được việc thư viện bị phá hủy hoàn
toàn do sự việc nào liệt kê ở trên, nhưng tất cả đều đồng ý rằng tất cả
kiến thức vĩ đại ở đây đều đã biến mất.
Thư viện hoàng gia Constantinople, đế chế Byzantine
Khoảng năm 493, nửa Đông của Đế chế La Mã tiếp tục tồn tại trong
khi nửa Tây thì sụp đổ. Ngày nay, chúng ta gọi nửa Đông này là đế chế
Byzantine, nhưng họ luôn coi bản thân mình là người La Mã. Do đó, họ lưu
trữ và sao chép các tác phẩm vĩ đại của người La Mã và Hi Lạp ở các
thành phố của mình. Ở thủ đô, họ xây dựng lên thư viện hoàng gia
Constantinople. Cứ mỗi thế kỉ, thành phố lại bị hỏa hoạn tấn công và các
cuốn sách, cuộn giấy trong thư viện được thay thế.
Tất cả thay đổi vào năm 1204 khi các chiến binh Thiên Chúa trong
cuộc thập tự chinh thứ 4 tấn công thành phố này, cướp bóc tài sản quý và
phá hủy tất cả. Sau khi quân thập tự chinh rút đi, người Byzantine đã
tái tạo lại được một phần thư viện. Nhưng vào năm 1453, một lần nữa
thành phố bị quân Ottoman tấn công và từ đó mọi tài liệu tri thức tại
đây đã bị biến mất vĩnh viễn.
Ngôi đền kiến thức của Ai Cập
Sau khi giành độc lập, Ai Cập đã tìm cách kiểm soát các di sản của
mình bằng việc ngăn cản dòng chảy cổ vật ra khỏi đất nước và tránh cho
chúng rơi vào tay các nhà sưu tập trên khắp thế giới. Họ đã thành lập
được một số bảo tàng, bao gồm cả Ngôi đền kiến thức (Institut d’Égypte),
nơi lưu giữ hàng trăm nghìn tài liệu và sách vở, một số có từ thế kỉ
16. Vào ngày 17/12/2011, trong cuộc bạo loạn lật đổ tổng thống Mubarak,
người biểu tình tràn vào bảo tàng và một chai xăng cháy đã bị ném qua
cửa sổ. Dù có nhiều nỗ lực dũng cảm của người xung quanh để cứu các tác
phẩm quý giá ở đây, chỉ một phần rất nhỏ được mang ra ngoài. Phần còn
lại bị phá hủy hoàn toàn bởi ngọn lửa.
Nalanda, Ấn Độ
Nalanda là một trong những trường đại học lớn nhất từng xuất hiện và
tồn tại trong hơn 700 năm, bắt đầu từ năm 500 sau CN. Nằm ở địa phận
phía Bắc Ấn Độ ngày nay, trung tâm học vấn này thu hút các học giả từ
Tibet, Trung Quốc, Hi Lạp và Ba Tư. Là một trung tâm giảng dạy Phật
giáo, nơi đây nhanh chóng trở thành mục tiêu cho những kẻ muốn phá hủy
nền văn hóa Phật giáo. Năm 1193, vua Thổ Nhĩ Kì là Bakhtiyar Khilji tấn
công thành phố, thiêu sống hàng nghìn học giả và bỏ ra hàng tháng trời
để đốt cháy các cuốn sách ở đây. Các câu chuyện thời đó kể về một cột
khói khổng lồ bốc lên từ thành phố và làm bầu trời tối đen trong suốt
một tháng. Người Thổ Nhĩ Kĩ thành công trong việc đánh bật Phật giáo và
dẫn tới việc nó hoàn toàn biến mất ở Ấn Độ. Sự phá hủy này cũng đẩy Ấn
Độ vào một thời kì tăm tối do mọi kiến thức cao cấp về toán học, thiên
văn, hóa học và giải phẫu đều bị mất đi.
Ngôi nhà thông thái
Khi vùng Iraq bị người Ả rập chinh phục và thuộc quyền kiểm soát
của Hồi giáo, họ đã khám phá được một kho kiến thức khổng lồ tại đây.
Một số lượng lớn các bộ sưu tập được tạo ra từ sự kết hợp của nhiều tài
liệu sách về thế giới Hồi giáo. Ban đầu chúng được giữ tại Damascus và
đến năm 762, dưới triều đại Caliph al-Mansur, thành phố Baghdad được
sáng lập.
Các cơ quan hành chính và cả thư viện cũng sớm được dời tới đó. Ở
Baghdad, thư viện này phát triển mạnh và được biết tới với tên gọi “Ngôi
nhà thông thái”, lưu trữ các kiến thức từ Hi Lạp cũng như các tác phẩm
được dịch tới từ Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy vậy, tới thế kỉ thứ 13, Hulagu
Khan và đội quân Mông Cổ tấn công và chinh phục mọi thứ. Khi Hulagu
Khan tới biên giới vương quốc Abbasid Caliphate, ông cho người tới
Baghdad và bị từ chối bởi người cai trị thành phố là Caliph
Al-Musta’sim.
Hulagu Khan nổi giận và tấn công vương quốc này, tiêu diệt hết mọi
sự chống trả và nhanh chóng bao vây Baghdad. Sau 2 tháng, thành phố cuối
cùng phải đầu hàng. Sau đó, Baghdad bị cướp bóc trong suốt một tuần lễ.
Dòng sông chảy qua thành phố liên tục đổi màu giữa màu đỏ từ máu của
những người bị giết và màu đen từ những cuốn sách bị ném xuống sông.
Hàng trăm nghìn tuyệt tác đã vĩnh viễn mất đi và sự phá hủy của Baghdad
đánh dấu sự kết thúc cho kỉ nguyên vàng của đạo Hồi.
Phan Hạnh
Theo Toptenz