Phối hợp thúc đẩy tiêu thụ rau quả, trái cây theo hướng bền vững 5/19/2015 10:52:18 AM
Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Công Thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp đồng chủ trì Hội nghị "Bàn các giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ rau quả, trái cây theo hướng bền vững". Hội nghị với sự tham dự của UBND các tỉnh sản xuất rau quả, trái cây chủ lực, Hiệp hội rau quả Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ rau quả để đánh giá hiện trạng, nhận dạng các nhân tố thuận lợi, khó khăn, thách thức đối với công tác sản xuất, tiêu thụ rau quả; từ đó thảo luận, thống nhất các giải pháp đẩy mạnh phát triển nhóm hàng trái cây, rau quả thời gian tới.
Ảnh minh họa

Rau quả đang ngày càng có tầm quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp thế giới. Trong thời gian tới, do sự gia tăng dân số, mức thu nhập của dân cư và sự biến động giảm trong ngắn hạn của giá hàng nông sản trên thị trường quốc tế, nhu cầu đối với hàng nông sản thế giới trong những năm tới sẽ tăng nhanh.  Nhu cầu rau quả thế giới liên tục tăng trong thời gian qua cũng như giai đoạn sắp tới là động lực chính dẫn tới sản xuất và xuất khẩu rau quả Việt Nam liên tục phát triển trong giai đoạn 2010 – 2015. 
Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 5 năm qua tăng trưởng ở mức cao, bình quân 26,5% mỗi năm, từ 439 triệu USD trong năm 2009 lên gần 1,5 tỷ USD vào năm 2014. Ba tháng đầu năm 2015 xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch đạt 368 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2014. Theo số liệu ước tính của Liên Bộ, 4 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu rau quả đạt 488 triệu USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2014. Xu huớng tăng trưởng xuất khẩu của mặt hàng rau quả trong suốt thời gian qua thể hiện tiềm năng và dư địa phát triển của nhóm hàng này còn rất lớn.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân cả trong nội tại sản xuất và thị trường, nhóm hàng này lại là nhóm hàng dễ tổn thương nhất khi thị trường có biến động và gây nhiều phản ứng và dư luận nhiều chiều trong xã hội như dưa hấu, hành tím...
Mặc dù, trong thời gian qua, nhóm hàng nông lâm thủy sản nói chung và mặt hàng rau quả đã được Chính phủ và các Bộ ngành đặc biệt quan tâm và đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất và xuất uy nhiên, những tồn tại của ngành nông lâm thủy sản nói chung và nhóm hàng rau quả nói riêng vẫn chưa được giải quyết, vẫn xảy ra tình trạng dư thừa nguồn cung trong cục bộ gây thiệt hại cho người nông dân và doanh nghiệp và phản ứng tiêu cực của dư luận xã hội. Vấn đề đặt ra là cần có sự tham gia tích cực của các Bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hai cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về tiêu thụ và sản xuất nông nghiệp trong việc đánh giá, nhận diện những khó khăn cốt lõi, rà soát những mặt được và chưa được của các cơ chế chính sách hiện hành để đưa ra những cơ chế nhằm giải quyết những tồn tại và phát triển bền vững nông lâm thủy sản nói chung và nhóm hàng rau quả nói riêng.
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Công Thuơng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thông báo về tình hình sản xuất, qui hoạch, tình hình xuất khẩu, tình hình đàm phán mở cửa thị trường và tháo gỡ rào cản khó khăn thị trường xuất khẩu. Đại diện các địa phương đã có trao đổi về thực trạng sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng rau quả trên địa bàn, kiến nghị các giải pháp về sản xuất, chế biến, hạ tầng thương mại, lưu thông. Hiệp hội rau quả có một số đề xuất liên quan tới việc hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ rau quả trong công tác xúc tiến thương mại, đầu tư hạ tầng chế biến rau quả, cuớc phí vận chuyển để nâng cao tính cạnh tranh cho các sản phẩm rau quả của Việt Nam.
Kết luận Hội nghị, Lãnh đạo Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hai Bộ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, Hiệp hội rau quả Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu rau quả triển khai một số giải pháp đồng bộ. Cụ thể:
(i) Thiết lập cơ chế phối phối hợp thông tin chặt chẽ, hiệu quả giữa các Bộ, ngành và các địa phương trong việc rà soát và xây dựng quy hoạch và điều tiết và quản lý  sản xuất và tiêu thụ rau quả. Trên cơ sở cơ chế phối hợp thông tin chặt chẽ, xây dựng quy hoạch sản xuất rau quả phù hợp gắn với địa bàn, loại cây trồng và thị trường; từ đó, mở rộng sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh, nhằm tạo ra các chân hàng lớn đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong nước cũng như thị trường nước ngoài và nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy chế biến.
(ii) Chú trọng, đẩy mạnh công tác chế biến và bảo quản rau quả, có cơ chế kiếm soát và giám sát chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi.
(iii) Đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý.
(iv) Tăng cường công tác thông tin thị trường (về giá cả, nhu cầu thị trường, quy định của thị trường,…) đến đông đảo người sản xuất kinh doanh và phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất.
(v) Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới, tiểm năng thông qua các hoạt động tham gia hội chợ, hội thảo quảng bá các sản phẩm rau quả tại nước ngoài.

V.H - TCDN&TM
Hiện tại chưa có phản hồi nào
Hiển thị 0 trong Hiện tại chưa có phản hồi nào phản hồi  
Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 380
   Truy cập trong ngày : 4096
   Tổng số truy cập : 28124815
Logo thương hiệu Việt