Thị trường bất động sản Việt Nam ổn định sau biến động tỷ giá VND 8/31/2015 8:40:00 AM
Việc giảm giá gần đây của đồng Việt Nam sẽ không tác động nhiều tới thị trường bất động sản (BĐS), do đa phần thị trường vẫn bị chi phối bởi nhu cầu trong nước và nguồn cung nội địa.
Giá bán BĐS nhà ở trong thời gian qua lại chịu tác động bởi các yếu tố cung - cầu BĐS nhiều hơn là chịu tác động của tỷ giá. Nguồn: baoxaydung.com.vn
Giá bán BĐS nhà ở trong thời gian qua lại chịu tác động bởi các yếu tố cung - cầu BĐS nhiều hơn là chịu tác động của tỷ giá. Nguồn: baoxaydung.com.vn

Đây là nhận định của Công ty Tư vấn Bất động sản CBRE Việt Nam trong bản báo cáo với chủ đề “Đồng Việt Nam giảm giá có tác động thế nào với thị trường BĐS”.

Theo bà Dương Thùy Dung, MRICS - Giám đốc, Trưởng Phòng Nghiên cứu và Tư vấn CBRE: Thị trường BĐS nhà ở Việt Nam do nguồn cung trong nước chiếm phần lớn, trong khi nguồn cung từ các chủ đầu tư nước ngoài chỉ chiếm chưa đến 10%, do đó giá bán trung bình thị trường ít chịu tác động của biến động tiền tệ. Tuy nhiên, giá bán sẽ bị ảnh hưởng khi việc giảm giá đồng tiền làm lạm phát gia tăng.

Bên cạnh đó, giá bán BĐS nhà ở trong thời gian qua lại chịu tác động bởi các yếu tố cung - cầu BĐS nhiều hơn là chịu tác động của tỷ giá. Đồng Việt Nam giảm giá trung bình mỗi năm từ -0,9% đến 5,8% trong 5 năm qua, trong khi giá chung cư (tại Hà Nội) biến động từ -11% đến 13% mỗi năm trong vòng 5 năm qua.

Tuy các dự án đã và đang xây dựng có thể không chịu nhiều tác động của biến động tỷ giá do chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu tại các dự án này thường là chi phí đã xảy ra trong quá khứ. Nhưng đối với các dự án trong tương lai phải nhập khẩu nguyên vật liệu sẽ chịu áp lực tăng giá bán do chi phí bằng tiền đồng sẽ cao hơn, nhất là khi chi phí tính bằng đồng USD.

Báo cáo của CBRE cũng chỉ ra rằng, đối với các chủ đầu tư nước ngoài, lợi nhuận mục tiêu thông thường được tính bằng tiền USD. Do đó có thể có áp lực phải tăng giá bán bằng tiền đồng - mặc dù rủi ro biến động tỷ giá thường đã được tính tới khi lập kế hoạch tài chính cho dự án.

“Chúng tôi cho rằng điều này không ảnh hưởng nhiều đối với mặt bằng chung thị trường, do tỷ lệ các dự án do chủ đầu tư nước ngoài thực hiện là nhỏ so với tổng nguồn cung thị trường” - bà Thuỳ Dung đánh giá.

Như đã biết, trong các ngày 12 và 19/8/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nâng tỷ giá liên ngân hàng USD/VND thêm 1% lên 21.890, và cùng lúc nâng biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2% (12/8) và lên +/- 3% (19/8). Sau các biến động này, Đồng Việt Nam đã mất 5% giá trị kể từ đầu năm 2015, là mức giảm giá theo năm lớn nhất kể từ 2011.

Động thái này diễn ra chỉ sau công bố của Trung Quốc về giảm giá đồng Nhân dân tệ so với đồng USD vào các ngày từ 11-13/8/2015. Trước lần giảm giá vừa qua, đồng Việt Nam tương đối ổn định, giảm giá chưa đến 2% mỗi năm so với đồng USD trong giai đoạn 2012-2014, trong bối cảnh lạm phát thấp và thặng dư thương mại.

Trên các thị trường quốc tế, xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thể giảm đi khả năng cạnh tranh so với Trung Quốc. Tuy nhiên CBRE nhận định, đối với lĩnh vực BĐS, thị trường Việt Nam có thể không có quá nhiều tác động do vốn đăng ký đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam chỉ khoảng 8 tỷ USD và chủ yếu thuộc các lĩnh vực sản xuất, khai thác và hạ tầng.

Theo Đào Anh/baoxaydung.com.vn


Hiện tại chưa có phản hồi nào
Hiển thị 0 trong Hiện tại chưa có phản hồi nào phản hồi  
Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 84
   Truy cập trong ngày : 24
   Tổng số truy cập : 28055516
Logo thương hiệu Việt