AEC: Thái Lan và Singapore sẽ hút lao động Việt Nam 2/16/2016 11:19:03 AM
Khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) mở cửa sẽ đem lại nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam, nhưng cùng với đó sẽ là không ít thách thức. Ông Simon Matthews (ảnh), Tổng giám đốc Manpower Group khu vực Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Xin ông cho biết một lao động sẽ phải đảm bảo những điều kiện gì để được di chuyển tự do?

Đầu tiên, để di chuyển trong khối ASEAN, lao động sẽ cần phải có chứng chỉ được công nhận, hay còn gọi là yêu cầu về mặt kĩ thuật cần được đảm bảo theo tiêu chuẩn chung của các nước. Thứ hai là yêu cầu về ngôn ngữ, trong đó tiếng Anh chiếm đa số. Thứ ba là yêu cầu về kĩ năng mềm. Sự khác biệt về văn hóa cũng quan trọng vì người lao động sẽ không chỉ di chuyển trong một vài tuần, mà thường sẽ là cả năm, vì vậy thích nghi với văn hóa nơi làm việc cũng sẽ là một thách thức.

Những thách thức mà lao động Việt Nam phải đối mặt khi AEC chính thức thành lập là gì thưa ông?

Nhìn chung, khi di chuyển đến một thành phố khác, lao động phải đối mặt với sự thay đổi về thời tiết, sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, sự hiểu biết về xã hội tại nước sở tại... Điều này rất quan trọng, khi một người chuyển địa điểm sang ở đất nước khác dù họ có qua công ty tư vấn hay không, họ cũng nên tự tìm hiểu về đất nước ấy. Vì vậy, bên cạnh kỹ năng cứng về tay nghề, trình độ ngoại ngữ lao động cần phải hiểu rõ sự khác biệt văn hóa nước sở tại để có thể hòa nhập với môi trường lao động một cách sâu rộng nhất.

Theo ông, trong 8 ngành nghề được tự do lưu chuyển trong khối ASEAN, ngành nghề nào sẽ thu hút được nhiều lao động nước ngoài đến Việt Nam nhất?

Tôi nghĩ nghề thu hút nhiều lao động nước ngoài đến Việt Nam nhất là nghề kĩ sư. Việt Nam có rất nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng trong nước, vì vậy sẽ có nhu cầu cao trong tuyển dụng kĩ sư có tay nghề đạt chuẩn quốc tế.

Tiếp theo đó ngành du lịch cũng sẽ thu hút đông lao động nước ngoài. Ngoài ra còn có nghề bác sĩ và y tá bởi Việt Nam đang từng bước hoàn thiện chất lượng dịch vụ ngành y tế.

Các khảo sát đều chỉ ra rằng Việt Nam không phải là môi trường có thu nhập cao. Vậy điều này có ảnh  hưởng đến khả năng thu hút lao động có tay nghề cao không thưa ông?

Với người lao động, vấn đề mà họ quan tâm nhất sẽ là vấn đề tiền lương. Sau đó là các phúc lợi khác như nhà ở, sự thuận lợi để di chuyển gia đình, vấn đề trường học cho con cái... Một môi trường làm việc lý tưởng sẽ giúp người lao động có lương cao hơn, phúc lợi tốt hơn so với nơi làm việc cũ tại quốc gia của họ. Nếu các công ty không thể tìm được ai có đủ kĩ năng cần thiết ở thị trường trong nước thì các công ty này sẽ sẵn sàng chi trả mức lương cao để nhận người lao động nước ngoài đáp ứng đủ yêu cầu.

Trong các khảo sát của chúng tôi, khi người lao động di chuyển, họ muốn mức lương cao hơn từ 20-30% so với hiện tại cộng với các phúc lợi như di chuyển, nhà ở, bảo hiểm y tế, trường học cho con cái... Thực tế chi trả cho lao động nước ngoài có thể vượt quá sự chi trả của doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp sẽ chỉ lấy lao động nước ngoài khi họ cần có người lao động với kĩ năng nhất định mà đang thiếu hụt ở thị trường hiện tại.

Ngoài ra, một cá nhân trong công ty sẽ phát triển để đáp ứng những kinh nghiệm, kĩ năng cần thiết thay vì phải thuê lao động nước ngoài.  Vì vậy trong nhiều trường hợp, lao động nước ngoài chỉ đóng vai trò ngắn hạn, và như ở Thái Lan, lương cho người lao động bản địa ngày càng tăng và khoảng cách tiền lương trả cho lao động trong nước và nước ngoài sẽ thu hẹp. Lương ở Việt Nam cũng ngày càng tăng cho người lao động Việt Nam, vì vậy khoảng cách lương trả cho người nước ngoài và Việt Nam sẽ thu hẹp dần.

Ông đánh giá thị trường lao động Việt Nam như thế nào trong mối tương quan với thị trường lao động của AEC?

Hội nhập AEC giúp người lao động di chuyển tự do với mong muốn mức lương cao và phúc lợi tốt hơn. Vì vậy, thị trường lao động Viêt Nam sẽ không xuất khẩu nhân sự sang các quốc gia như Lào hay Campuchia. Thay vào đó, mục tiêu hướng tới sẽ Malaysia, Singapore, Thái Lan.

Về điểm này, Việt Nam sẽ là nhóm nước thứ hai có sự dịch chuyển lao động sang nước ngoài như Singapore, Thái Lan. Trong khi các quốc gia này sẽ có xu hướng nhập khẩu lao động nhiều hơn.

Về lĩnh vực nghề nghiệp nào sẽ dịch chuyển nhiều nhất, tôi nghĩ rằng sẽ tập trung ở người lao động bán lành nghề chứ không nằm ở nhóm có kĩ năng cao, trong những lĩnh vực mà thị trường đang thiếu hụt lao động.

Xin cảm ơn ông!




Theo Báo Hải Quan

Hiện tại chưa có phản hồi nào
Hiển thị 0 trong Hiện tại chưa có phản hồi nào phản hồi  
Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 256
   Truy cập trong ngày : 3388
   Tổng số truy cập : 28070539
Logo thương hiệu Việt