FTA VN – EU: DN nông sản vẫn chưa 'bắt' cơ hội 9/29/2014 8:49:43 AM
Vòng đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) cuối cùng giữa VN - EU đã diễn ra trong hai ngày 25-26/9, tại Đà Nẵng. Dự kiến cuối 2014 sẽ hoàn thành việc ký kết, khi đó sẽ mở ra cơ hội gia tăng XK, mở rộng quy mô sản xuất trong đó có lĩnh vực XK nông sản của VN. DĐDN đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Mạnh Dũng - Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối Bộ NN - PTNT về nội dung này.


- Theo tiến trình, FTA VN – EU sẽ hoàn thành việc ký kết vào cuối năm nay, ông thấy sự chuẩn bị của các DNVN trong lĩnh vực nông sản như thế nào?

Nhìn chung với thị trường EU, tôi có thể khẳng định các DNVN chưa có sự chuẩn bị chu đáo để đón nhận những ưu đãi của FTA. Những tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, những yêu cầu về trách nhiệm với người tiêu dùng, với xã hội… các DN VN chưa có sự sẵn sàng. Chẳng hạn, với các sản phẩm gỗ, đầu năm 2015 sẽ ký Hiệp định Đối tác tự nguyện với Liên minh Châu Âu về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) nhưng các DNVN cũng chưa đủ điều kiện đáp ứng sự minh bạch nguồn gốc gỗ. Tôi cho rằng các DNVN phải cố gắng rất nhiều thì mới có thể đáp ứng được tiêu chuẩn thị trường EU cũng như tận dụng được các lợi thế mà Hiệp định này mang lại.

 Ở góc độ cơ quan quản lý, chúng tôi đã có nhiều hỗ trợ cho các DN XK nông sản, chẳng hạn nâng cao chất lượng nông sản tạo ra giá trị hàng hóa để có khối lượng XK phù hợp. Bên cạnh đó, giúp các DN đổi mới công nghệ chế biến, khuyến khích thu hút FDI vào chế biến nông sản để nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ điều kiện XK sang EU.

Mặc dù vậy phải thừa nhận việc đầu  tư FDI vào lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông sản đang rất thấp so với các lĩnh vực khác, bởi lẽ đầu tư có nhiều rủi ro hơn. Nhưng không vì thế mà cơ hội thành công khi đầu tư vào lĩnh vực này ít, đặc biệt khi ký FTA sẽ có nhiều lợi thế về thuế suất. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ nông sản ở thị trường Châu Âu ngày một lớn, nhất là nông sản nhiệt đới như lúa gạo, rau quả tươi, mật ong cây thuốc, sữa ong chúa, thủy sản, lúa gạo… có cơ hội rất lớn vào EU.

Tuy nhiên, cũng có nhiều khó khăn cho mặt hàng này khi XK sang EU, đó là những yêu cầu rất khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt vấn đề bảo vệ môi trường của các DN chế biến, hình ảnh, uy tín của DN…chưa được tốt cũng sẽ là những rào cản.

- Vấn đề giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị sản phẩm nông sản là một vấn đề khá nhạy cảm trong đàm phán FTA VN – EU trong thời gian qua vì bên nào cũng muốn giữ khâu này. Ông có thể nói rõ hơn vấn đề này?

Giá trị gia tăng trong chuỗi nông sản người ta vẫn gọi là từ cánh đồng tới bàn ăn, phần giá trị gia tăng lớn nhất là ở khâu chế biến sản phẩm, chiếm khoảng 50 – 80% giá trị toàn chuỗi. Ở khu vực nào cũng vậy, đều muốn giữ lại phần giá trị gia tăng cho mình. Do vậy, thị trường Châu Âu sẽ cố gắng nhập khẩu các sản phẩm thô, sản phẩm sơ chế của VN để tiếp tục chế biến ra những sản phẩm có giá trị gia tăng  cao hơn để tiêu thụ trong thị trường EU.

Trong khi đó, tại VN với Quyết định 899 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, cũng muốn phát triển sâu chế biến nông sản để tạo ra những giá trị gia  tăng cho người sản xuất VN.

Đây là sự mâu thuẫn tương đối lớn trong thương mại mà muốn khỏa lấp cần có những giải pháp vĩ mô, đám phán làm sao để hai bên cùng có lợi.

- Vậy để nâng cao giá trị XK các mặt hàng nông sản của VN sang EU, ông có lời khuyên gì cho DN?

Các DNVN phải cố gắng rất nhiều mới có thể đáp ứng được tiêu chuẩn thị trường EU cũng như tận dụng được các lợi thế mà Hiệp định này mang lại.

Theo tôi có mấy vấn đề, thứ nhất là chất lượng, trong đó có tồn dư chất bảo vệ thực vật khá cao trong các sản phẩm, nhất là với sản phẩm chè. Thứ hai, các DN chưa có cơ cấu sản xuất sản phẩm phù hợp, ví dụ chúng ta có 80% cơ cấu sản phẩm là chè đen, chủ yếu để XK, thị trường trong nước hầu như không sử dụng, 20% còn lại là chè xanh,  ô long… trong khi đó sản phẩm này ít thị trường nước ngoài sử dụng. Thứ ba, chúng ta đang có cạnh tranh không lành mạnh giữa  các cơ sở chế biến chè khác nhau, hiện VN có khoảng 500 cơ sở chế biến chè với quy mô khác nhau nhưng chưa có sự liên kết nào giữa các cơ sở này để tạo ra giá bán thống nhất. Do vậy, giá càng ngày càng xuống, tùy thuộc vào mối quan hệ giữa các DN VN với các đối tác nước ngoài. Tôi cho đây là sự cạnh tranh rất có hại cho các DNVN. Bài học này đã từng xảy ra, chẳng hạn trước đây khi XK lợn sữa sang Hongkong, bắt đầu là 4-5 USD/kg rồi xuống 1,8 USD… Hiện nay ngay cả ngành cá tra cũng đang gặp tình trạng tương tự…

Vì vậy để XK tốt sang EU, đặc biệt sau FTA ký kết, các DN cần lưu ý:

Đầu tiên DN phải có chiến lược phát triển bài bản. Thứ hai là phải tạo dựng được thương hiệu và sản phẩm của mình, khi có thương hiệu DN có quyền nâng tính cạnh tranh lên. Thứ ba, khi muốn XK sang bất kỳ thị trường nào các DN phải tìm hiểu kỹ yêu cầu của thị trường đó, ví dụ muốn vào EU ngoài tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, DN phải có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, với người tiêu dùng… Đây là những vấn đề mà hầu như ít DN VN nghĩ tới.

Khi đã vào được các thị trường khó tính như EU, Nhật, Hoa Kỳ thì rõ ràng các thị trường khác cũng sẽ rất dễ thâm nhập.

- Xin cảm ơn ông!

Quốc Anh thực hiện

Hiện tại chưa có phản hồi nào
Hiển thị 0 trong Hiện tại chưa có phản hồi nào phản hồi  
Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 63
   Truy cập trong ngày : 1807
   Tổng số truy cập : 28009844
Logo thương hiệu Việt