Khâu xây dựng pháp luật còn chưa làm hài lòng doanh nghiệp 6/29/2015 2:53:50 PM
Một động thái chung được thể hiện qua 10 năm nghiên cứu PCI là cải cách ở các địa phương đang chững lại, đặc biệt là ở nhóm địa phương dẫn đầu “các ngôi sao cải cách”. Nguyên nhân của sự chững lại này bắt nguồn từ những hạn chế về thể chế và khung khổ chính sách lớn hơn từ cấp Trung ương. Lãnh đạo các địa phương thường than phiền, “chúng tôi có đẻ ra được các thủ tục đâu! Những thủ tục cản trở quyền tự do kinh doanh của người dân và DN nằm ở chính các văn bản do cấp trên ban hành đấy chứ!…”.
TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI phát biểu tại sự kiện công bố kết quả MEI 2014

Lãnh đạo các địa phương đã có lý, khi để rút 873 giờ nộp thuế và bảo hiểm xã hội về 168 giờ của năm nay (theo kịp mức ASEAN 6), chỉ từ việc sửa 5 luật thuế đã cắt giảm được 80 giờ, sửa 4 nghị định giảm được 88,36 giờ, sửa 7 thông tư của riêng Bộ Tài chính đã cắt giảm được 201,5 giờ… Hay, chỉ riêng việc sửa Luật DN và Luật Đầu tư năm 2014, đã có thể xóa bỏ ít nhất gần 3.000 thủ tục nằm rải rác trong các thông tư trái thẩm quyền của các Bộ, Ban ngành…

Để hỗ trợ cho những nỗ lực đột phá cho cải cách thể chế, cải cách hệ thống pháp luật từ cấp Trung ương, từ năm 2011, VCCI đã đề xuất, nghiên cứu và công bố đánh giá về hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ ngành. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép VCCI triển khai. Nghị quyết 19 năm 2014 – 2015 cũng đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho VCCI nghiên cứu xếp hạng tín nhiệm của cộng đồng DN đối với các Bộ ngành và các địa phương. VCCI triển khai nghiên cứu, công bố chỉ số MEI năm nay là để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng đó.

Bộ Chỉ số Hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ (Ministerial Efficiency Index – MEI) được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, học tập kinh nghiệm từ nhiều Chỉ số, Bộ tiêu chí, Báo cáo… có tính chất tương tự trên thế giới như WB, APEC-OECD, Australia, Ấn Độ… Tuy nhiên, MEI có những điều chỉnh phù hợp với bối cảnh và trình độ phát triển cụ thể của Việt Nam.

Chúng ta rất vui mừng vì trong con mắt của cộng đồng DN, các cơ quan Chính phủ đã có nhiều nỗ lực. MEI 2014 đã có sự cải thiện đáng kể so với các năm trước 2012, 2013. “Hội chứng Trung bình”  của các bộ ngành (mà đặc trưng chủ yếu là chỉ thực hiện vừa đủ nghĩa vụ đặt ra) vốn là tình trạng của các năm trước đây đã không còn nữa. Tất cả các bộ ngành đều bắt đầu có những nỗ lực nhất định để thực hiện trách nhiệm của mình một cách có hiệu quả hơn. Điểm số ở mức trung bình khá và khá của các bộ ngành đã tăng lên. “Hội chứng dàn hàng ngang” cũng đã bị phá vỡ khi ở một vài chỉ tiêu đã bắt đầu có sự bứt phá ở một số bộ ngành.

Tuy nhiên, so với kỳ vọng của cộng đồng DN về một Chính phủ hiệu quả thì vẫn còn một khoảng cách xa. Đặc biệt, phát hiện rất quan trọng mà báo cáo nghiên cứu chỉ ra là mảng tối nhất trong MEI 2014 là hoạt động soạn thảo văn bản pháp luật trong khi mảng tổ chức thực thi lại là mảng được cộng đồng DN đánh giá cao hơn. Cộng đồng DN kỳ vọng các Bộ ngành tập trung vào nhiệm vụ làm thể chế, chính sách, làm chiến lược, quy hoạch để định hướng phát triển, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm sự lành mạnh của thị trường…

Khâu xây dựng pháp luật còn chưa làm hài lòng DN bởi quá trình này chưa minh bạch, việc tham vấn và trưng thu ý kiến DN và đối tượng thi hành của một số bộ ngành còn “chiếu lệ”, “qua loa”… Hệ quả là các văn bản này chưa phản ánh được hơi thở và đáp ứng được yêu cầu  của cuộc sống, có văn bản vừa thông qua đã phải chỉnh sửa ngay.

Kết quả MEI 2014 phản ánh bức tranh toàn thể về hoạt động pháp luật của các Bộ ngành trong con mắt của cộng đồng DN. Và chúng ta vui mừng, bức tranh toàn thể này đã có nhiều mảng sáng hơn, mang lại nhiều màu sắc của hy vọng hơn. Điều rất có ý nghĩa khi đây không phải báo cáo của các cơ quan Chính phủ tự khen mình, mà là sự ghi nhận của người dân và cộng đồng DN qua thực tiễn sản xuất kinh doanh của họ.

TS Vũ Tiến Lộc
Chủ tịch VCCI

Hiện tại chưa có phản hồi nào
Hiển thị 0 trong Hiện tại chưa có phản hồi nào phản hồi  
Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 3
   Truy cập trong ngày : 1135
   Tổng số truy cập : 28072494
Logo thương hiệu Việt