FTA VN-Liên minh kinh tế Á-Âu: Cần nhiều thông tin 6/9/2015 8:35:44 AM
Việc Việt Nam chính thức ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh kinh tế Á-Âu một lần nữa mang đến tin vui cho các DN xuất khẩu trong nước, trong đó có DN xuất khẩu thủy sản. ĐTTC đã trao đổi với ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xung quanh nội dung này.

PHÓNG VIÊN: - Một trong những nội dung quan trọng của FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu là phía Liên minh sẽ áp dụng mức thuế suất 0% cho tất cả mặt hàng thủy sản của Việt Nam. Đây thực là tin vui cho thủy sản Việt Nam, thưa ông?

Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE: - Trước hết cần nhìn lại tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các nước thuộc Liên minh kinh tế Á-Âu, trong đó chủ yếu là Nga, Belarus trước đây khá tốt, đặc biệt là mặt hàng cá tra xuất khẩu mạnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây do những biến động về chính trị, tỷ giá nên việc xuất khẩu bị chậm lại.

Chính vì thế  FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy việc xuất khẩu mạnh mẽ trở lại. Các DN Việt Nam hiện nay đã sẵn sàng cho việc bán hàng vào các thị trường trong liên minh vì đã có bạn hàng từ trước đó. Tuy nhiên, hiện nay có một vấn đề quan trọng được nhiều DN quan tâm, là việc công nhận số lượng DN đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường này.

Hiện số lượng DN được công nhận quá ít so với năng lực sản xuất, cung ứng của Việt Nam. Cụ thể chúng ta đã có tới 400 cơ sở sản xuất được Liên minh châu Âu (EU) công nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường này, nhưng mới chỉ có khoảng hơn 30 DN được công nhận xuất khẩu vào khu vực Liên minh kinh tế Á-Âu. Đây thực sự đang là trở ngại với DN.

Vì lẽ đó, bên cạnh việc ký kết FTA với Liên minh kinh tế Á-Âu, các DN cũng kiến nghị Chính phủ cần đàm phán thêm với phía Liên minh nhằm gia tăng số lượng DN được phép xuất khẩu vào thị trường này.

- Trước FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu, thủy sản cũng đón một tin vui khác từ FTA Việt Nam - Hàn Quốc?

- Hàn Quốc hiện là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 5 của Việt Nam sau Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU và Trung Quốc. Năm ngoái, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu tôm nhiều nhất vào Hàn Quốc. Theo FTA Việt Nam - Hàn Quốc, từ ngày 1-1-2016, Hàn Quốc sẽ xóa bỏ thuế mặt hàng tôm (thuế suất 0%) nhập khẩu từ Việt Nam, nhưng chỉ áp dụng trong hạn ngạch.

Trong năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực, mức hạn ngạch được áp dụng là 10.000 tấn/năm, tăng thêm 10% qua mỗi năm và lên mức 15.000 tấn/năm vào năm thứ 6. Đây là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là mặt hàng tôm vào thị trường này.

Nhân nói câu chuyện về thị trường Hàn Quốc, nhiều ý kiến cho rằng Hàn Quốc là thị trường rất khó tính, đòi hỏi cao về chất lượng và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, theo tôi đây là vấn đề chung của các thị trường và không nên nghĩ thị trường này khó tính hơn thị trường kia. Muốn xuất khẩu sang bất cứ thị trường nào, DN cũng phải đáp ứng những yêu cầu theo tiêu chuẩn quốc tế.

Việc xuất khẩu sang Hàn Quốc còn có một thuận lợi nữa là thị hiếu tiêu dùng tôm của người Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng với Nhật Bản - một trong những quốc gia nhập khẩu hàng đầu và lâu năm mặt hàng thủy sản của Việt Nam nói chung, tôm nói riêng. Sự tương đồng này sẽ mang lại lợi thế lớn cho các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam.

Chế biến thủy sản xuất khẩu.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng số lượng DN Việt Nam có thể tận dụng các FTA trong xuất khẩu vẫn còn khá khiêm tốn. Vậy riêng với các DN thủy sản thì sao, thưa ông?

- Trước tiên cần khẳng định không phải DN không quan tâm đến các FTA. Thực tế hiện nay DN thường quan tâm đến những thị trường đang là sở trường trước. Chẳng hạn một DN chủ yếu xuất khẩu đi Hoa Kỳ, khi FTA Việt Nam - Hàn Quốc được ký kết, họ không thể ngay lập tức chuyển qua thị trường khác được mà cần có thời gian tìm hiểu, tạo mối quan hệ với khách hàng, xác lập thị trường mới.

Chính vì thế, việc tạo ra sự quan tâm cho DN, từ đó giúp họ có thông tin để tìm hiểu những thị trường có ưu đãi thuế quan là việc làm hết sức quan trọng. Ngay khi FTA Việt Nam - Hàn Quốc được ký, VASEP đã tổ chức hội thảo thông tin cho DN. Chúng tôi dự kiến thời gian tới sẽ tổ chức những hội thảo chuyên sâu hơn để giúp DN nắm rõ từng vấn đề cụ thể, như vậy DN mới định hướng tốt được. Để làm được như vậy cần sự chung tay của Bộ Công Thương, đại diện của các đoàn đàm phán…

Ngay cả với những DN đang xuất khẩu sang các thị trường Việt Nam có ký kết FTA cũng không thể tìm hiểu hết, mà phần lớn chỉ quan tâm đến mã hàng mà họ đang xuất khẩu và một vài mã lân cận. Song cũng phải nói thêm việc DN có thể tận dụng tốt hay không cũng một phần phụ thuộc vào nhà nhập khẩu ở nước sở tại.

Xin cảm ơn ông. 

 Những điểm nhấn FTA  Việt Nam - Á-Âu

- Ngày 29-5-2015, Việt Nam chính thức ký kết FTA với Liên minh kinh tế Á-Âu. Về tổng thể, 2 bên dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương trên 90% kim ngạch thương mại song phương.

- Về hàng hóa, Liên minh kinh tế Á-Âu dành cho Việt Nam ưu đãi, tạo thêm nhiều cơ hội xuất khẩu quan trọng đối với các nhóm hàng Việt Nam có lợi ích cơ bản như nông sản và hàng công nghiệp như dệt may, da giày, đồ gỗ và một số sản phẩm chế biến. Một nội dung quan trọng của FTA này là phía Liên minh sẽ áp dụng mức thuế suất 0% cho tất cả các mặt hàng thủy sản của Việt Nam ngay khi FTA có hiệu lực.

-Việt Nam sẽ mở cửa thị trường có lộ trình cho Liên minh đối với một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải. Riêng đối với các mặt hàng nông sản, Việt Nam đồng ý mở cửa ngay các mặt hàng như sữa và các sản phẩm sữa, một số sản phẩm ngũ cốc. Theo đánh giá bước đầu của Liên minh, sau khi FTA có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 bên sẽ  đạt 10-12 tỷ USD vào năm 2020 (năm 2014 đạt khoảng 4 tỷ USD). Theo ước tính của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh sẽ tăng khoảng 18-20% hàng năm.

- FTA Việt Nam - Liên Minh Á-Âu được đánh giá là một hiệp định quan trọng. Từ trước đến nay, giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu chưa có một FTA nào, hay nói cách khác, hàng hóa Việt Nam đi vào thị trường này chưa được quyền hưởng thuế suất 0%. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên có FTA với khối liên minh này, ngay bản thân Nga cũng chỉ mới vào WTO cách đây không lâu, hàng hóa các nước vào thị trường Nga mới được loại bỏ thuế theo WTO, chưa có mặt hàng của nước nào được hưởng theo FTA.

- Thị trường Liên minh kinh tế Á-Âu rất hứa hẹn cho Việt Nam với 5 nước, số dân trên 170 triệu người và GDP theo sức mua khoảng 4.000 tỷ USD. Đáng chú ý, DN Việt Nam sẽ có thêm thuận lợi nữa là danh mục hàng hóa xuất khẩu giữa Việt Nam và các thành viên Liên minh kinh tế Á-Âu mang tính bổ trợ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của các bên. Liên minh kinh tế Á-Âu (trước đây gọi là Liên minh hải quan) gồm các nước Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan.


Theo SGDTTC
Hiện tại chưa có phản hồi nào
Hiển thị 0 trong Hiện tại chưa có phản hồi nào phản hồi  
Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 144
   Truy cập trong ngày : 1782
   Tổng số truy cập : 28118155
Logo thương hiệu Việt