Các nước TPP thảo luận ý tưởng mới về bảo hộ SHTT đối với dược phẩm trong TPP 5/28/2014 8:36:03 AM




Tại cuộc họp các Bộ trưởng thương mại TPP diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 12-15 tháng 5, các nước TPP đã bắt đầu xem xét một phương pháp tiếp cận mới cho vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với dược phẩm trong TPP mà theo đó sẽ thiết lập một gói các nghĩa vụ chung cho tất cả các nước tham gia, nhưng cho phép lộ trình dài hơn đối với các nước đang phát triển, thu nhập thấp.

Theo một số nguồn tin, ý tưởng trên là do Hoa Kỳ đưa ra, dù không phải là một đề xuất chính thức. Một số nguồn khác lại cho rằng đó là ý tưởng của một nước khác chứ không phải Hoa Kỳ, và dự đoán là Malaysia hoặc Mexico.

Dù sao, ý tưởng này cũng khác với đề xuất ban đầu của Hoa Kỳ về bảo hộ SHTT đối với dược phẩm được đưa ra vào năm ngoái, mà theo đó thiết lập hai tiêu chuẩn riêng biệt – một cho các nước có Tổng Thu nhập Quốc gia (GNI) bình quân đầu người dưới một ngưỡng nào đó, và một cho các nước khác ở trên ngưỡng đó. Nếu theo đề xuất đó của Hoa Kỳ, các nước đang phát triển nếu có mức GNI bình quân đầu người ở trên ngưỡng đó sẽ phải thực thi các tiêu chuẩn bảo hộ SHTT cao hơn.

Còn theo ý tưởng mới thì chỉ có duy nhất một gói tiêu chuẩn bảo hộ SHTT cao và do đó bị chỉ trích rằng đi chệch hướng của thỏa thuận “Mùng 10/5” đã đạt được giữa các Đảng viên Đảng Dân chủ và chính quyền Bush vào năm 2007. Thỏa thuận Mùng 10/5 nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thuốc giá rẻ cho các nước đang phát triển bằng các đưa vào các tiêu chuẩn bảo hộ sáng chế và độc quyền dữ liệu dễ thực hiện hơn trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Hoa Kỳ với các nước đang phát triển so với các tiêu chuẩn này trong các FTA với các nước phát triển.

Cách tiếp cận một gói nghĩa vụ chung duy nhất như đang được thảo luận bởi các nước TPP trong tuần này có khả năng sẽ bị chỉ trích bởi các thành viên quốc hội thuộc Đảng Cộng hòa bởi những thành viên này đã công khai yêu cầu chính quyền Obama phải tuân thủ Thỏa thuận 10/5.

Đề xuất của Hoa Kỳ theo cách tiếp cận GNI đã gặp phải sự phản đối dữ dội của một số nước TPP, như Chile, mà ở trên ngưỡng thu nhập GNI dù vẫn là nước đang phát triển tương đồng như Mexico – nước ở dưới ngưỡng thu nhập GNI đó. Theo một số nguồn tin, Hoa Kỳ vẫn chưa từ bỏ đề xuất đó, nhưng đã bắt đầu xem xét một cách nghiêm túc một gói tiêu chuẩn duy nhất với lộ trình khác nhau cho các nước TPP.

Một nguồn tin dự đoán rằng Malaysia và Mexico có thể sẽ ủng hộ cách tiếp cận theo lộ trình này thay vì theo ngưỡng GNI bởi cả hai nước này chỉ một vài năm nữa là sẽ vượt ngưỡng GNI đó. Do đó, việc áp dụng lộ trình sẽ cho phép họ một khoảng thời gian dài hơn trước khi phải áp dụng các tiêu chuẩn bảo hộ SHTT cao hơn.

Nếu như Hoa Kỳ lựa chọn cách tiếp cận mới, thì đây sẽ là lần thứ hai nước này thay đổi quan điểm về vấn đề bảo hộ SHTT đối với dược phẩm. Đề xuất đầu tiên của Hoa Kỳ tập trung vào một “cửa sổ tiếp cận”, theo đó hứa hẹn bảo hộ cao hơn cho các công ty dược phẩm có tên tuổi khi họ nộp đơn xin cấp phép lưu hành ở một nước TPP thứ hai trong một khoảng thời gian sau khi đã được cấp phép lưu hành ở nước TPP thứ nhất.

Ý tưởng mới mà các nhà đàm phán xem xét trong tuần này được các hãng sản xuất có tên tuổi ủng hộ bởi nó sẽ tạo ra một lộ trình cho việc áp dụng áp dụng các tiêu chuẩn bảo hộ SHTT đối với dược phẩm dễ dự đoán hơn so với phương pháp áp dụng GNI. Tuy nhiên, ý tưởng này gặp phải sự phản đối bởi quan điểm chính sách rằng việc bảo hộ SHTTcao chỉ phù hợp với các nước giàu.

Bên cạnh đó, những vấn đề khác cũng gây nhiều tranh cãi, đó là việc nước nào sẽ được thực hiện theo lộ trình, lộ trình bao lâu và có giống nhau giữa tất cả các nước được hưởng lộ trình hay không. Nhưng theo một số nguồn tin, vấn đề gây tranh luận nhiều nhất vẫn là các tiêu chuẩn chung duy nhất cho bảo hộ SHTT đối với dược phẩm thực sự là gì.

Theo một nguồn tin khác, Hoa Kỳ sẽ ủng hộ việc áp dụng lộ trình cho gói các nghĩa vụ chỉ đổi với các nước ở dưới ngưỡng GNI. Nhưng mỗi nguồn tin lại dự đoán khác nhau về việc các nước TPP đang đàm phán lộ trình khác nhau cho từng nước riêng lẻ hay là một lộ trình chung cho tất cả các nước có thu nhập thấp.

Ngưỡng để xác định liệu một nước TPP là thu nhập thấp hay cao sẽ được xác định bởi Ngân hàng Thế giới, tổ chức này sử dụng mức GNI đầu người để phân loại các nước. Theo số liệu về GNI năm 2012, Ngân hàng Thế giới phân loại các nước có thu nhập cao nếu có GNI bình quân đầu người lớn hơn 12.616 Đô la.

Nếu như vậy, các nước TPP thuộc nhóm thu nhập cao theo phân loại của Ngân hàng Thế giới sẽ là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Australia, Brunei, Chile, New Zealand và Singapore. Các nước còn lại thuộc nhóm thu nhập thấp Peru, Mexico, Malaysia và Việt Nam.

Theo một nguồn tin khác, Việt Nam tỏ ra rất thờ ơ với ý tưởng mới này, chủ yếu bởi vì nếu theo đề xuất cũ của Hoa Kỳ vào cuối năm ngoái thì nước này sẽ có lộ trình dài hơn trong việc phải thực thi các tiêu chuẩn bảo hộ SHTT cao cho dược phẩm.

Theo đề xuất cũ của Hoa Kỳ, một nước ở dưới ngưỡng GNI như Việt Nam sẽ chỉ phải áp dụng mức độ bảo hộ SHTT đối với dược phẩm như, chẳng hạn, FTA giữa Hoa Kỳ và Peru cho độc quyền dữ liệu, mở rộng phạm vi sáng chế, và liên kết sáng chế. Các hiệp định tương tự như FTA giữa Hoa Kỳ với Panama và với Colombia đều dựa trên Thỏa thuận 10/5

Chắng hạn, theo Thỏa thuận 10/5, các nước đang phát triển được tự do lựa chọn việc mở rộng phạm vi sáng chế và không buộc phải áp dụng liên kết sáng chế - một hệ thống yêu cầu các cơ quan chưc năng từ chối cấp phép lưu hành cho một sản phẩm dược phẩm trừ khi xác định được rằng sản phẩm đố không vi phạm bất kỳ sáng chế còn thời hạn nào.

Tiêu chuẩn nào sẽ áp dụng cho độc quyền dữ liệu, mở rộng phạm vi sáng chế và liên kết sáng chế tiếp tục là các chủ đề chính gây nhiều tranh cãi trong các phiên đàm phán về SHTT trong TPP. Chẳng hạn như Hoa Kỳ thì đang yêu cầu áp dụng 12 năm độc quyền dữ liệu cho các loại thuốc sinh học tiên tiến – dài hơn nhiều so với các quy định pháp luật hiện hành của tất cả các nước TPP khác.

Bảo hộ SHTT hiện là chủ đề gây rất nhiều tranh cãi trong TPP. Theo dự thảo Chương SHTT bị tiết lộ ngày 13/11/3013, 5 nước New Zealand, Canada, Singapore, Chile và Malaysia đã đưa ra đề xuất chung về vấn đề này trong đó không bao gồm các nội dung độc quyền dữ liệu, mở rộng phạm vi sáng chế và liên kết sáng chế như yêu cầu của Hoa Kỳ.

Nguồn: Insidetrade

Dịch và biên tập: Trung tâm WTO-VCCI
Hiện tại chưa có phản hồi nào
Hiển thị 0 trong Hiện tại chưa có phản hồi nào phản hồi  
Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 166
   Truy cập trong ngày : 1524
   Tổng số truy cập : 28057016
Logo thương hiệu Việt