Kết thúc phiên 7/4, chỉ số Dow Jones giảm 349,26 điểm (-0,91%) xuống 37.965,60 điểm, S&P 500 mất 11,83 điểm (-0,23%) còn 5.062,25 điểm và Nasdaq Composite nhích nhẹ 15,48 điểm (+0,10%) lên 15.603,26 điểm.
Đầu phiên, chỉ số S&P 500 phục hồi 3% sau khi có một báo cáo cho rằng chính quyền Trump đang cân nhắc hoãn thuế quan trong 90 ngày. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã nhanh chóng bác bỏ tin đồn này, khiến thị trường lập tức đảo chiều
Trong số 11 nhóm ngành chính thuộc S&P 500, bất động sản chịu sức ép lớn nhất, giảm 2,4%. Ngược lại, dịch vụ truyền thông là ngành tăng mạnh nhất (+1%), tiếp theo là công nghệ (+0,3%).
Cổ phiếu Apple giảm 3,7% và Tesla mất 2,6%, trở thành hai mã tác động tiêu cực nhất đến S&P 500. Trong khi đó, cổ phiếu Nvidia tăng hơn 3% và Amazon leo 2,5%, ghi dấu là hai mã có đóng góp tích cực nhất.
Chỉ số Biến động CBOE (VIX), được xem là thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall, tăng vọt lên 46,98 điểm, mức kết phiên cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 29,13 tỷ cổ phiếu, vượt xa mức trung bình 17,13 tỷ cổ phiếu của 20 phiên trước đó.
Ông Rick Meckler, chuyên gia tại Cherry Lane Investments nhận định: "Vấn đề cốt lõi hiện nay là chính quyền Trump đang áp dụng một biện pháp chữa trị còn tệ hơn cả căn bệnh, khi đối phó với mất cân bằng thương mại bằng thuế quan”.
Theo ông, các nhà đầu tư mong muốn có một phương án khác hoặc ít nhất là tạm dừng việc áp thuế. “Điều đáng chú ý là ngay cả trong cộng đồng đầu tư và kinh doanh ủng hộ Trump, dường như không ai công khai ủng hộ cách tiếp cận thuế quan của ông ấy”, ông Meckler chỉ ra.
Vào tuần trước, trong hai ngày giao dịch 3/4 và 4/4 sau thông báo thuế quan của chính quyền Trump, chỉ số S&P 500 đã lao dốc 10,5%, bốc hơi khoảng 5 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa, đánh dấu mức giảm hai ngày lớn nhất kể từ tháng 3/2020.
Riêng hôm 4/4, Dow Jones chính thức bước vào vùng điều chỉnh khi mất khoảng 10% so với mốc đỉnh thiết lập vào tháng 12/2024, trong khi Nasdaq rơi vào “thị trường gấu” do mất hơn 20% so với mức cao nhất trước đó.
Tuần này, thị trường sẽ theo dõi các phát biểu của quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và một loạt chỉ số kinh tế mới, bao gồm cả dữ liệu lạm phát, để tìm kiếm thêm các tín hiệu về nguy cơ suy thoái.
GIÁ DẦU XUỐNG MỨC THẤP NHẤT TRONG GẦN 4 NĂM
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm 2% do các lo ngại thuế quan có thể đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái và làm giảm nhu cầu năng lượng.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 1,37 USD, tương đương 2,1%, xuống còn 64,21 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,29 USD, tương đương 2,1%, chốt phiên ở mức 60,70 USD/thùng.
Cả hai đều đã giảm khoảng 11% trong tuần trước, chốt phiên ở mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021.
Những lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu ngày càng gia tăng khi Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 34% đối với hàng hóa Mỹ để đáp trả các biện pháp của ông Trump. Ông Trump ngay lập tức phản ứng bằng cách tuyên bố sẽ áp thêm 50% thuế đối với Trung Quốc nếu Bắc Kinh không rút lại biện pháp trả đũa. Ông cũng khẳng định tất cả các cuộc đàm phán với Trung Quốc sẽ bị hủy bỏ.
Ở một diễn biến khác, Arab Saudi tuyên bố cắt giảm mạnh giá dầu thô cho khách hàng châu Á, đưa giá dầu tháng 5 xuống mức thấp nhất trong bốn tháng. Chia sẻ ý kiến về động thái này, chuyên gia Tamas Varga của PVM cho biết: “Có vẻ như thị trường tin là thuế quan sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ. Cả Arab Saudi và các nước khác đều nhận ra rằng cung - cầu dầu sẽ thay đổi, buộc họ phải hạ giá bán chính thức”.
Ngoài ra, liên minh OPEC+ (bao gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh) đã quyết định đẩy nhanh kế hoạch tăng sản lượng dầu, từ đó gây thêm áp lực giảm giá.